Hết cư dân La Bonita lại đến VPBank tố Công ty Nam Thị lừa đảo

Kinh tếThứ Ba, 20/11/2018 07:02:00 +07:00

Theo VPBank, việc Công ty Nam Thị "bắt tay" với khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ đang thế chấp và để nợ quá hạn kéo dài đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Bất động sản Nam Thị (Công ty Nam Thị) bị tố cáo bán một căn hộ cho nhiều người mới đây, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã gửi đơn đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (Công an TP.HCM) tố cáo việc Công ty Nam Thị có dấu hiệu "bắt tay" với khách hàng để bán tài sản đang thế chấp tại ngân hàng.

Theo đó VPBank tố cáo hai khách hàng là ông N.V.T và bà T.T.L (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cấu kết cùng Công ty Nam Thị nhằm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền vay tín dụng 6,1 tỷ đồng thông qua các hợp đồng đã ký với VPBank.

46492686_2305017356437884_4563767081190817792_n 3

Tòa nhà La Bonita nơi có căn hộ được bán cho nhiều người.

Cụ thể, sau khi hoàn tất hồ sơ, VPBank giải ngân cho bên vay là ông N.V.T và bà T.T.L. Sau đó, hai người này đã ký ủy nhiệm chi chuyển tiền cho Công ty Nam Thị là chủ đầu tư toà nhà La Bonita để thanh toán tiền mua căn hộ.

Hợp đồng ghi rõ, bên vay phải trả nợ gốc, nợ lãi hàng tháng theo lịch trả nợ và mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Nếu bên vay vi phạm bất kỳ một kỳ trả nợ gốc hoặc lãi nào thì ngân hàng có quyền thu hồi trước hạn toàn bộ dư nợ còn lại.

Tài sản được ông N.V.T và T.T.L dùng để thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay là ba căn hộ tại toà nhà La Bonita gồm căn hộ A1 tầng 12, căn hộ A3 tầng 12, căn hộ B2 tầng 12. Việc này được VPBank, ông N.V.T và bà T.T.L ký hợp đồng thế chấp tài sản, đã công chứng tại Văn phòng công chứng Bến Thành và đăng ký giao dịch đảm bảo tại Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản tại TP.HCM. Tất cả những giao dịch giấy tờ trên đều có xác nhận phong tỏa của Công ty Nam Thị.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay vốn, ông N.V.T và bà T.T.L đã trả hơn 200 triệu đồng nợ gốc, hơn 632 triệu đồng nợ lãi. Tuy nhiên từ tháng 5/2016 thì ông bà này bắt đầu vi phạm nghĩa vụ thanh toán, theo VPBank tính đến ngày 4/10/2018 tổng dư nợ khoản vay trên hơn 8,5 tỷ đồng.

Để thu hồi nợ, VPBank cho biết đã nhiều lần liên hệ làm việc, yêu cầu ông N.V.T và bà T.T.L thanh toán nợ, bàn giao tài sản thế chấp để ngân hàng xử lý. Thế nhưng, hai người này lại cố tình trốn tránh, không hợp tác giải quyết, thậm chí còn tự ý thanh lý toàn bộ các hợp đồng mua bán căn hộ đang là tài sản thế chấp tại VPBank với Công ty Nam Thị khi chưa có sự đồng ý của VPBank, cũng như chưa thanh toán xong các khoản nợ.

Mặt khác, VPBank cũng đã nhiều lần liên hệ với Công ty Nam Thị, đề nghị doanh nghiệp này phối hợp với ngân hàng để làm rõ vụ việc các bên tự ý thanh lý hợp đồng nhưng Công ty Nam Thị không hợp tác.

Trả lời PV, ông N.V.T cho biết, năm 2017 Công ty Nam Thị đã đề nghị vợ chồng ông ký hợp đồng thanh lý toàn bộ ba căn hộ đã mua của Công ty Nam Thị đang thế chấp cho VPBank để Công ty Nam Thị trực tiếp thanh toán với VPBank. 

Theo ông N.V.T thì biên bản thanh lý hợp đồng có ký xác nhận giữa hai bên, VPBank cũng có nhận được biên bản thanh lý này. Tuy nhiên, phía VPBank không đồng ý biên bản thanh lý này vì Công ty Nam Thị chưa thanh toán cho VPBank.

"Việc Công ty Nam Thị tự ý bán các căn hộ trên không liên quan gì đến vợ chồng chúng tôi, bản chất vấn đề là vợ chồng tôi vẫn đang nợ VPBank. Tôi cũng đã làm việc với VPBank và đề nghị hoán đổi tài sản với VPBank nhưng VPBank đang xem xét", ông N.V.T nói.

46492072_287751592082144_4021081874393726976_n

Ngày 13 và 19/11, hàng chục cư dân tại toà nhà lại tiếp tục tập trung, phản đối việc doanh nghiệp "tai tiếng" này bán 1 căn hộ cho nhiều người.

Theo VPBank, việc ông N.V.T và bà T.T.L "bắt tay" với Công ty Nam Thị thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ đang thế chấp tại VPBank, đồng thời để nợ quá hạn kéo dài đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Ông Đỗ Thành Trung - Phó Giám đốc Khối Pháp chế và kiểm soát tuân thủ VPBank nói: "Với những lời thừa nhận của ông N.V.T và bà T.T.L về việc đã thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty Nam Thị, VPBank nghi ngờ Công ty Nam Thị đã tiếp tục chuyển nhượng các tài sản trên cho các cá nhân, tổ chức khác. Nếu việc này xảy ra thì rõ ràng Công ty Nam Thị đã lừa đảo đối với những người mua tài sản mà ông N.V.T và bà T.T.L đang thế chấp cho VPBank và gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu của ngân hàng”, 

Trước những diễn tiến trên VPBank đề nghị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và Tham nhũng Công an TP.HCM xem xét, khởi tố ông N.V.T và bà T.T.L và những người liên quan (nếu có) để điều tra, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của VPBank.

Liên quan đến những lùm xùm của Công ty Nam Thị tại toà nhà La Bonita, trước đó, ngày 10/9, sau khi nhận được phản ánh của cư dân về việc Công ty Nam Thị xây dựng trái phép tại tầng thượng của toà nhà, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính doanh nghiệp này số tiền 45 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng vi phạm.

Tuy nhiên, đến ngày 25/10, doanh nghiệp này vẫn không chịu thực hiện yêu cầu về việc xử phạt, vì thế Thanh tra Sở Xây dựng TP đã có văn bản gửi UBND quận Bình Thạnh, đề nghị đơn vị này ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm tại toà nhà La Bonita.

Ngày 13 và 19/11, hàng chục cư dân tại toà nhà lại tiếp tục tập trung, phản đối việc doanh nghiệp "tai tiếng" này bán 1 căn hộ cho nhiều người.

Phần lớn các khách hàng tố cáo Công ty Nam Thị cho biết, họ đều đã đóng toàn bộ tiền mua căn hộ. Người ít thì trên dưới 3 tỷ đồng, người nhiều thì hơn 22 tỷ đồng nhưng hiện nay rơi vào cảnh tranh chấp quyền sở hữu vì ai cũng có giấy tờ hợp lệ.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn