Hé lộ năng lực chiến đấu phi cơ tàu sân bay Trung Quốc

Thế giớiThứ Năm, 06/12/2012 07:21:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, việc Bắc Kinh đưa J-15 lên tàu Liêu Ninh là điều rất mạo hiểm.

(VTC News) - Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ tin rằng phi cơ tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới thực sự mang tính chiến đấu khi còn vô số rào cản kỹ thuật đặt ra phía trước.

Chuyên gia quân sự Mỹ, Elizabeth C.Economy thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á cho rằng, việc Bắc Kinh đưa J-15 lên tàu Liêu Ninh là điều rất mạo hiểm bởi phi cơ này đang trong quá trình thử nghiệm.

Chưa thể chiến đấu

Trong video clip về phi cơ cất, hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, mạng tin Sina của Trung Quốc nói điều đáng ngạc nhiên nhất là chiếc J-15 được lựa chọn chứ không phải là phi cơ dòng J khác.

Lần đầu tiên cất cánh của J-15 được ghi nhận là hồi tháng 8/2009. Sina dẫn lời chuyên gia quân sự của Trung Quốc (giấu tên) nói rằng ban đầu hải quân nước này dự định dùng một phi cơ chiến đấu hạng nhẹ để cải tiến cho phù hợp tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, quyết định mạo hiểm sử dụng J-15 đã được đưa ra.

Phi cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Tân Hoa Xã 

Điều khó nhất với hải quân Trung Quốc là kích cỡ và trọng lượng của J-15, để nó cất cánh cần lực đẩy tối thiểu 12,8 tấn với đường băng trên mặt đất. Hiện chưa rõ các kỹ sư Trung Quốc đã “cải tiến công nghệ” thế nào để J-15 cất cánh trên tàu sân bay.

Nhưng có một điều khiến người ta chú ý là, mạng tin Sina thừa nhận J-15 cất cánh trên tàu Liêu Ninh trong điều kiện… hoàn toàn không mang vũ khí hay bình xăng phụ.

Thông tin trên trang dữ liệu Wikipedia, trọng lượng không tải của J-15 là 17,5 tấn; khi mang đầy đủ vũ khí và bình xăng phụ, trọng lượng của J-15 lên đến 27 tấn.

Một điều nữa khiến việc chọn J-15 được cho là mạo hiểm vì hiện tại Trung Quốc mới chỉ đang thử nghiệm J-15, chưa chiếc nào được biên chế chiến đấu trong quân đội.

Bình luận viên của Sina cũng cho rằng, không nên vội vã ảo tưởng về sức mạnh quân sự khi mà với các cường quốc như Mỹ, Nga, Pháp, Anh v.v. việc một phi cơ cất hạ cánh trên tàu sân bay chỉ là một hoạt động quân sự rất đỗi bình thường.

“Với họ, đó chỉ là điều quá bình thường và chẳng ai chú ý, còn chúng ta thì vội vã ăn mừng. Tôi nghĩ là không nên, bởi nên nhớ một điều chúng ta mới chỉ cất,hạ cánh trong điều kiện lý tưởng. Xuất kích ban đêm, trong mưa bão mới là điều khó và đáng nói”, bài bình luận trên Sina viết.

Phi cơ Trung Quốc cất, hạ cánh thế nào?

Để đảm bảo an toàn khi hạ cánh xuống tàu sân bay, các phi công Trung Quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt những yếu tố kỹ thuật được đặt ra từ khi phi cơ kết thúc nhiệm vụ và trên đường quay về.

Theo Hải quân Trung Quốc, các tàu sân bay hiện đại ngày nay có hệ thống định vị, dẫn đường rất phức tạp, tinh vi. Về cơ bản, mỗi tàu sân bay đều có hệ thống dẫn đường hàng không chiến thuật, hệ thống quản lý giao thông đường không và hệ thông dẫn đường trên tàu sân bay.

Yêu cầu của hải quân Trung Quốc với phi cơ tàu sân bay như sau: Khi còn cách tàu sân bay 300km, hệ thống dẫn đường hàng không chiến thuật sẽ định hướng đường bay cho phi cơ.

Khi cách tàu sân bay 100km, hệ thống dẫn đường bằng radar của tàu sân bay bắt đầu hoạt động. Cách tàu sân bay 30km, việc dẫn đường cho phi cơ lại chuyển cho hệ thống dẫn đường hàng không chiến thuật.

Khi khoảng cách còn 10km, hệ thống tự động tiếp cận tàu sân bay của phi cơ sẽ được sử dụng. Bước cuối cùng là khi còn 3km cuối trước khi hạ cánh, hệ thống đèn định vị trên đường băng tàu sân bay sẽ được bật lên dẫn đường cho phi cơ.

J-15 không mang vũ khí để giảm trọng lượng - Ảnh: Tân Hoa Xã 

Tuy nhiên, phi cơ tàu sân bay cũng giống như những loại phi cơ khác ở điểm trước khi hạ cánh sẽ phải bay lượn một vòng. Với phi cơ Trung Quốc, nó sẽ phải bay một vòng tròn đường kính 5 hải lý trước khi tiếp cận tàu sân bay.

 

Mạng tin Sina thừa nhận J-15 cất cánh trên tàu Liêu Ninh trong điều kiện… hoàn toàn không mang vũ khí hay bình xăng phụ.
 
Lúc này, phi cơ buộc phải tắt mọi hệ thống vũ khí, nếu không, hệ thống kiểm soát điện tử trên tàu sân bay sẽ tự động từ chối cho hạ cánh. Tiếp đó, phi cơ bắt đầu giảm vận tốc tối đa, hạ càng hãm đà gắn ở đuôi, hạ hệ thống càng tiếp đất.

J-15 được nói là sẽ tiếp cận tàu Liêu Ninh từ góc trái của đuôi tàu, sau khi hãm đà thành công sẽ di chuyển vào khu vực có đèn định vị cho những máy bay vừa hoàn thành nhiệm vụ.

Hải quân Trung Quốc tính toán rằng, với bán kính 5 hải lý, mỗi loại chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ phải đáp ứng độ cao tối thiểu khác nhau, thấp nhất là 600m so với mặt biển.

Mặt khác, do những yếu tố tác động như bị bắn, bị hỏng động cơ, bị hỏng thiết bị dẫn đường v.v. hải quân Trung Quốc nói họ không loại trừ khả năng phải có máy bay hậu cần để tiếp nguyên liệu cho chiến đấu cơ trên không. Tuy nhiên, hiện Bắc Kinh chưa nói rõ liệu họ có thể làm chủ kỹ thuật đòi hỏi sự phối hợp rất khó này.

Hạ cánh khó hơn cất cánh

Đối với phi cơ tàu sân bay, hạ cánh là kỹ thuật phức tạp hơn nhiều so với cất cánh bởi đây là khâu có hệ số nguy hiểm rất cao.

Nếu chẳng may phi cơ đâm vào tàu sân bay thì vụ nổ cùng những vũ khí trên máy bay sẽ biến nó thành một quả tên lửa diệt tàu sân bay.

Để tránh tai nạn này, tàu Liêu Ninh hiện sử dụng hệ thống đèn tín hiệu gọi là Fresnel được lắp đồng bộ trên cả phi cơ và trên tàu.

Hạ cánh là khâu có hệ số nguy hiểm cao hơn nhiều so với khi cất cánh - Ảnh: Tân Hoa Xã 

Trên phi cơ, đèn này có ba chế độ hiển thị màu: vàng, đỏ, cam. Màu đèn giúp phi công nhận biết độ cao của phi cơ trước khi hạ cánh đã phù hợp chưa.

Màu vàng cho thấy độ cao vượt mức cho phép, màu đỏ là độ cao quá thấp, còn màu cam thể hiện phi cơ đạt đúng độ cao yêu cầu.

Một điều khó nữa là khi hạ cánh, tàu sân bay vẫn không ngừng đi về phía trước chứ không dừng lại giống như đường băng trên mặt đất.

Do đó, khi phi cơ tiếp cận đường băng sẽ phải liên tục giữ đúng hướng đi về phía trái, phía có đường băng chờ nếu không muốn đâm vào máy bay khác hoặc tệ hơn là đâm vào tháp điều khiển trên tàu sân bay.

Phi cơ tàu sân bay Trung Quốc ra đời thế nào?

Dự án J-15 của Trung Quốc ra đời vào năm 2001, sau khi mua được một chiếc Su-33 của Liên Xô đã nhường lại cho Ukaraina. Trước đó, mặc dù rất muốn nhưng Trung Quốc không đủ cơ sở để phát triển dự án này khi mà Nga kiên quyết từ chối các đơn đặt hàng Su-33 của Trung Quốc sau bài học về Su-27SK.

Không nên vội vã ảo tưởng về sức mạnh quân sự khi mà với các cường quốc như Mỹ, Nga, Pháp, Anh v.v. việc một phi cơ cất hạ cánh trên tàu sân bay chỉ là một hoạt động quân sự rất đỗi bình thường.
Bình luận trên mạng tin Sina
Năm 2006 Nga từ chối một bản hợp đồng mua Su-33 của Trung Quốc khi họ yêu cầu Nga chuyển trước 2 chiếc để 'đánh giá'.

Năm 2009, Nga một lần nữa từ chối hợp đồng mua Su-33 của Trung Quốc dù số lượng đã được nâng lên 14 chiếc. Khi đó Nga đã yêu cầu Trung Quốc mua ít nhất 24 chiếc Su-33 nhưng không được chấp nhận.

Đây là dự án được phát triển và nghiên cứu chung bởi Viện nghiên cứu 601 của Hải quân Trung Quốc và Tổng công ty hàng không Thẩm Dương. Năm 2005, những đồn đoán đầu tiên về chiếc máy bay này bắt đầu xuất hiện trên các trang tin, diễn đàn quân sự thế giới.

Ban đầu, nhiều người cho rằng đây là một chiến đấu cơ bán tàng hình nhưng trong những bức ảnh đầu tiên xuất hiện năm 2009, các chuyên gia quân sự thế giới đã thấy ngay được hình dáng của Su-33 trong J-15.

Theo trang tin RIA của Nga, chuyến bay thử đầu tiên của J-15 được diễn ra vào 31/8/2009, 1 tháng trước ngày Quốc khánh thứ 60 của Trung Quốc.

Qua những hình ảnh đầu tiên về Cá mập bay, các chuyên gia hàng không cho biết những hệ thống quan trọng của máy bay như điều hướng và cất hạ cánh có khả năng được được sao chép từ chiếc Su-33 Trung Quốc mua từ Ukraina.

Huyền Lê 

Bình luận
vtcnews.vn