Hiến kế vì miền Trung: Thiết kế nhà sàn chống lũ

Bạn đọc viếtThứ Ba, 16/11/2010 02:09:00 +07:00

(VTC News) - Thêm một ý tưởng chia sẻ để miền Trung thân yêu có thể "sống chung với lũ", giảm bớt đau thương mất mát cho đồng bào.

(VTC News)  - Sau khi những ý tưởng tiếp theo của bác Đỗ Linh Cường cho dự án Miền Trung sống chung với lũ được đăng tải, độc giả VTC News đã đưa ra thêm một số phương án chia sẻ. Dưới đây là một ý kiến của độc giả hiến kế vì miền Trung, mời bạn đọc cùng theo dõi và tiếp tục thảo luận.

 

Tôi thấy trên mạng đưa ra ý tưởng của một vài người, đó là tâm huyết, là tấm lòng của những người có tấm lòng xã hội, thương người. Tuy nhiên những thiết kế đó, ý tưởng đó chưa hẳn đã áp dụng triệt để được. Như ý tưởng làm một “phòng nổi buộc cạnh nhà”, và hiến kế “ 2 phương án, 6 giải pháp sống chung với lũ” và cả ý tưởng xây nhà cộng đồng...

 

Tôi xin nêu ra giải pháp “làm nhà sàn chống và sống chung với lũ”. Để giải pháp này đem lại tình khả thi thì phải có giải pháp quy hoạch lại dân cư ở những nơi rốn lũ như phải đưa dân cư lên ở những nơi cao hơn, những nơi mà có khả năng xảy ra ngập sâu dưới 3m thì phải lên chỗ khác (nước ngập cao quá 3m thì các nhà cộng đồng, rồi gì đi cũng bị ngập hết).

 

Ở các vùng miền dân tộc thiểu số sống trên nhà sàn đã trãi qua bao đời nay, nhưng ở các vùng đồng bằng thì ít làm nhà sàn. Tôi xin trình bày ý tưởng làm nhà sàn chống lũ như sau:

 

Một ngôi nhà sàn đơn giản gồm có 1 gian chính và 2 chái nhà có diện tích là 48m2 (6mx8m), có thể ở được cho một gia đình 5 đến 6 người.

 

Thiết kế:

 

Căn cứ vào mức lũ của từng địa phương để thiết kế sao cho phù hợp. Tuy nhiên có thể thiết kế chiều cao như sau là tiện nhất cho sinh hoạt và phòng tránh lũ. Chiều cao: 0,5m móng nền + 2,5m dưới sàn + 4,5m từ sàn lên đến nóc nhà. Như vậy nếu trong trường hợp lũ ngập đến 3m thì vẫn còn chỗ ăn ở sinh hoạt bình thường.

 

Kết cấu:

 

Nhà sàn có thể làm bằng gỗ, bê tông kiên cố. Ở đây tôi xin giới thiệu về làm bằng bê tông kiên cố với một ngôi nhà sàn khoảng 50m2 thì cần 4 cột chính (cột cái) và 12 cột phụ. Sàn nhà đổ bê tông, tường nhà xây bằng gạch, mái nhà lợp tôn chống nóng, phía dưới sàn xây một cái buồng để làm nhà kho chứa đồ, còn không gian khác dưới sàn làm nơi để các vật dụng, xe cộ rất thuận tiện.

 

Chi phí:

Để xây một ngôi nhà như vậy thì kinh phí không lớn lắm, vào khoảng 50 – 100 triệu. Nếu có điều kiện có thể làm đẹp hơn, như sàn nhà ốp gỗ, ốp gỗ công nghiệp, mái đổ bê tông, ốp gạch...

 

Tôi ở nhà sàn nên quen với nhà sàn và thấy nó rất tiện cho nhà nông và rất tốt cho việc tránh lũ. Ở vùng nông thôn, thông thường nhà nào cũng lam lũ với ruộng đồng, vào mùa vụ khi thu hoạch về rất nhiều mà mỗi khi mưa nắng thất thường lại vất vả. Nếu sử dụng nhà sàn như trên có những cái tiện lợi sau:

 

Thứ nhất là tránh lũ và có thể sống chung với lũ. Nhà sàn phía dưới chỉ có cột là chủ yếu, không cản nước lũ, nên dòng lũ không đánh sập được nhà sàn. Không gian nhà sàn thoáng, mát và sạch sẽ, vì chỉ ở và sinh hoạt ở tầng trên.

 

Thuận tiện cho nhà nông: Nhà nông thu hoạch hoa màu về nhiều, nhất là vào các vụ, sản phẩm nông nghiệp phơi ngoài sân nếu gặp mưa gió bất thường thì có thể nhanh chóng đưa vào gầm sàn, tránh mưa, nếu mưa nhiều ngày thì cũng có chỗ chứa. Khi đã phơi khô, chọn sạch thì đóng gói, đóng bao để cất vào kho chứa dưới gầm sàn. Ngoài ra dưới gầm sàn là nơi chứa các vật dụng nông nghiệp, xe cộ mỗi khi đi về.

 

Lũ lụt, thiên tai địch hoạ là không tránh khỏi, đó là hiện tượng của thiên nhiên, nhưng biết cách hạn chế thiệt hại đi thì cũng sẽ tốt cho cuộc sống. Tôi nhớ lại ở quê tôi, có vài nhà sống ở nơi thấp hơn, họ làm sẳn một cái mảng (cái mảng được làm bằng 5 đến 10 cây luồng, cây luông ở miền núi, miền trung dễ kiếm) đan sẵn trước mấy cái rọ để khi có lụt tới thì bắt gà vịt nhốt vào đó, đặt nó lên mảng, thóc lúa thì cho lên gác của nhà sàn. Vậy là an tâm mà sống chung với lũ.

 

Chúc bà con các nơi có những sáng kiến mới trong việc chống chọi với thiên tai địch họa.

 

Pham Van Nghi


Ý tưởng trên của độc giả đã thực tế và khả thi chưa? Có điểm nào được và chưa được? Có phù hợp với điều kiện tự nhiên của miền Trung không? Nếu phù hợp, thì làm sao để triển khai hiệu quả? So với ý tưởng của bác Đỗ Linh Cường, kế hoạch nào hợp lý và khả thi hơn?

Bạn có những ý tưởng, kế hoạch khác mà theo bạn có ý nghĩa trong việc khắc phục, hạn chế hậu quả những cơn bão lũ hàng năm ở miền Trung, giảm thiểu đau thương mất mát cho đồng bào?

Một gói mì cứu trợ có thể giúp đồng bào qua cơn đói một bữa, nhưng một ý tưởng thiết thực mới là kế bền lâu cứu được hàng triệu đồng bào tránh cơn nước lửa! Đừng ngần ngại gửi ý kiến qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected] để chung tay cùng miền Trung ruột thịt!

 

Bình luận
vtcnews.vn