Hết hiệu ứng U19 Việt Nam, V-League chống chế bằng gì?

Thể thaoThứ Ba, 21/01/2014 03:49:00 +07:00

(VTC News) - Những khán đài thưa thớt tiếp tục xuất hiện ở vòng 2 V-League 2014, và điều đáng buồn là mức độ 'trống vắng' đang ngày càng gia tăng


Nếu như vòng 1 V-League 2014 đã đón tới 43.000 khán giả tới các sân theo dõi, một con số không tồi trong bối cảnh hiệu ứng U19 Việt Nam vẫn còn, thì sang tới vòng 2, lượng khán giả chẳng những không tăng mà còn tiếp tục giảm sâu. Theo thống kê từ Ban tổ chức, vòng 2 cuối tuần vừa rồi chỉ còn hơn 35.000 người tới sân.

Dù là trận cầu đinh nhưng sân Pleiku chiều thứ sáu 17/1 chứng kiến quá nhiều
hàng ghế trống

Đây là một con số thấp kỷ lục bởi lẽ trong vòng đấu vừa rồi, 2 sân Vinh và Thanh Hóa – những chảo lửa của V-League đều tổ chức thi đấu. Cộng thêm cuộc so tài rất đáng chờ đợi giữa HAGL và Hà Nội T&T, không nhiều người nghĩ rằng chỉ có 6000 người tới theo dõi mỗi trận đấu của V-League.

Những sân tiêu biểu cho việc vắng bóng thưa người là Long An (2000 khán giả), Long Xuyên (3500 khán giả). Còn sân đông nhất là Vinh, cũng chỉ đón 11.000 lượt người xem, chỉ bằng một nửa so với sức chứa của sân này.

Đây là điều hết sức đáng buồn bởi lẽ khán giả đang ngày càng thờ ơ với những đứa con tinh thần của họ. Ví dụ như Đồng Tâm Long An, đội bóng của HLV Ngô Quang Sang có trận cầu 6 điểm với đối thủ tránh xuống hạng trực tiếp - V.Hải Phòng, và đây cũng là trận cầu đầu tiên trên sân nhà của họ, nhưng sân Long An chỉ lèo tèo một ít khán giả ở khu vực khán đài A.

Hoặc như sân Long Xuyên của HV. An Giang, tân binh V-League được chờ đợi sẽ hâm nóng bầu không khí trên các khán đài như họ đã từng làm ở giải Hạng nhất 2013 (trung bình 11.000 khán giả/trận) hay ở trận đấu giao hữu với U23 Việt Nam, nhưng rốt cuộc, chỉ có một số lượng ít ỏi các khán giả đến xem thầy trò HLV Nhan Thiện Nhân thi đấu.

 V-League khát những đội bóng như U19 Việt Nam


Ngay cả sân Pleiku, nơi sức nóng của U19 Việt Nam chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, cũng chỉ đón 7000 khán giả, dù rằng đội chủ nhà HAGL có trận ra quân đầu tiên ở V-League 2014, và đối thủ của họ còn là các nhà ĐKVĐ Hà Nội T&T.

Sau khi vòng đấu mở màn V-League 2014 kết thúc, Trưởng Ban tổ chức giải, ông Phạm Ngọc Viễn cho rằng con số hơn 7000 khán giả/trận tới sân là chấp nhận được, vì hiệu ứng U19 Việt Nam vẫn còn. Nhưng không hiểu, tại sao sau khi hết hiệu ứng U19, khán giả đến sân không tăng mà lại tiếp tục giảm sâu xuống mức 6000 khán giả/trận?

Một số nhà tổ chức cho rằng lượng khán giả tới xem vòng 2 V-League giảm là do có 2 trận đấu diễn ra vào ngày thứ sáu, thời điểm mà người dân còn đi làm và không có điều kiện tới sân. Tuy nhiên, giả thiết này đứng không thực sự vững bởi cả 2 trận ngày thứ sáu cũng có tới 6-7000 khán giả/trận, còn những trận đấu ít người xem nhất lại vào ngày thứ bảy và chủ nhật.

Giải thích được đông đảo mọi người đồng tình bây giờ là các đội bóng V-League đang đánh mất đi bản sắc địa phương – sức hút mạnh nhất kéo khán giả đến sân. Mỗi đội bóng V-League luôn ra sân với ít nhất 3 ngoại binh, thậm chí nhiều hơn nếu CLB đó nhập tịch thành công cho cầu thủ, cùng với hàng loạt những “lính đánh thuê” từ các vùng khác, khiến “cái tôi” của mỗi đội trở nên nhạt nhòa.

V-League bây giờ, trận đấu nào cũng na ná một kiểu giống nhau: sử dụng bóng dài và trông chờ hết vào ngoại binh. Kiếm được một đội bóng nào biết ban bật cự ly ngắn như U19 Việt Nam có khi còn khó hơn tìm đường lên trời.

Vẫn biết, để có thể thành công ở V-League là điều chẳng hề dễ dàng, nhưng vì cái lợi trước mắt mà quên đi khán giả thì đúng là đáng để suy ngẫm. 


Bình luận
vtcnews.vn