Hiến pháp mới: Nội dung nào đi vào thực tiễn sớm nhất?

Thời sựThứ Năm, 02/01/2014 11:33:00 +07:00

(VTC News) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói về những nội dung thuộc Hiến pháp sửa đổi đi vào thực tiễn sớm nhất.

(VTC News) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói về những nội dung thuộc Hiến pháp sửa đổi đi vào thực tiễn sớm nhất.

Từ hôm qua, 1/1/2014, Hiến pháp sửa đổi đã chính thức có hiệu lực. Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc hiện thực hóa bản hiến pháp này.

- Hiến pháp mới sẽ đi vào thực tế như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Internet)
Hiến pháp sửa đổi đã trải qua một quá trình chuẩn bị khá dài, được tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trong nước và đồng bào ở nước ngoài, sau đó được các đại biểu Quốc hội thảo luận rất kỹ tại các kỳ họp trước khi được xây dựng, thông qua.

Chúng ta đang có một bản hiến pháp sửa đổi với nhiều nội dung mới. Tuy nhiên, để hiến pháp sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, còn rất nhiều việc cần làm.

Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thi hành hiến pháp trong đó có mấy điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết khẳng định Hiếp pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014.

Thứ hai, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa 14 họp phiên thứ nhất và thành lập các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp sửa đổi và các luật có liên quan.

- “Rất nhiều việc cần làm” mà ông vừa nhắc tới là gì?

Trong phiên họp tháng 12 vừa rồi, Ủy ban thường vụ quốc hội cũng đã thảo luận, thông qua nghị quyết về việc tổ chức triển khai, thi hành hiến pháp, trong đó, Ủy ban đã đưa ra 4 vấn đề chính:

Thứ nhất, nhằm phổ biến, tuyên truyền các nội dung của hiến pháp sửa đổi, ngay trong tháng 1/2014, Ủy ban sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về triển khai, thi hành hiến pháp. Theo tôi được biết, hội nghị sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng này.

 

Tới đây, các sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy có liên quan tới hiến pháp sẽ được rà soát, sửa đổi.
 
Hội nghị sẽ bàn về các giải pháp tuyên truyền, phổ biến hiến pháp tới các tầng lớp nhân dân trong đó có việc rà soát, sửa đổi sách giáo khoa, các giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy có liên quan tới hiến pháp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật để đảm bảo tuân thủ hiến pháp.

Trong đó, một số nhóm luật đã quy định rõ thời hạn sửa đổi chẳng hạn luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, các luật liên quan tới tổ chức, hoạt động của Chủ tịch nước... sẽ phải được xây dựng và trình để quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 9 khóa 13 (tháng 5/2015).

Luật về tổ chức, hoạt động của chính phủ, chính quyền địa phương, toàn án, viện kiểm sát, kiểm toán nhà nước sẽ được trình để quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).

Các luật khác ở các lĩnh vực y tế, văn hóa, quốc phòng an ninh… sẽ được tiến hành rà soát, xây dựng hoàn thiện, bổ sung hoặc bãi bỏ với tinh thần khẩn trương và được thực hiện ngay từ đầu năm 2014 tới 2020.

Thứ ba, Nghị quyết cũng nói rõ các biện pháp để nâng cao năng lực của các thiết chế có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ và thực thi hiến pháp như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan khác.

Thứ tư, Nghị quyết cũng khẳng định phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng thông tin về hiến pháp và pháp luật nhằm đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận được hệ thống pháp luật trong đó có hiến pháp thuận lợi.

- Điều gì khiến ông băn khoăn nhất thời điểm này?

Hiến pháp sửa đổi đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đã thể hiện được tinh thần dân chủ trong suốt quá trình xây dựng. Vì thế, tôi chỉ băn khoăn về việc tổ chức thực hiện hiến pháp.

Như chúng ta đã biết, việc ban hành các văn bản luật ở nước ta đã được nâng cao lên một bước nhưng hiệu quả thực tiễn chưa nhiều. Thế nên, tôi cũng như rất nhiều đại biểu quốc hội, cử tri mong muốn rằng làm sao hiến pháp phải sớm đầy đủ hơn để cả xã hội sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

- Vai trò của Quốc hội, đặc biệt Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng như từng người dân trong việc hiện thực hóa Hiến pháp ra sao?


Người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với việc xây dựng và thực thi pháp luật. Quốc hội đang hoạt động theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho người dân có thông tin, từ đó có thể góp ý, giám sát hoạt động của các cơ quan đó.

Các cơ quan thuộc Quốc hội trong đó có Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Để hiến pháp đi vào cuộc sống, cần rà soát, hoàn thiện, bổ sung hoặc xem xét bãi bỏ các luật, nội dung không phù hợp với hiến pháp sửa đổi và các cơ quan thuộc Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc này cũng như trong việc thực thi hiến pháp.

Ngoài ra, các cơ quan thuộc Quốc hội cũng cần tăng cường vai trò giám sát của mình để quá trình thực thi hiến pháp được đầy đủ, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật.

- Theo ông, nội dung nào thuộc Hiến pháp sửa đổi sẽ sớm đi vào thực tiễn nhất?

 
Tôi thật sự nghĩ, nếu cần thiết thì phải tổ chức dịch hiến pháp sang tiếng dân tộc để đồng bào ta tiếp cận thuận lợi, dễ dàng hơn.
 
Tôi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số chức năng của các cơ quan, tổ chức nhà nước sẽ được thực hiện ngay từ 1/1/2014.

Chức năng thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính ở các cấp địa phương trước đây do Chính phủ quyết định, giờ giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Những nội dung như vậy sẽ được thực hiện ngay từ 1/1/2014.

Sau đó, những nội dung có liên quan tới việc tổ chức, quản lý bộ máy trong hệ thống chính trị của chúng ta sẽ sớm được xây dựng và ban hành theo lộ trình như tôi đã nói ở trên.

Còn các văn bản pháp luật đã phù hợp với hiến pháp sửa đổi vẫn cứ ban hành.

Hiến pháp sửa đổi cũng có rất nhiều nội dung quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những quyền này người dân sẽ được hưởng và thực hiện ngay từ khi hiến pháp có hiệu lực.

Các nội dung khác về chính trị, văn hóa, xã hội… sẽ được thực hiện theo đúng tinh thần của hiến pháp và pháp luật.

- Cần bao nhiêu thời gian để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số biết tới các nội dung sửa đổi của hiến pháp?

Ngay từ bây giờ người dân đã có thể tiếp cận với hiến pháp sửa đổi. Sau hội nghị toàn quốc về triển khai, thi hành hiến pháp, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về hiến pháp sửa đổi và những hoạt động này sẽ tập trung vào năm 2014.

Tuy nhiên, để các tầng lớp nhân dân có thể tiếp cận, nắm rõ, tham gia thực hiện hiến pháp, còn phải xem trách nhiệm và cách tổ chức thực hiện của các địa phương. Muốn có các hình thức phù hợp, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, tôi nghĩ phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ địa phương.

Theo tôi, với vùng sâu vùng xa, có thể tạo ra các tài liệu ngắn gọn, phù hợp và dịch sang tiếng dân tộc để người dân dễ tiếp cận hơn.

Tôi thật sự nghĩ, nếu cần thiết thì phải tổ chức dịch hiến pháp sang tiếng dân tộc để đồng bào ta tiếp cận thuận lợi, dễ dàng hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn