Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng: Giáo sư không phải là từ độc quyền

Giáo dụcThứ Sáu, 25/09/2015 07:36:00 +07:00

Bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư: Vị hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng những từ ngữ giáo sư, phó giáo sư không phải thuộc độc quyền một cơ quan nào.

(VTC News) – Vị hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng những từ ngữ giáo sư, phó giáo sư không phải thuộc độc quyền một cơ quan nào.

Những ngày qua, việc Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư đã khiến dư luận xôn xao tranh luận.

Trước những ý kiến trái chiều, lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của trường là việc làm thể hiện quyền tự chủ và trường đã xây dựng một bộ tiêu chí cho việc này.
Giáo sư – Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng
(Ảnh: Lao Động) 

Trả lời phỏng vấn VTC News, TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định quy trình bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư là bình duyệt, chứ không phải nội bộ tự xét và bổ nhiệm.

“Căn cứ bộ tiêu chuẩn, chúng tôi mời những chuyên gia hàng đầu trong ngành ở nước ngoài (và trong một số trường hợp ở trong nước) thẩm định. Chúng tôi tôn trọng ý kiến thẩm định của chuyên gia. Hội đồng xét chỉ mời ứng viên và chuyên gia thẩm định lên tranh luận trước Hội đồng khi và chỉ khi có những vấn đề còn phân vân.

Hội đồng tôn trọng kết luận của chuyên gia thẩm định. Không có chuyện bỏ phiếu kín để quyết định. Mọi việc đều phải công khai”, TS Lê Vinh Danh khẳng định.

TS Lê Vinh Danh cũng chia sẻ thêm là năm 2007 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép các trường đăng ký và trường nào đủ điều kiện, thì tổ chức đào tạo tiến sĩ; lúc đó cũng có những núi lo ngại giống hôm nay. Nhiều ý kiến lo ngại quá nhiều trường không đủ điều kiện, và như thế xã hội sẽ loạn tiến sĩ.

Nhưng sau 8 năm, mọi việc vẫn ổn. Tuy nhiên, một số trường đào tạo tiến sĩ chất lượng khá tốt, có trường trung bình và có trường thực sự chất lượng vẫn còn thấp. Nhưng xã hội đều biết và tự có sự lựa chọn. Đó là một chính sách thông minh.

“Đào tạo bậc tiến sĩ là một việc làm vô cùng quan trọng bởi nó hình thành nên nhà nghiên cứu và hoạt động này quan trọng hơn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp như điều chúng ta đang trao đổi. Vậy mà Bộ còn cho thí điểm và hệ thống đại học đã chứng minh là làm được và không có loạn tiến sĩ. Thế tại sao hôm nay không ai nhớ và rút kinh nghiệm từ chuyện 2007?”, hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng giáo sư, phó giáo sư hiện nay là từ dùng độc quyền của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Vì vậy, Đại học Tôn Đức Thắng nên dùng từ khác để không lẫn lộn giáo sư, phó giáo sư của Nhà nước với của Trường.

Bình luận về điều này, TS Lê Vinh Danh cho rằng: “Chỉ có suy nghĩ cực đoan và duy ý chí mới cho rằng những từ ngữ như giáo sư, phó giáo sư thuộc độc quyền dùng của của một cơ quan nào đó”.
Đại học Tôn Đức Thắng không dừng việc xây dựng bộ tiêu chí bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư
Đại học Tôn Đức Thắng không dừng việc xây dựng bộ tiêu chí bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư
Trước đây giáo sư chỉ những người đi dạy và có cả giáo sư trung học, giáo sư đại học.

“ Vị giáo sư đại học cũng chẳng buồn gì khi bạn mình ở cấp dạy thấp hơn mình vẫn được gọi là giáo sư bởi ông hiểu mỗi người có mỗi việc; và tên gọi trên dùng để chỉ chung nghề nghiệp của họ (giống như Luật sư, Trạng sư, Kiến trúc sư hay Bác sĩ chuyên khoa...). Chỉ có từ năm 2008, khi Nhà nước giao quyền cho Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước việc công nhận trong toàn quốc mới xuất hiện tâm lý này”, TS Lê Vinh Danh nói thêm.

“Nếu chúng ta cho rằng những từ đó là độc quyền của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, thì khi các đại học nước ngoài mở và hoạt động tại Việt Nam (ví dụ RMIT), họ xét và công nhận giáo sư, phó giáo sư cho trường thì họ cũng phải dùng từ khác để khỏi đụng đến độc quyền này hay sao?”, hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng lập luận.

Vì vậy, Đại học Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định, biểu mẫu, báo cáo...để xét bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư đợt đầu tiên vào đầu 2016.

“Với tiêu chuẩn như hiện nay, chúng tôi không kỳ vọng có nhiều người trong Đại học Tôn Đức Thắng đạt được tiêu chuẩn để nhận sự bổ nhiệm ở một số đợt đầu. Nhưng từng bước, từng bước, giảng viên chúng tôi có mục tiêu để theo đuổi, thì con số người hội đủ tiêu chuẩn những năm về sau sẽ nhiều lên. Hy vọng sau vài năm, việc này phối hợp với việc liên tục tuyển chuyên gia và giáo sư nước ngoài đến làm việc dài hạn sẽ giúp trường đủ nhân lực cho mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu”, TS Lê Vinh Danh bày tỏ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn