Hiểm họa tiềm ẩn từ đội hình toàn sao của PSG

Hậu trườngThứ Năm, 12/08/2021 06:40:47 +07:00
(VTC News) -

Sở hữu đội hình đầy ắp ngôi sao, nhưng chưa chắc PSG làm nên chuyện ở mùa giải này.

Kỳ chuyển nhượng hè 2021 có thể thay đổi lịch sử Paris Saint-Germain mãi mãi. Đội bóng nước Pháp chiêu mộ thành công Lionel Messi, Sergio Ramos, Gianluigi Donnarumma, Georginio Wijnaldum và Achraf Hakimi với giá 66 triệu euro, trong đó 4 cái tên đầu đến theo dạng chuyển nhượng tự do.

HLV Mauricio Pochettino đang có trong tay đội hình thiện chiến và giàu năng lượng bậc nhất châu Âu để hướng tới mục tiêu vô địch Champions League. Nhưng trong bóng đá, tập thể toàn sao chỉ là điều kiện cần cho vinh quang. 

Hiểm họa tiềm ẩn từ đội hình toàn sao của PSG - 1

PSG có hàng công cực mạnh. (Ảnh: Bleacher Report Football)

Chuyện của Neymar và Cavani 

Tháng 9/2017, Edinson Cavani và Neymar tạo nên một trong những câu chuyện đình đám nhất Ligue 1. Trong trận gặp Lyon, PSG được hưởng quả phạt đền. Neymar, khi ấy vừa tới PSG, muốn Cavani nhường quyền đá, song tiền đạo người Uruguay từ chối. Sau đó, Cavani sút dội xà ngang.

Tình huống bỏ lỡ khiến Cavani mất quyền đá phạt đền. Ở trận gặp Bordeaux cuối tháng 9, Neymar được chỉ định đá 11m và sút thành công. 1 năm sau sự cố, Neymar thừa nhận có xích mích và căng thẳng với Cavani. Còn Cavani không đồng ý nhường quyền đá, dù lãnh đạo PSG hứa thưởng anh 1 triệu USD nếu để Neymar sút 11m. 

Câu chuyện tranh giành luân lưu giữa Cavani và Neymar thường được nhắc lại để nói về sự bồng bột và ngạo mạn của Neymar, nhưng đằng sau là một vấn đề quan trọng hơn, đó là những cái tôi trong phòng thay đồ PSG.

Hiểm họa tiềm ẩn từ đội hình toàn sao của PSG - 2

Neymar và Cavani tranh nhau đá 11m. 

Đội bóng nước Pháp chi 1,4 tỷ euro chuyển nhượng từ khi QSI (Quỹ đầu tư thể thao Qatar) tiếp quản năm 2011 để mang về một "Dải ngân hà" tại Paris. Tuy nhiên, mặt trái của đội hình toàn sao là những cái tôi trong phòng thay đồ luôn âm ỉ như quả bom nổ chậm.

Một tập thể mất đoàn kết là nguyên nhân cản bước PSG ở Champions League. Đến năm 2020, đội bóng Pháp mới lần đầu vượt qua vòng tứ kết. PSG có đội hình mạnh, song những cái đầu không nhìn về một hướng.

Trong trận thua lịch sử 1-6 trước Barcelona ở vòng 1/8 Champions League 2016/2017, PSG chỉ chạm bóng 3 lần trong 10 phút cuối, đó là 3 tình huống giao bóng sau những bàn thua. Đội bóng của Unai Emery bẹp rúm trước áp lực của Barca. Năm 2019, PSG cũng hoảng loạn trước Manchester United, dù thắng 2-0 trên sân khách ở lượt đi.

Một đội bóng gắn kết, bản lĩnh sẽ không thi đấu như PSG. Nếu đội bóng nước Pháp có một thủ lĩnh đích thực, Neymar có thể lấn lướt đàn anh và cư xử như một đứa trẻ?

Dưới thời HLV Thomas Tuchel, vấn đề của PSG được giải quyết phần nào. Ông có mối quan hệ tốt với Neymar và Kylian Mbappe.

Nhưng, thử thách hiện tại cho Mauricio Pochettino khó hơn gấp bội, khi phòng thay đồ của PSG có Ramos (cựu đội trưởng Real Madrid), Messi (cựu đội trưởng Barcelona), Wijnaldum (đội trưởng Hà Lan), Mbappe (biểu tượng đương đại của bóng đá Pháp), Neymar (ngôi sao số 1 Brazil) và Marquinhos (đội trưởng hiện tại của PSG).

Hiểm họa tiềm ẩn từ đội hình toàn sao của PSG - 3

PSG có nhiều cầu thủ cá tính. (Ảnh: Bleacher Report Football)

Sự va chạm của những cái tôi lớn luôn có yếu tố rủi ro. Ai có tiếng nói đủ lớn để trấn áp những cái tên còn lại? Ai vực dậy tinh thần toàn đội lúc khó khăn? Ai là cánh tay nối dài của HLV? 

Chelsea là ví dụ tiêu biểu. Giai đoạn 2008-2011, Chelsea sở hữu John Terry (đội trưởng tuyển Anh), Didier Drogba (đội trưởng Bờ Biển Ngà), Michael Ballack (đội trưởng tuyển Đức), Petr Cech (đội trưởng Cộng hòa Séc), cùng nhiều cầu thủ cá tính mạnh. Song, đội bóng Anh không chệch hướng, bởi Terry có quyền hành và cái uy vượt trên tất cả.

Ở Parc des Princes, khó cầu thủ nào có tầm ảnh hưởng như Terry ở Chelsea hay Ramos ở Real Madrid trước đây. Trong những cầu thủ được cho là có tầm ảnh hưởng, có tới 2 cái tên (Messi, Ramos) là tân binh.

Marquinhos liệu có tiếng nói trọng lượng hơn Ramos, dù anh là đội trưởng trên danh nghĩa của PSG, hay Mbappe - cầu thủ được PSG giữ chân bằng mọi giá, có chịu lép vế trước tầm ảnh hưởng của Messi?

Mặt trái của ngôi sao 

Mùa 2009/2010, Barcelona chiêu mộ Zlatan Ibrahimovic. Tiền đạo người Thụy Điển ghi bàn trong cả 5 trận đầu tiên cho đội bóng của Pep Guardiola ở vai trò trung phong. Trên chuyến xe trở về của Barca sau một trận đấu đầu mùa, Guardiola nhận được tin nhắn với nội dung: "Tôi cảm thấy mình không được coi trọng ở CLB".

Đó là tin nhắn của Messi. 

Hiểm họa tiềm ẩn từ đội hình toàn sao của PSG - 4

Messi là ngôi sao sáng nhất PSG. 

Siêu sao người Argentina không hài lòng khi Ibrahimovic đá chính giữa trên hàng công, còn anh chơi dạt cánh. Thông điệp của Messi rất rõ ràng: anh muốn đá số 9 ở trung lộ. Guardiola chiều ý Messi. Ông gạt bỏ Ibra, rồi bán chân sút người Thụy Điển vào cuối mùa giải.

Guardiola đã đúng. Messi phát huy tối đa tầm ảnh hưởng. Barca đòi lại ngôi vương Champions League sau đó 1 năm. Nếu Messi không đòi đá ở trung lộ và Guardiola mềm mỏng đồng ý, chưa chắc siêu sao mang áo số 10 và Barca đã chạm tới vinh quang. Ngôi sao cần được đặt ở vị trí trung tâm để vẫy vùng. Việc của HLV là thấu hiểu. 

Neymar rời bỏ Barca, sang PSG để thoát cái bóng của Messi. Mbappe cũng mâu thuẫn với đàn anh Olivier Giroud ở đội tuyển, vì cho rằng cách đá của Giroud không thích hợp với hệ thống của Pháp, cụ thể là lối chơi của Mbappe. Tất nhiên, hành xử của Mbappe bị đánh giá là "trẻ con", bởi anh chưa ở đẳng cấp của Messi.

Nhưng, khao khát thể hiện là điểm chung của những ngôi sao. Chỉ có điều, một tập thể với không thể tồn tại quá nhiều cầu thủ muốn có tiếng nói và đất diễn. Nếu ngôi sao nào của PSG cũng muốn nổi bật, đấy là hiểm họa của đội bóng.

Hiểm họa tiềm ẩn từ đội hình toàn sao của PSG - 5

Mbappe muốn có đất diễn để tỏa sáng. 

Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi không sai khi nói "PSG giàu tính cạnh tranh", song để khẳng định "không đội bóng nào tốt hơn PSG lúc này", ông và CĐV đội bóng nước Pháp cần thời gian. 

Gánh nặng lúc này được đặt lên vai HLV Pochettino. Chiến lược gia Argentina thành công ở Espanyol, Southampton và Tottenham, nhưng PSG là đội bóng rất khác.

Pochettino chưa từng làm việc ở phòng thay đồ phức tạp và đầy cạm bẫy như PSG. Ông từng áp đặt giáo án tập luyện cực nặng với 3 buổi tập/ngày để rèn cầu thủ Tottenham vào khuôn khổ. Điều tương tự khó lặp lại ở PSG. 

Để thành công, Pochettino cần sự khôn khéo trong quản trị của Carlo Ancelotti, hoặc có cái uy với học trò như Zinedine Zidane ở Real Madrid hay Sir Alex Ferguson ở Manchester United. Với trình độ từng cầu thủ PSG, có lẽ Pochettino không cần huấn luyện nhiều. Việc của ông là giữ được bầu không khí ôn hòa và thấu hiểu tâm lý của các ngôi sao. 

Nếu Neymar, Messi, Mbappe, Ramos hạnh phúc, khó ai cản được PSG. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn