Hiệu phó bị tố đạo văn, chuyên gia phản bác kết luận

Giáo dụcThứ Hai, 05/05/2014 05:38:00 +07:00

(VTC News)- Chuyên gia toán học cùng lĩnh vực đã phản bác kết luận của Bộ GD-ĐT trong vụ việc hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội bị tố đạo văn.

(VTC News)- Chuyên gia toán học cùng lĩnh vực đã phản bác kết luận của Bộ GD-ĐT trong vụ việc hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội bị tố đạo văn.

Kết luận vòng vèo

Ngày 25/01/2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 339/QĐ- BGDĐT thụ lý giải quyết vụ việc công dân tố cáo: “Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải”.
PGS Nguyễn Cảnh Lương
PGS Nguyễn Cảnh Lương 
Ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký Kết luận số 22/KL-BGDĐT kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Sau khi thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu, chứng cứ, Tổ xác minh đã đưa ra kết luận nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải” là đúng một phần.

Đánh giá về kết luận của Bộ GD-ĐT, GS-TSKH Lê Hùng Sơn - người nhiều năm theo đuổi chuyên ngành “Giải tích phức, giải tích Clifford, phương trình đạo hàm riêng”, thẳng thắn cho rằng: “Tôi không đồng tình với kết luận của Bộ GD-ĐT, đây là kết luận nói vòng vèo. Tôi theo dõi toàn bộ kết luận, câu chuyện ở đây ai cũng thấy trong Hội đồng cấp cơ sở chính GS. Mậu đã nói: “Chương II và Chương III trong luận án của PGS. Lương là chép lại của người khác một cách cẩn thận”. Bản thân PGS. Lương có đề cập tới việc “sơ xuất”, nhưng tôi không bàn chuyện đó.

GS Lê Hùng Sơn
GS-TSKH Lê Hùng Sơn 
Nhưng rõ ràng Chương II và Chương III là bắt chước cách làm của người khác.

Vậy theo đúng tính chất của một người làm luận án tiến sĩ và nghiên cứu khoa học thì bất cứ đoạn nào bắt chước của người nào phải có chú thích, nếu không sẽ có tình trạng “lập lờ đánh lẫn con đen”, làm người đọc tưởng nhầm chỗ đó là của anh”.


Việc Bộ có nói PGS. Lương có ghi vào công trình của  mình có luận án của PGS. Khải nhưng chỉ ghi chung chung, làm cho người đọc nhầm lẫn.

“Nếu là người trong ngành như tôi là tôi biết những đoạn nào của anh Lương là bắt chước, nhưng đại bộ phận nhiều người không biết, và như thế mới bịp được mọi người”, GS Sơn phân tích thêm.

Thậm chí, vị chuyên gia này còn cho rằng Bộ GD-ĐT không đủ sắc xảo hoặc cố tình. Đây là một sự thiếu trung thực rất tinh tế.

Phải hủy luận án

GS Sơn phân tích thêm “Bản chất của câu chuyện này là không trung thực, cái đó đã rõ. Theo tôi, Bộ GD-ĐT phải hủy luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương và cho bảo vệ lại, không thể có chuyện không trung thực được.

Đây không thể nói là sơ xuất được, bởi vì một Bí thư Đảng ủy với một trình độ như vậy thì không thể sơ xuất được. Trước đó thì tôi không nói, nhưng khi anh Lương đã vào Đảng, đã làm ở vị trí như vậy thì tự anh phải biết

Với bản Kết luận của Bộ GD-ĐT như vậy là hơi dung túng cho PGS. Nguyễn Cảnh Lương, không nghiêm khắc”.

GS Sơn cho rằng về mặt chuyên môn khái niệm, các đối tượng tại các điểm 1 đến 18 trong Luận án của PGS. Khải và các đối tượng trong Định nghĩa 1.1.1 của PGS. Lương không có gì khác nhau.
Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ
Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ   
“Thực chất công việc nghiên cứu của cả hai luận án là nghiên cứu “Lý thuyết hàm số nhận giá trị trong đại số Clifford”.

Trong lý thuyết hàm số đó gắn liền hai cái. Thứ nhất, là toán tử cô - xi - ni – ma và hàm chính quy, nhưng thực chất ra hàm chính quy là nghiệm của toán tử cô - xi - ni – ma, do đó thực chất các đối tượng không có gì khác nhau”, GS Sơn phân tích.

Ông Sơn nhận định Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán không đủ sâu về chuyên môn để thẩm định, cách làm của Bộ GD-ĐT như vậy là sai, không chính xác.

“Vì đây là luận án tiến sĩ, trong ngành toán có nhiều mã ngành khác. VD: Giải tích số mã ngành khác, xác xuất thống kê mã ngành khác…, vậy trong luận án của PGS. Lương về giải tích hay vi phân và tích phân thì chỉ nằm ở lĩnh vực đó, trong khi đó Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán là chung.

Ít nhất trong Hội đồng thẩm định đó cũng phải có 3 đến 4 người chuyên sâu về lĩnh vực của PGS. Lương đã làm thì mới đủ thẩm định được (đa số số thành viên của Hội đồng phải là người chuyên sâu), nếu không mọi kết luận đều vô nghĩa.

Chấm lại một bài thi về Toán, ví dụ như lượng giác thì đỏi hỏi phải có trình độ sâu. Tất nhiên những người chung về toán có thể rất giỏi nhưng khi đến luận án tiến sĩ thì phải sâu, không thể làm như học sinh phổ thông được”, GS Sơn đưa ra lý lẽ.

Để đảm bảo khách quan cho việc đánh giá, GS Sơn đề xuất phải thành lập một Hội đồng giống như Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, có nghĩa phải mời những người phản biện kín (độc lập), Hội đồng đó phải đủ số chuyên gia và những chuyên gia có uy tín về lĩnh vực sâu.

GS. Lê Hùng Sơn cho rằng dù quy định việc bảo vệ luận án năm 1996 như thế nào nhưng phải có lời thề trước khi bảo vệ luận án.

"Và nếu không làm đúng như “lời thề” đó thì phải xử, và luật nào cũng vậy, phải tước bằng. Luật của Việt Nam không thể nhẹ hơn người khác được, nếu như vậy thì người ta coi nền giáo dục chúng ta ra cái gì?", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

 
GS. TSKH. Lê Hùng Sơn tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Tổng hợp năm 1967. Làm luận án Tiến sĩ tại CHDC Đức từ năm 1973 - 1977, TSKH từ năm 1979 – 1981. Từ năm 1982 công tác tại Trường ĐH Bách khoa, được phong PGS năm 1991, phong Giáo sư năm 2002.

Chuyên môn: Giải tích phức, giải tích Clifford, phương trình đạo hàm riêng. Hàng năm thường xuyên làm việc tại các trung tâm lớn ở quốc tế.

Tại Việt Nam, GS. Hùng đã chủ trì 5 Hội nghị quốc tế lớn về Giải tích Clifford, hiện ông là đồng chủ biên của 4 đầu sách (trong đó 1 cuốn xuất bản tại Mỹ) đều được viết bằng tiếng Anh với GS. Tuschke.


Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn