Hé lộ tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc

Thế giớiThứ Bảy, 29/12/2012 02:20:00 +07:00

(VTC News) - Nga và Mỹ lần lượt sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo, và Trung Quốc không hề muốn bị lép vế trước hai siêu cường.

(VTC News) - Sau khi vũ khí hạt nhân ra đời, các cường quốc đều quan tâm đến cách sử dụng loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược này. 

Nga và Mỹ lần lượt sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo, và Trung Quốc không hề muốn bị lép vế trước hai siêu cường.

Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc - Ảnh: Chinamilitary 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn đến bất cứ nơi nào trên thế giới, xét ở một số góc độ nhất định, tên lửa đạn đạo có lợi thế so với tên lửa phóng từ máy bay.

Không muốn bị lép vế


Ngày 21/8/1957, Liên Xô (cũ) thử nghiệm quả tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên mang tên R-7 (NATO gọi là SS-6 hoặc Sapwood). Hai năm sau, tên lửa R-7 được biên chế trong quân đội Liên Xô.

Không chịu kém cạnh, ngày 28/11/1958, Mỹ cũng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mang tên SM-65 và cũng biên chế trong quân đội năm 1959, gần như cùng thời điểm với Liên Xô.

Trong khi đó, sau khi sở hữu công nghệ hạt nhân sau những cuộc thử nghiệm hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, Trung Quốc cũng cân nhắc phát triển tên lửa đạn đạo để không bị lép vế trước hai siêu cường.

Theo báo chí chính thống Trung Quốc, nước này bắt đầu nghiên cứu tên lửa đạn đạo từ tháng 3/1965. Sau nhiều cuộc bàn thảo trên bàn nghị sự từ Quốc vụ viện đến Bộ Quốc phòng, Bắc Kinh đặt tên cho tên lửa là Đông Phong-5. (Đông Phong trong tiếng Trung Quốc nghĩa là gió mùa xuân).

Các chuyên gia tên lửa Trung Quốc trong phòng nghiên cứu sản xuất tên lửa Đông Phong-5 

Ban đầu, NATO gọi tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh là DF-5, sau đổi tên là CSS-4. Lãnh đạo Bắc Kinh khi đó yêu cầu nhóm chuyên gia nghiên cứu phải đạt mục tiêu đưa Đông Phong-5 thành loại vũ khí đạn đạo cấp chiến thuật, bay thử vào năm 1971, biên chế trong quân đội năm 1973.

Theo công nghệ thời đó, Đông Phong - 5 là tên lửa 2 tầng, dùng nhiên liệu lỏng do Viện nghiên cứu không gian vũ trụ (China Academy of Launch VehicleTechnology, CALT) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc nghiên cứu, phát triển.

Sau nhiều lần bàn thảo, Trung Quốc bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo dựa trên ý tưởng của nhóm chuyên gia do Đồ Thủ Ngạc, Viện phó nghiên cứu không gian vũ trụ đề xuất.

Theo đó, Đông Phong-5 dùng hai cả nhiên liệu rắn (Dimethylhydrazine) và nhiên liệu lỏng (NitrogenTetroxide). Điểm phóng tên lửa được chọn ở nơi bí mật mang tên YF-20B, được cho là nằm ở vùng phụ cận thủ đô Bắc Kinh.

Cơ cấu đẩy của tên lửa, gồm cả tầng thứ nhất và tầng thứ hai đều có 4 động cơ hoạt động độc lập với nhau. Nhưng điều khó nhất với các chuyên gia tên lửa Trung Quốc là làm thế nào ổn định, giảm bớt độ rung lắc ở bình chứa nhiên liệu lỏng.

Tên lửa Đông Phong-5 trong một lần duyệt binh - Ảnh: baidu.com 

Theo tính toán, khi tên lửa hoạt động, độ rung lắc của nhiên liệu lỏng sẽ làm tăng, giảm góc bay khoảng 10 độ. Nếu không khắc phục điều này, tên lửa Trung Quốc gần như không thể bắn chính xác vào mục tiêu, thậm chí không bay theo quỹ đạo đã định trước.

Nhiều thiết kế về trục cân bằng, vách ngăn v.v. đã được đưa ra, tất nhiên, Bắc Kinh không hề tiết lộ chi tiết việc họ làm thế nào giảm rung lắc trong bối cảnh được nói là “không có bất cứ sự giúp đỡ nào của nước ngoài”.

“Lúc đó các chuyên gia tên lửa Liên Xô đều đã về nước, và họ không để lại cho chúng tôi những tài liệu kỹ thuật. Tuy nhiên, người Liên Xô làm được thì tôi không tin người Trung Quốc không làm được”, Đồ Thủ Ngạc nói với hãng tin Chinanews.

Ngày định mệnh

Một phát minh nổi tiếng của Đồ Thủ Ngạc và các chuyên gia là sử dụng hợp kim nhôm và đồng (LD-10) cho bình chứa nhiên liệu lỏng, giúp giảm tới 30% trọng lượng so với các bình chứa kiểu cũ.

Một vụ phóng thử tên lửa Đông Phong - Ảnh: Chinamilitary 

Một năm sau khi hoàn thiện các bản vẽ, Bắc Kinh thử nghiệm thành công các động cơ đẩy cho tên lửa vào tháng 5/1966. Nhưng cũng phải mất thêm 4 năm nữa, vào tháng 6/1970, tên lửa Đông Phong mới được đưa vào sản xuất.

Các trang tin quân sự Trung Quốc nói thời điểm đó, mỗi lần Trung Quốc sản xuất từ 5 đến 6 quả tên lửa.

Ngày định mệnh với nhóm chuyên gia của Đồ Thủ Ngạc là hôm 10/9/1971, tên lửa Đông Phong được bắn thử tạm gọi là mang dáng dấp tên lửa đạn đạo. Tên lửa tách tầng thành công, tuy nhiên, rắc rối mới lại phát sinh.

 

Lúc đó các chuyên gia tên lửa Liên Xô đều đã về nước, và họ không để lại cho chúng tôi những tài liệu kỹ thuật. Tuy nhiên, người Liên Xô làm được thì tôi không tin người Trung Quốc không làm được.


 
Ban đầu, Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tầm bay thấp, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật như khi bay tầm cao. Tuy nhiên, ở giây thứ 207 sau khi tên lửa rời bệ phóng, động cơ tầng thứ 2 đột nhiên khai hỏa trước thời điểm định sẵn 30 giây khiến hệ thống điều khiển bị rung lắc mạnh. Kết quả là tên lửa chỉ bay được 565 km.


Mặt khác, sự cố khai hỏa sớm khiến các chuyên gia Trung Quốc chưa thể kiểm tra được hệ thống chống nhiệt hoạt động ra sao.

Đây cũng là phần quan trọng đối với tên lửa, bởi xử lý không tốt có thể khiến tên lửa bốc cháy giữa không trung hoặc thậm chí phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.


Đến tháng 10 năm đó, các chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc thay đổi, sửa chữa “10 chi tiết quan trọng” trong kết cấu tên lửa Đông Phong-5.

Liên tiếp ba năm sau đó, tên lửa đạn đạo vẫn là điều Bắc Kinh mong muốn nhưng chưa thể biến thành hiện thực. Hai lần thử nghiệm tiếp theo đều thất bại.


Bên trong xưởng sản xuất, nghiên cứu tên lửa Đông Phong - Ảnh: Wantchinatimes 

Đông Phong-5 là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), được thiết kế để mang một đầu đạn hạt nhân 3 megaton nặng 3,2 tấn và có tầm bắn tối đa lên tới 12.000 km, nó cũng có thể được sử dụng để phóng các vệ tinh. Với tầm bắn này, tên lửa Đông Phong-5 thể vươn tới phần phía tây của nước Mỹ cũng như toàn bộ châu Âu.

Đông Phong-5 cũng là loại tên lửa đạn đạo có kích thước lớn nhất trong lực lượng tên lửa của Trung Quốc với chiều dài 33 m, đường kính 3,4 m.

Đông Phong-5 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng hai tầng đẩy với nhiên liệu chính là Dimetylhydrazin và Nito Tetraoxit.


Được phát triển từ những năm 1960 nhưng cho tới năm 1981, Đông Phong-5 mới được biên chế vào lực lượng quốc phòng Trung Quốc sau khi thử nghiệm thành công vào năm 1981 nó đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 9.000 km trên biển Thái Bình Dương.

Năm 1986, một biến thể cải tiến của nó là DF-5A ra đời được cho là có độ chính xác cao hơn (độ lệch 1 km) với tầm bắn lên tới 13.000 km có thể vươn tới hầu hết các điểm trên nước Mỹ. 

Đến năm 2000, còn lại 30 tên lửa loại này được trang bị cho quân đội Trung Quốc đều là phiên bản DF-5A.
Video Trung Quốc thử tên lửa Đông Phong 41 - Nguồn: Youtube

Văn Việt (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn