Hệ thống cao đẳng sư phạm phải do Bộ GD-ĐT quản lý

Giáo dụcThứ Năm, 06/11/2014 07:36:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều đại biểu cho rằng không nên giao hệ cao đẳng chuyên nghiệp, trong đó có cao đẳng sư phạm sang cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý.

(VTC News) – Nhiều đại biểu cho rằng không nên giao hệ cao đẳng chuyên nghiệp, trong đó có cao đẳng sư phạm sang cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý.

Trong phiên thảo luận tại hội tường về Luật dạy nghề sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện có hai trình độ: Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, hai trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề do hai cơ quan quản lý khác nhau đó là Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái). Ảnh: TTBC
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái). Ảnh: TTBC 
Chính việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như vậy khiến cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bị phân tán thành hai hệ thống riêng biệt, dẫn đến nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. cần phải có sự thống nhất một cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.

 
Cao đẳng sư phạm tính chất giáo dục hết sức cao, để đào tạo ra một bộ máy cái, đào tạo ra người thầy mà lại là Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quản lý là không hợp lý
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm
 
Thực tế cho thấy nếu Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ đảm bảo thống nhất một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo đối với tất cả các cấp học, bậc học và các trình độ đào tạo từ bậc mầm non đến đại học và sau đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thống nhất hệ thống thang bảng lương và các chế độ phụ cấp trong giáo dục.


Việc này cũng đảm bảo sự thống nhất có bài bản về chương trình đào tạo trong công tác liên thông, liên kết, trong quy định một số chính sách liên thông cho các bậc học trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học và sau đại học.

Hiện nay rất nhiều trường đại học, cao đẳng có hai trình độ đào tạo đó là cao đẳng và đại học. Nếu giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý về giáo dục nghề nghiệp, Bộ giáo dục và đào tạo quản lý về giáo dục đại học khi đó một cơ sở giáo dục lại phải chịu sự quản lý và chi phối bởi 2 bộ liên quan đến nhiều tầng, nhiều nấc.

“Tôi rất băn khoăn trong việc sát nhập cao đẳng với cao đẳng nghề giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý trong đó có cao đẳng sư phạm. Cao đẳng sư phạm tính chất giáo dục hết sức cao, để đào tạo ra một bộ máy cái, đào tạo ra người thầy mà lại là Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quản lý là không hợp lý”, đại biểu Nhiệm nêu quan điểm.

Mặt khác, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục  phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo một hệ thống và quản lý rất thuận tiện.
Đại biểu Quốc hội Trần Minh Diệu. Ảnh: TTBC. 
Cũng có cùng ý kiến này, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng về nguyên tắc, việc giao cho bộ nào thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của bộ đó đã được pháp luật quy định trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trước hết là sự thống nhất về quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục quốc dân đã được Hiến pháp và Luật giáo dục quy định.

“Tôi đồng tình với loại ý kiến giao cho Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý giáo dục về nghề nghiệp. Phân công như vậy là đúng với Điều 100 của Luật giáo dục hiện hành đã quy định. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đương nhiên là bao gồm cả của giáo dục  nghề nghiệp”, đại biểu Diệu nêu quan điểm.

Đại biểu này cũng không đồng tình khi có ý kiến cho rằng trước đây, Bộ GD-ĐT có quản lý mảng dạy nghề nhưng chưa thật tốt, nên Chính phủ giao lại cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT lại nhiều việc, nếu giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có thể thêm gánh nặng, đó là cách giải trình chưa thực sự thuyết phục.

“Theo tôi, không có cơ sở và cũng không thể nói là bộ nào nhiều việc hơn bộ nào. Nhiều việc hay ít việc là phụ thuộc vào quy mô bộ máy quản lý và hệ thống vị trí việc làm được xác định so với chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, không ai có thể nghĩ rằng hiện nay Bộ GD-ĐT nhiều việc hay ít việc hơn Bộ LĐ-TB-XH”, đại biểu Diệu nêu quan điểm.

Khi xác định và giao đúng chức năng, nhiệm vụ thì Bộ GD-ĐT phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý của mình.

“Nếu quản lý chưa tốt, chưa hiệu quả thì phải đầu tư thêm về điều kiện, tăng cường thêm về chỉ đạo và tìm các giải pháp tích cực để quản lý cho tốt. Không thể vì ít quan tâm, vì gánh nặng công việc, vì quản lý chưa tốt, vì chưa tạo được sự phát triển v.v... mà giao lại cho bộ khác quản lý như một số ý kiến là hoàn toàn không thuyết phục”, đại biểu Diệu khẳng định.

Đại biểu Phạm Thị Hải ( Đồng Nai) cũng đồng tình giao việc quản lý dạy nghề cho Bộ GD-ĐT. Đồng thời, đại biểu Hải cũng góp ý về mục tiêu dạy nghề, ở tất cả các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng ở trong dự thảo luật nên bổ sung phần có tinh thần yêu nước, ý thức chính trị, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp.

Bởi vì qua sự kiện tháng 5/2014 vừa qua, hàng loạt hành động gây rối ở các khu công nghiệp trên địa bàn của một số địa phương cho thấy ý thức chính trị, tinh thần yêu nước của người công nhân còn chưa phù hợp, dễ bị bọn xấu lợi dụng, tạo ảnh hưởng không tốt cho môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh của nước ta.

“ Để đạt được mục tiêu này trong chương trình đào tạo nghề ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhất thiết phải có phần bắt buộc về giáo dục ý thức chính trị cho đội ngũ công nhân, kỹ thuật trong tương lai”, đại biểu Hải nhấn mạnh.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn