Hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn Quốc có năng lực thế nào?

Thế giớiThứ Năm, 21/09/2017 07:39:00 +07:00

Hàn Quốc đang đối mặt với các loại tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung mà Triều Tiên được cho là sở hữu với số lượng lớn, do đó nước này phải triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa phù hợp để đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Trong nhiều thập kỷ, mối đe dọa lớn nhất với Hàn Quốc không phải là lực lượng tên lửa của Triều Tiên, mà là lực lượng pháo binh hùng hậu của quân đội Triều Tiên. Tuy nhiên với việc Triều Tiên đang đạt được nhiều thành tựu trong chương trình tên lửa của mình, Hàn Quốc buộc phải có giải pháp đánh chặn phù hợp.

Trong số những hệ thống tên lửa đánh chặn được triển khai tại Hàn Quốc thì đáng chú ý hơn cả là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), song trên thực tế thì quân đội Mỹ mới là chủ sở hữu của hệ thống này. ‘

THAAD

 Đồ họa cơ chế làm việc của hệ thống THAAD. (Ảnh: Raytheon)

Ngay từ năm 2013, các quan chức quân đội Hàn Quốc đã tỏ ra quan tâm đến hệ thống THAAD và đề nghị Lầu Năm Góc gửi thông tin về hệ thống phòng thủ tên lửa này. Tuy nhiên, chính quyền của cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye quyết định sẽ tự phát triển tên lửa đánh chặn giống tên lửa Arows 3 của Israel, thay vì mua hệ thống THAAD.

Song đến tháng 7/2016, quan chức quân đội Mỹ và Hàn Quốc đi đến thỏa thuận triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc nhằm đối phó với nguy cơ ngày càng gia tăng từ chương trình tên lửa của Triều Tiên. Mỗi đơn vị THAAD được triển khai tại Hàn Quốc bao gồm 6 bệ phóng trên xe tải với 48 tên lửa đánh chặn, 1 đơn vị điều khiển hỏa lực và liên lạc và 1 radar AN/TPY-2.

1051330944 - THAAD - Yonhap

Hệ thống THAAD được chuyển đến căn cứ không quân Osan, Pyeongteak, Hàn Quốc ngày 6/3/2017. (Ảnh: Yonhap) 

Ngày 6/3/2017, 2 bệ phóng THAAD được chuyển đến sân bay quân sự Osan, trước đó cùng ngày Triều Tiên thực hiện vụ phóng 4 tên lửa cùng lúc. Reuters nhận định, kể cả khi THAAD được triển khai, tên lửa của Triều Tiên vẫn là mối đe dọa thường trực đối với Hàn Quốc.

Nguyên nhân do Triều Tiên được cho là sở hữu số lượng lớn tên lửa đạn đạo Hwasong và Rodong dựa trên cơ sở tên lửa Scud-C (R-17). Dù dòng tên lửa đạn đạo này có độ chính xác không cao, nhưng lại có giá thành rẻ và Triều Tiên được cho là đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất. Trong trường hợp Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa Scud, hệ thống THAAD chắc chắn sẽ để lọt lưới một vài tên lửa này.

Video: Hàn Quốc triển khai thến 4 bệ phóng THAAD

Do đó, Hàn Quốc quyết định trang bị thêm các loại tên lửa đánh chặn khác để hoàn thiện các lớp phòng thủ tên lửa, tương tự như cách Nhật Bản triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Trước hết, chiến hạm trang bị hệ thống Aegis của Hàn Quốc sẽ làm nhiệm vụ đánh chặn khi đầu đạn ở giai đoạn giữa.

Tháng 5/2007, Hàn Quốc khởi đóng khu trục hạm tên lửa đầu tiên được trang bị hệ thống Aegis mang tên Sejong Đại đế, thuộc lớp tàu cùng tên. Đến năm 2013, hải quân Hàn Quốc sở hữu 3 khu trục hạm thuộc lớp tàu này, tuy nhiên các khu trục tên lửa này mới chỉ được trang bị tên lửa đất-đối-không SM-2 Block 3B/4 (RIM-66).

7193823614 - Khu truc ham Sejong dai de - hai quan Han Quoc 3

 Khu trục hạm Sejong đại đế (DDG-991) của Hải quân Hàn Quốc. (Ảnh: Hải quân Hàn Quốc)

Tuy nhiên tên lửa SM-2 Block 3B/4 ít có khả năng đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh như tên lửa đạn đạo, do đó Hàn Quốc trang bị cho 3 khu trục tên lửa thuộc lớp tàu Sejong Đại đế loại tên lửa đánh chặn SM-3. Ngoài ra, hãng Raytheon cũng cho biết nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho 3 khu trục lớp tàu Sejong Đại đế với tên lửa đánh chặn SM-6.

Hàn Quốc cũng sở hữu số lượng tên lửa phòng không Patriot PAC-2, loại tên lửa được phát triển từ cuối những năm 1980 với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Đến năm 2016, Hàn Quốc nâng cấp hệ thống phòng không Patriot lên phiên bản PAC-3 vốn được tối ưu cho việc đánh chặn đầu đạn tên lửa tốc độ cao.

zFc3aoB - PAC-2 Seoul 4

 Khẩu đội Patriot PAC-2 tại Seoul, Hàn Quốc.

Kích thước nhỏ gọn của PAC-3 cho phép triển khai cùng lúc nhiều tên lửa đánh chặn hơn – một bệ phóng Patriot chứa được 16 tên lửa thay vì 4 tên lửa như PAC-1 và PAC-2. Điều này giúp tăng khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa do Hàn Quốc triển khai trong trường hợp Triều Tiên phóng một lượng lớn tên lửa đạn đạo.

Tháng 4/2017, Hàn Quốc tuyên bố sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa đất-đối-không Cheolmae-2, hay còn được biết đến với tên gọi KM-SAM, Cheongung hoặc M-SAM có khả năng đánh chặn tên lửa. Đây là loại tên lửa được phát triển trên cơ sở nguyên mẫu tên lửa đất-đối-không ban đầu do Hàn Quốc hợp tác với Nga sản xuất.

0G8bRTsfbL - KM SAM 5

Tổ hợp hệ thống phòng không Cheolmae-2.

Hệ thống tên lửa phòng không Cheolmae được phát triển trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2011 bởi Cơ quan phát triển quốc phòng Hàn Quốc, cùng với trợ giúp kỹ thuật của tập đoàn Almaz-Altey và Cục thiết kế máy móc Fakel của Nga. Về sau, tập đoàn Almaz-Antey phát triển nguyên mẫu ban đầu thành hệ thống tên lửa đất-đối-không 50R6 Vityaz hay còn gọi là S-350E.

Cheolmae-2 được trang bị công nghệ bắn trúng tiêu diệt để có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao khoảng 20 km và cung cấp năng lực đánh chặn tên lửa ở độ cao thấp cho Hàn Quốc. Hệ thống Cheolmae-2 bổ sung vào khoảng trống của THAAD do hệ thống này chỉ có thể đánh chặn được tên lửa ở tầm cao.

0G8bRTubOm - KM SAM 6

Bệ phóng tên lửa phòng không/đánh chặn Cheolmae-2.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên không chỉ thực hiện phát triển và thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa, mà còn phát triển và thử nghiệm nhiều loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Những loại tên lửa này mới thực sự là mối đe dọa với Hàn Quốc do vị trí của nước này nằm ngay cạnh Triều Tiên.

Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc đang phát triển hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa có khả năng đánh chặn tên lửa ở độ cao từ 40 km đến 64 km. Trong bối cảnh Triều Tiên đẩy mạnh phát triển tên lửa và đạt được nhiều thành tựu thực sự, phía Hàn Quốc được cho là cũng đang đẩy nhanh tiến trình phát triển loại tên lửa mới này.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn