Hé lộ nơi tiêu thụ hơn 3 tấn cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó

Thời sựThứ Tư, 18/04/2018 20:41:00 +07:00

Theo lời khai của chủ cơ sở chế biến cà phê, lô hàng cà phê "bẩn" được nhuộm bằng pin Con Ó do một người đàn ông đặt hàng, được đưa đi tiêu thụ ở Bình Phước.

Video: Họp báo vụ nhuộm đen cà phê bằng pin Con Ó ở Đắk Nông

Chiều 18/4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức cuộc họp báo thông tin về vụ hơn 3 tấn cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó xảy ra tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp.

Đại tá Lê Vinh Quy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông và ông Ngô Xuân Lộc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì buổi họp báo.

Theo thông cáo báo chí, thực hiện kế hoạch đấu tranh với tội phạm môi trường và vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ 15/4 đến 17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer) là chủ, đang dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 21,265 tấn phế phẩm cà phê ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ pin.

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng lấy lời khai của 3 người (trong đó có bà Loan). Họ đều khai nhận số sản phẩm trên đang đưa đi tiêu thụ ở Bình Phước, do một người đàn ông đặt hàng. 

Tuy nhiên, cả 3 người đều không khai nhận nhuộm pin vào cà phê để làm gì, quanh co từ chối trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra. 

123 3

 Đại tá Lê Vinh Quy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Thanh Hải)

Theo Đại tá Quy, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, phải chờ vào việc thu thập chứng cứ, xác minh, giám định sự việc để tránh nhầm lẫn, xử lý không đúng người, đúng tội. 

Tại cuộc họp báo, phóng viên các cơ quan báo chí đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc phát hiện sự việc chậm trễ. 

Thay mặt UBND tỉnh, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông  cho rằng, sự việc hiện vẫn chưa được kết luận cụ thể, chưa thể khẳng định việc bà Loan có tẩm pin vào cà phê hay không.

"Phải đợi cơ quan chức năng có kết quả điều tra cụ thể rồi mới xử lý. Về việc buông lỏng quản lý tại địa phương là không có, vì cơ quan liên ngành địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra và báo cáo", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, qua sự việc trên, các cơ sở sản xuất tại địa phương chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thông tin này khiến người tiêu dùng băn khoăn không biết sản phẩm mình đang dùng có chứa chất độc hại hay không.

Qua cuộc họp báo, ông Lộc mong muốn cơ quan báo chí đưa tin khách quan khi có kết luận chính xác từ cơ quan điều tra. 

Người phát ngôn UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu các lực lượng chức năng địa phương cần tăng cường chặt chẽ hơn nữa đối với các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn.

20180418_170652

 Rất nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi liên quan đến vụ việc. (Ảnh: Thanh Hải)

Như VTC News đưa tin, ngày 16/4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).

Tại đây, lực lượng phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê "bẩn" đã được trộn lẫn với đất, bột đá.

Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng thu giữ 2 chậu chứa cục pin con ó (khoảng 35kg) được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê bẩn. 

Theo lời khai ban đầu, bà Loan cho biết cơ sở này hoạt động nhiều năm nay. Bà nhờ người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý và sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê.

Bà Loan khai nhận, cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường nhằm mục đích kiếm lời.

Tính từ đầu năm 2018 cho đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê "bẩn" được nhuộm đen bằng pin Con Ó như trên.

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn