Hết đường to, đưỡng ngõ oằn mình 'cõng' chung cư

Bất động sảnThứ Ba, 15/08/2017 08:41:00 +07:00

Những con đường chỉ rộng 4 - 5 mét nhưng phải "cõng" đến 3 - 4 chung cư cao tầng là thực trạng phổ biến hiện nay tại Hà Nội.

Thích ở khu vực trung tâm để tiện đi lại, làm ăn, buôn bán là tâm lý chung của nhiều người Việt. Chính vì lẽ đó nên giá của những lô đất, căn nhà chung cư khu vực này luôn cao hơn nhiều so với những khu vực ngoại thành.

Nhà đầu tư vì muốn lợi nhuận cao nên tìm cách biến mọi lô đất trống ở nội thành thành những chung cư cao tầng. Thậm chí, khi hết các lô đất đẹp, mặt đường rộng, người ta sẵn sàng “nhét” hàng loạt tòa chung cư hàng chục tầng vào những con đường, con ngõ nhỏ hẹp.

5335_tiendoxaydung

 Hết đường to, đưỡng ngõ oằn mình 'cõng' chung cư.

Tiền bán nhà thì các chủ đầu tư nhận, còn những hệ quả về giao thông, đô thị - thì đương nhiên là cư dân của họ và người dân xung quanh phải lĩnh đủ.

Một trong những "quả đắng" mà nhiều khách hàng đang phải hứng chịu là việc mua nhà xung quanh trục đường Nguyễn Tuân.

Chủ trương mở rộng đường Nguyễn Tuân – Hà Nội luôn được gắn kèm trong lời chào bán các dự án chung cư ở đây. Theo kế hoạch, tuyến đường này sẽ được mở rộng với tổng mức đầu tư 880 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Thực tế, một phần dự án dài hơn 300 m đã được hoàn thành. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục chung cư lớn nhỏ như: Imperia Garden, Goldensea, The Legend hay Thống Nhất Complex…đua nhau mọc lên – để “đón lõng” dự án mở rộng đường.

Nỗi lo càng trở nên có cơ sở khi cuối tháng 7 vừa qua, Hà Nội bất ngờ tạm dừng dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân. Điều đó có nghĩa, hơn 700m đường còn lại sẽ được giữ nguyên trạng với chiều rộng chỉ hơn 5 mét – chỉ đủ để 2 xe ô tô tránh nhau. Lời mời chào “đường sắp mở - không lo tắc” chỉ còn là viễn tưởng.

Video: Điểm mặt những dự án nghìn tỷ bỏ hoang ở Hà Nội

Ông Đinh Xuân Cả - Nguyễn Tuân – Hà Nội cho rằng, vấn đề là làm sao phải hạn chế bớt chung cư, còn có mở rộng đường gấp 10 lần mà chung cư mọc thế này cũng không giải quyết được điều gì.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: "Đường to còn phải xem xét có nên làm không, huống gì những chỗ nhỏ hẹp 4 - 5 mét, như 1 ngõ phố, thì chắc chắn sẽ áp lực lên hạ tầng và vô cùng chật chội.

Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Vào ở những nơi chật chội như thế cháy nổ thì làm thế nào, xe cứu hỏa làm sao có thể đi vào. Phòng cháy chữa cháy rất gay".

Thậm chí, nếu tuyến đường Nguyễn Tuân có được mở rộng – thì áp lực giao thông, hạ tầng lên khu vực này cũng khó giảm – bởi ở những tuyến đường xung quanh như Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Lương – lượng chung cư cao tầng đã và đang mọc thêm - cũng dày đặc không kém.

"Việc xây mật độ cao thì càng cao chủ đầu tư càng nhiều tiền. Nhưng vấn đề ở chỗ ông cấp phép, nếu cho xây cao thì mật độ sẽ thế nào. Phải chăng là trình độ kém hay người ta bôi trơn nên ông mới gật đầu. Cần phải kiểm tra việc cấp phép rõ ràng", ông Phạm Sỹ Liêm– Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Điều đáng nói, những chung cư mọc lên giữa khu dân cư, trong những con đường nhỏ, ngõ hẹp – phần lớn là các nhà máy, xí nghiệp cũ. Sau khi di dời, thay vì nhường đất cho công viên, cây xanh – thì bị hô biến thành chung cư cao tầng.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam thằng thắn nói: "Hà Nội có quy hoạch thì phải rõ ràng chứ, chỗ này chuyển đi phải là bệnh viện trường học, chỗ kia chuyển đi làm công viên cây xanh. Không thể để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm".

Tình trạng này khiến mật độ dân cư tăng cao, áp lực giao thông ngày một căng thẳng, người dân thì thêm ngột ngạt, mệt mỏi. Chỉ có chủ đầu tư là hưởng lợi, chờ thu tiền tỉ - mỗi khi xin được giấy phép xây chung cư trong nội thành – bất kể nó ở đường to hay ngõ nhỏ.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn