Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng: ‘Kí ức ngày Tết của tôi là giáp mặt với những tên trộm, cướp’

Thời sựThứ Tư, 06/02/2019 11:32:00 +07:00

Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng chia sẻ vào ngày Tết, kí ức về những lần giáp mặt với các tên trộm, cướp lại ùa về trong tâm trí ông.

Ngày 31/1 (tức 26/12 âm lịch), khắp ngả đường ở TP.HCM rực rỡ sắc màu của Tết. Người người, nhà nhà đi sắm tết. 

Lọt thỏm giữa phố xá phồn hoa dịp cận Tết là hình ảnh một cặp vợ chồng, dáng người nhỏ thó bán mũ, áo chống nắng tại một góc đường Trường Chinh (quận Tân Bình).

Đôi vợ chồng luôn đon đả, tươi cười để bán được nhiều hàng. Thế nhưng, những lúc quán vắng khách, vẻ đượm buồn lại hiện lên trong đôi mắt họ.

Video Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng: ‘Kí ức ngày tết của tôi là giáp mặt với những tên trộm, cướp’

Đôi vợ chồng đó là ông Trần Văn Hoàng (52 tuổi, Trưởng nhóm phòng chống tội phạm đường phố quận Tân Bình) và vợ là bà Trương Thị Xí.

Nói đến ông Hoàng, ai ai ở quận Tân Bình, kể cả TP.HCM cũng biết về người “anh hùng” nghĩa hiệp, luôn xả thân mình để bắt cướp, bảo vệ bình an cho người dân.

Một trong những vụ xả thân bắt cướp của ông Hoàng nổi tiếng cả nước là bắt 2 tên cướp xe SH trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) vào tháng 5 vừa qua.

Vụ việc khiến ông Hoàng bị đâm thừa sống thiếu chết, tỉ lệ thương tật lên đến 68%. Ông Hoàng bây giờ gầy hơn trước nhiều do vết thương vẫn chưa lành hẳn.

Không biết Tết, chỉ biết tội phạm

Khi được hỏi, người dân cả nước đang nô nức sắm Tết, lên kế hoạch chơi Tết, sao ông không nghỉ ngơi hay về quê thì ông Hoàng thở dài, khuôn mặt buồn hẳn.

Ông Hoàng cho biết, ông quê ở Bình Định nhưng sinh sống ở TP.HCM đã 31 năm nay.

Dẫu vậy, số lần ông về quê ăn Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi điều kiện khó khăn và cái nghề hiệp sĩ đường phố vốn không cho phép mình ngừng nghỉ.

IMG_1804

 Hiệp sĩ Hoàng kể về kí ức ngày Tết là những ngày săn bắt tội phạm.

“Thật sự gia đình tôi bao lâu nay chưa biết nghỉ đón Tết là gì, bởi hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, một mặt cũng vì đặc thù công việc.

Vợ tôi buôn bán hàng rong ở vỉa hè, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ngày Tết cũng không dám nghỉ vì Tết là dịp bán được nhiều hàng, nghỉ mất thì phí.

Còn tôi không đi săn bắt tội phạm thì cũng ở nhà phụ vợ bán hàng.

Vợ là trụ cột trong gia đình nhưng trung bình mỗi tháng cũng chỉ kiếm được khoảng 6 triệu đồng để trang trải chi phí. Còn tôi thì chủ yếu đi làm việc thiên hạ, sống nhờ tiền vợ”, hiệp sĩ Hoàng vừa nói vừa nhìn về phía vợ.

Ông Hoàng nói tiếp: “Giờ ra đường thấy hoa đào, hoa mai bày bán khắp nơi, các gia đình dẫn nhau đi sắm Tết cũng thấy chạnh lòng, thấy thương và có lỗi với vợ con.

Năm nào đúng vào dịp Tết, tôi và một số anh em hiệp sĩ cũng đi tuần tra, bắt tội phạm khắp nơi. Không ít lần chúng tôi phát hiện được nhiều tên cạy cửa trộm tài sản, cướp giật đồ của người dân".

Theo ông Hoàng, một điều rất mừng là vợ con đều hiểu và ủng hộ, thậm chí tự hào về những việc làm của mình.

IMG_1805

 Không đi bắt tội phạm hiệp sĩ Hoàng lại phụ vợ bán hàng.

Nghèo quá… được hàng xóm nuôi

Ngồi bán hàng giữa trưa nắng, bà Xí than thở Tết năm nay không hiểu sao hàng ế ẩm hơn mọi năm.

Bà Xí cho biết, bà bán hàng ở đây đã 24 năm nhưng không dư nổi một đồng vì bán hàng ế, chi phí sinh hoạt lại quá cao.

IMG_1798 3

 Bà Xí chia sẻ chưa bao giờ có cái Tết trọn vọn, đầy đủ.

“Tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng thì trả tiền phòng mất 4 triệu thì lấy tiền đâu mà chi tiêu nữa.

Những lần tôi ốm, anh Hoàng không may bị trộm, cướp gây thương tích thì lại đi nhờ vả anh em hàng xóm để mượn tiền.

Chiếc xe máy tồi tàn của anh Hoàng cũng mới trả nợ xong vì tiền sửa đắt hơn tiền mua.

May mắn có gia đình bên cạnh bán bún, thấy vợ chồng khổ nên thương tình, thường xuyên cho ăn miễn phí”, bà Xí cho hay.

IMG_1812 4

 Thu nhập của gia đình dựa vào tiền bán hàng nhỏ lẻ.

Bà Xí chia sẻ từ khi vợ chồng vào TP.HCM lập nghiệp, bà chưa bao giờ cảm nhận được niềm vui khi Tết đến xuân về.

“Căn phòng trọ khoảng 20m2, đồ dùng không có thì lấy gì đón Tết. Mà ngày Tết anh Hoàng cũng đi suốt chứ có ở nhà đâu. Tết thì cũng có ít bánh kẹo thắp hương, mâm cơm gia đình cũng bình thường như mọi ngày, không có gì đặc biệt", bà Xí nói.

Hơn 500 lần bắt cướp, nhiều lần suýt chết

Hiệp sĩ Hoàng cho biết, sau sự cố đáng tiếc khiến 2 hiệp sĩ tử nạn khi bắt cướp, lực lượng hiện nay của nhóm phòng chống tội phạm đường phố quận Tân Bình còn lại 7 người.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà anh em nhụt chí. Mọi người luôn động viên và tăng cường tuần tra, bắt tội phạm nhiều hơn trước.

123444 5

 Hiệp sĩ Hoàng bắt được tên cướp.

Dù vết thương mới lành nhưng hiệp sĩ Hoàng và anh em đã phá được hơn chục vụ trộm cắp, cướp tài sản, bàn giao nhiều tên cho công an.

“Máu hiệp sĩ đã ngấm vào người tôi mấy chục năm nay rồi. Dù vết thương còn đang đau, sức khoẻ còn 68% nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Ngày nào tôi không đi bắt tội phạm là trong lòng nôn nao, chịu không được”, hiệp sĩ Hoàng nói.

Nhắc về những chiến công khi bắt tội phạm, hiệp sĩ Hoàng cho biết hơn 20 năm nay ông đã bắt được hơn 500 vụ trộm, cướp.

Cũng không ít lần ông bị đâm trọng thương phải ra vào bệnh viện như cơm bữa. 

4455 6

 Với hiệp sĩ Hoàng, việc bị thương, nhiều lần thừa sống thiếu chết trở nên quá đỗi bình thường.

Đỉnh điểm nhất là chiều tối 13/5/2018, 2 thành viên của nhóm phòng chống tội phạm đường phố quận Tân Bình đã thiệt mạng trong lúc bắt cướp.

Hiệp sĩ Hoàng vị thương rất nặng, bị thủng cơ hoành, nội tạng theo đó trồi lên cơ hoành, rách màng phổi, rách màng tim, rách gan. May mắn hiệp sĩ Hoàng đã khoẻ lại và trở lại bắt cướp.

“Có lẽ ông trời thương tôi nên không muốn tôi chết và tiếp tục cho tôi theo nghiệp hiệp sĩ, bảo vệ bình yên cho xã hội”, ông Hoàng cười nói.

Quang Hải
Bình luận
vtcnews.vn