Hết quý II/2022, quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 310 tỷ đồng

Thị trườngThứ Tư, 14/09/2022 16:30:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Bộ Tài chính, quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết ngày 30/6/2022 còn dư 310,794 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định, ngày 14/9, Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) quý II/2022.

Theo đó, Số dư Quỹ BOG đến hết quý II/2022 (đến hết ngày 30/6/2022) ở mức 310,794 tỷ đồng.

Hết quý II/2022, quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 310 tỷ đồng - 1

Qũy bình ổn giá xăng dầu tính đến hết quý II/2022 còn dư hơn 310 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, trong quý II, tổng số trích Quỹ BOG là hơn 1.007 tỷ đồng; Tổng số sử dụng Quỹ BOG từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6 là 526,726 tỷ đồng.

Trong đó, lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý đạt 1,426 tỷ đồng; Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm ở mức 1,792 triệu đồng; 

Trước đó, tại thời điểm 31/3, số dư Quỹ BOG ở mức âm hơn 169 tỷ đồng.

Gần đây, trước những biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới, nhiều chuyên gia có ý kiến rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ phát huy tác dụng khi giá thế giới biến động ít, trong biên độ hẹp, do đó đã đến lúc loại bỏ và thay thế quỹ này bằng dự trữ xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lý giải: “Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ có tác dụng khi biên độ biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp. Còn khi giá thế giới tăng giá mạnh, quỹ bình ổn bị âm thì sẽ gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này là trích tiền của dân, vậy mà khi quỹ bình ổn âm, giá xăng dầu thế giới giảm thì người tiêu dùng cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm vài trăm đồng nữa là hết sức vô lý”.

Do đó, chuyên gia cho rằng quỹ này cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát. 

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích thêm:

“Đối với Nhà nước quỹ này là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu do Nhà nước quy định, trong khi giá thế giới diễn biến thất thường thì cần có một lượng tài chính dự trữ để góp phần kiểm soát lạm phát. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì chi quỹ để bình ổn giá, còn khi giá xăng dầu thấp thì thu vào để dự phòng.

Nhưng đối với doanh nghiệp, quỹ này là không cần thiết, gây phiền hà cho hoạt động doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, họ được hưởng lợi khi giá xăng dầu tăng, được chi quỹ để giá xăng dầu trong nước không tăng hoặc không tăng mạnh so với thế giới. Nhưng họ lại không được lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm, đáng lý ra họ được hưởng giá thấp nhưng lại phải trích quỹ, làm giá trong nước không giảm sâu bằng giá thế giới”.

Theo ông Long, trong trường hợp đủ nguồn xăng dầu dự trữ hoặc giá xăng dầu có thể được thả nổi cho thị trường quyết định và có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 2-3 ngày thì quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn cần thiết.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn