Hiệu phó bị tố ‘đạo văn’: Tài liệu tham khảo không phải là giáo trình

Giáo dụcThứ Sáu, 03/10/2014 09:16:00 +07:00

(VTC News) – Nguyên lãnh đạo bộ môn Hệ thống điện (ĐH Bách Khoa Hà Nội) khẳng định cuốn tài liệu PGS Trần Văn Tớp tham khảo không phải là giáo trình.

(VTC News) – Nguyên lãnh đạo bộ môn Hệ thống điện (ĐH Bách Khoa Hà Nội) khẳng định cuốn tài liệu PGS Trần Văn Tớp tham khảo không phải là giáo trình.

Ngày 2/10, PV VTC News đã có buổi làm việc với tổ Bộ môn Điện và Viện điện (thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) về những nội dung mà ông Nguyễn Ngọc Thành đã tố cáo PGS.TS Trần Văn Tớp.

Buổi làm việc gồm GS. Lã Văn Út, nguyên Trưởng bộ môn Hệ thống điện, PGS. Nguyễn Đình Thắng, TS. Nguyễn Huy Phương, Viện trưởng Viện Điện (ĐH Bách Khoa Hà Nội).

Chỉ là tập bài giảng, không phải giáo trình

Trao đổi với VTC News, GS. Lã Văn Út, nguyên Trưởng bộ môn Hệ thống điện (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận định, cuốn sách của PGS. Võ Viết Đạn chỉ là một trong 4 tập bài giảng của một lớp kỹ sư đường dây 500Kv sau khi bộ môn đã tham gia thiết kế xây dựng.
Biên bản thẩm định giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp từ năm 2007. 
Hiện tại, tập tài liệu của PGS Võ Viết Đạn chưa từng được thông qua hội đồng khoa học của khoa, chưa từng được in chính thống nên không thể gọi là cuốn giáo trình.

GS Út cũng cho rằng, do cuốn tài liệu đó không phải là cuốn giáo trình nên việc có tố cáo là không có căn cứ.
Nguyên trưởng bộ môn Hệ thống điện cho rằng việc sao chép giáo trình khác hẳn với sao chép một luận án hay một đề tài nghiên cứu.

Theo GS. Út, luận án, đề tài nghiên cứu là công trình của cá nhân, thậm chí chỉ sao chép một định lý rồi bảo đó là của mình thì không thể chấp nhận được. Nhưng đối với sách giáo khoa, đó là tài liệu tập hợp những kiến thức chung của nhân loại.

Những kiến thức này cũng thường xuyên phải được cập nhật mới để cho sinh viên có thể cập nhật được những nội dung mới nhất.

Vị chuyên gia này cho rằng việc tính phần trăm về sự trùng lặp cũng ít ý nghĩa vì đã là sách giáo khoa là phải chuẩn, không ai dám thay đổi định lý đã tồn tại lâu, hay những hình vẽ đã đẹp và chọn lọc, mình muốn vẽ khác đi cũng khó làm được.

GS Út cũng cho rằng các giáo sư người Nga khi viết giáo trình đã ngắn gọn, xúc tích, cô đọng nên việc thay đổi nhiều khi còn làm cho tài liệu thêm tối nghĩa, khó hiểu.

Những cái hay, cái tốt từ tài liệu cũ thì phải lấy để viết. Giáo trình không thể có chuyện cứ viết ra là dạy và trở thành giáo trình, do đó phải có sự thông qua hội đồng giáo dục.

Thậm chí, cuốn giáo trình của PGS. Võ Viết Đạn viết năm 1972 cũng là lấy nội dung của các thầy người Nga. Nếu tính là sao chép thì cuốn giáo trình này cũng khó nói là bản quyền của PGS. Đạn.

Có nhiều nội dung mới

Bên cạnh việc khẳng định không có sự sao chép, GS. Lã Văn Út còn thông tin cuốn giáo trình của PGS. Tớp đã cập nhật được khá nhiều nội dung mới so với  cuốn tài liệu năm 1993 và cuốn giáo trình năm  1972.


“Cái mà thầy Tớp đã cập nhật được so với cuốn năm 1972 là Mô hình điện hình học dùng để tính toán vùng bảo vệ chống sét và Chương về hiệu quả của việc phân pha giữa đường dân cao áp và siêu cao áp để tăng hiệu quả truyền tải” GS. Út cho hay.

 Nguyên trưởng bộ môn Hệ thống điện cho biết thêm, cuốn giáo trình của PGS Tớp được viết dựa trên yêu cầu của bộ môn đòi hỏi phải có một cuốn giáo trình cập nhật những kiến thức mới để sinh viên học tập. Những nội dung mới được cập nhật không có trong cuốn giáo trình năm 1972 và không có trong cuốn tài liệu giảng dạy năm 1993.
Trong lời nói đầu, PGS Trần Văn Tớp đã thể hiện nội dung có tham khảo tài liệu trước đó của PGS Võ Viết Đạn 
Việc PGS Tớp có tham khảo những tài liệu trước đó trong cuốn giáo trình của mình là hợp lý. Bên cạnh đó, trong lời nói đầu của cuốn giáo trình, PGS Tớp cũng đã công khai việc có sử dụng những kiến thức trong tập bài giảng của PGS Võ Viết Đạn. Việc làm đó cũng thể hiện sự trân trọng của PGS Tớp đối với những đóng góp của PGS Võ Viết Đạn.

Trao đổi thêm với VTC News, PGS. Nguyễn Đình Thắng, cùng tổ chuyên môn với PGS. Trần Văn Tớp cho biết, trước khi cuốn giáo trình của PGS. Tớp được thông qua thì nhóm chuyên môn phải họp nhiều lần, thông qua các chuyên đề và góp ý để được ra sách.

Sau đó lãnh đạo khoa, lãnh đạo trường đã thống nhất để xuất bản cuốn giáo trình.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Huy Phương –Viện trưởng Viện điện (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, sau khi Viện nhận được đơn tố cáo cũng thấy có trách nhiệm và đã thông báo cho các bộ trong Viện.

Sau đó PGS. Trần Văn Tớp cũng đã có biên bản giải trình về những gì mới, bổ sung trong quyển giáo trình 2007, và hiện tại Bộ GD-ĐT đang trong quá trình thẩm tra hai cuốn này.

Về cuốn tập bài giảng năm 1993 của PGS. Võ Viết Đạn, TS. Phương cho hay, cuốn này không xuất bản, do đó không phải là tài liệu tham khảo, như vậy cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp không vi phạm bản quyền, việc được thực hiện đã có cả quy trình.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn