Hiệu phó bị tố đạo văn, nhiều nhà khoa học bất bình

Giáo dụcThứ Bảy, 17/05/2014 07:56:00 +07:00

(VTC News)- Nhiều nhà khoa học đã tỏ ra bất bình trước kết luận của Bộ GD-ĐT về việc PGS Nguyễn Cảnh Lương bị tố đạo văn.

(VTC News)- Nhiều nhà khoa học đã tỏ ra bất bình trước kết luận của Bộ GD-ĐT về việc PGS Nguyễn Cảnh Lương bị tố đạo văn.

Ngày 25/01/2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 339/QĐ- BGDĐT thụ lý giải quyết vụ việc công dân tố cáo: “Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải”.

Ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký Kết luận số 22/KL-BGDĐT kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ
Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ    
Sau khi thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu, chứng cứ, Tổ xác minh đã đưa ra kết luận nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải” là đúng một phần.

Đánh giá về kết luận của Bộ GD-ĐT, GS-TSKH Lê Hùng Sơn - người nhiều năm theo đuổi chuyên ngành “Giải tích phức, giải tích Clifford, phương trình đạo hàm riêng”, thẳng thắn cho rằng: “Tôi không đồng tình với kết luận của Bộ GD-ĐT, đây là kết luận nói vòng vèo.

GS-TSKH Lê Hùng Sơn đề xuất Bộ GD-ĐT nên hủy luận án của PGS Nguyễn Cảnh Lương và yêu cầu lập hội đồng mới để bảo vệ lại.
pgs nguyễn cảnh lương
PGS Nguyễn Cảnh Lương 
Cũng có cùng quan điểm này, GS Trần Đình Long (Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới) đã lên tiếng về bản kết luận của Bộ GD-ĐT nội dung tố cáo PGS. Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn, sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải.

GS Trần Đình Long khẳng định, kết luận này không xác định được phần hay định lượng sao chép là bao nhiêu, cách trả lời của Bộ chưa được rõ ràng, từ đó khó có thể kết luận mức độ vi phạm là bao nhiêu.

GS Trần Đình Long
GS Trần Đình Long không đồng tình với kết luận của Bộ GD-ĐT 
Theo GS. Long, nếu nhìn lại vụ của ông Hoàng Xuân Quế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) là bài học thì Bộ GD-ĐT cần phải làm một cách cẩn thận như thế (chỉ rõ từng phần, từng chương có bao nhiêu câu sao chép) bản kết luận mới có tính thuyết phục hơn.


Về bản luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ngay người hướng dẫn là GS. Nguyễn Văn Mậu đã phê rằng: “Chương II và Chương III của PGS. Lương là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”.

Đánh giá về nội dung này, GS Long khẳng định: “Chỗ này cũng phải xem lại bởi một thầy giáo hướng dẫn đã nói như vậy thì có nên hay không, trong luận văn có nên chép lại của người khác một cách cẩn thận hay không, với câu khẳng định của GS. Mậu tức là sao y nguyên bản, như thế thì khó chấp nhận được” .

Đối  với những công trình nghiên cứu khoa học có tính sáng tạo thì không cho phép chép lại như vậy.

GS Trần Đình Long nêu lại quan điểm chính GS. TSKH Lê Hùng Sơn cho rằng cần phải hủy luận án và bảo vệ lại.

“Bộ GD-ĐT cần tham khảo ý kiến của GS. Sơn, bởi GS. Sơn là người hiểu biết nhiều nhất về lĩnh vực liên quan tới luận văn của PGS. Nguyễn Cảnh Lương”, GS Long lý giải.

Trước những lập luận cho rằng quy chế đào tạo tiến sĩ cách đây 20 năm chưa chặt chẽ, GS Trần Đình Long cho rằng, có thể quy chế đào tạo tiến sỹ của ta lúc đó chưa có kinh nghiệm, nên có thể có những quy định chưa chặt chẽ. Nhưng lương tâm của người làm khoa học thì không thể nói trước đây 20 năm có thể thấp hơn bây giờ.

GS Trần Đình Long khẳng định: “Tôi nghĩ không chỉ vài chục năm mà có thể xa hơn nữa thì lương tâm của người làm khoa học vẫn thế, cũng không nên đổ cho quy chế thế này hay thế khác vì bản thân người viết luận văn phải biết được đoạn nào minh viết, đoạn nào mình chép của người khác”.
GS. Viện sỹ Trần Đình Long cho rằng nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này sẽ thành tiền lệ xấu về sau.

“Nếu gương không tốt sẽ làm chất lượng của bằng tiến sỹ thấp xuống, làm hạ chất lượng đào tạo xuống trong khi các trường đại học lại đưa mục tiêu phấn đấu chất lượng” GS. Long cho hay.

Trước đó, trả lời trên báo điện tử Infonet, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, với bản Kết luận của Bộ GD-ĐT về vụ ông Nguyễn Cảnh Lương là rất lửng lơ, mâu thuẫn.

GS. Thuyết cho rằng, khó có thể chấp nhận việc một nghiên cứu sinh lấy ý kiến người khác làm thành một chương rưỡi (một nửa) luận án của mình, đồng thời không ghi chú đó là ý kiến của người khác, nhất là khi đã được các thầy hướng dẫn và Hội đồng chấm luận án nhắc nhở.

“Về mặt xử lý, tôi hiểu là Bộ cũng như Hội đồng chức danh ngành Toán có những điều khó xử. Nhưng đã là việc công thì cần gạt tình cảm cá nhân sang một bên, theo quy chế mà làm. Vụ việc của ông Nguyễn Cảnh Lương cần được xử lý công bằng với những vụ việc tương tự. Trước đây, ông Hoàng Xuân Quế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bị khiếu nại là sao chép luận án của người khác và đã bị Bộ tước bằng. Tại sao mỗi trường hợp Bộ lại xử lý một kiểu như vây?”, GS Thuyết nêu quan điểm.


Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn