Hé lộ lời khai nhân chứng Ukraine vụ máy bay MH17 bị bắn hạ

Thế giớiThứ Năm, 04/06/2015 12:52:00 +07:00

Ủy ban điều tra Nga ngày 3/6 công bố danh tính nhân chứng quan trọng nhất trong vụ MH17 bị bắn hạ ở khu vực miền Đông Ukraine.

Ủy ban điều tra Nga ngày 3/6 công bố danh tính nhân chứng quan trọng nhất trong vụ MH17 bị bắn hạ ở khu vực miền Đông Ukraine.

Nhân chứng có tên Evgeny Agapov, là kỹ sư hàng không của Không quân Ukraine.

RT dẫn lời ông Vladimir Markin, phát ngôn viên Ủy ban điều tra Nga: “Hiện đang có chứng cứ mới đáng tin cậy từ nhân chứng, cũng như những thông tin từ truyền thông xung quanh nhân chứng này, chúng tôi quyết định công bố danh tính người này”.
Nơi xảy ra thảm họa máy bay MH17 bị bắn hạ ở Ukraine
Nơi xảy ra thảm họa máy bay MH17 bị bắn hạ ở Ukraine 
Ông Agapov, công dân Ukraine, là kỹ sư cơ khí phụ trách về vũ khí trên máy bay quân sự, làm việc cho lữ đoàn chiến thuật Không quân Ukraine.

Theo ông Markin, kỹ sư cơ khí Ukraine này “tự nguyện vượt biên giới sang Nga và bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga trong công tác điều tra”.

Ông Agapov đã xác nhận rằng vào hôm 17/7/2014, một chiếc máy bay Sukhoi Su-25 của Ukraine do phi công Vladislav Voloshin lái đã tiến hành “một nhiệm vụ quân sự”.

Chiếc Su-25 quay trở lại căn cứ trong tình trạng trống rỗng khoang chứa đạn. Ông Agapov cho biết ông đã nghe Voloshin nói với các đồng nghiệp rằng chiếc máy bay đó đã “ở nhầm thời điểm hoặc nhầm nơi”.

“Cũng đúng buổi chiều hôm đó, chúng tôi hay tin một máy bay Boeing chở khách bị bắn hạ ngày hôm đó”.

Cũng trong ngày hôm qua 3/6, chuyên gia một hãng tên lửa thuộc Tập đoàn Almaz-Antey, Nga chỉ ra rằng máy bay MH17 bị bắn rơi bằng tên lửa Buk-M1, loại mà Nga không còn sử dụng. Nhưng hệ thống tên lửa phòng không này được sử dụng rộng rãi trong các nước thuộc Liên Xô trước đây, bao gồm cả Ukraine.

Đây được cho là bằng chứng rõ ràng nhất, chứng minh Nga không dính dáng gì đến thảm kịch rơi máy bay hãng Malaysia Airlines, khiến 298 người thiệt mạng hồi tháng 7/2014 tại Ukraine.

Giám đốc Almaz-Antei, Yan Novikov cho biết: loại tên lửa này vẫn còn trong kho vũ khí của Ukraine. Năm 2005, Ukraine đã liên lạc với tập đoàn Almaz-Antei về việc bảo dưỡng hệ thống Buk, thời điểm đó trong kho vũ khí của họ có tới 991 tên lửa.

Căn cứ vào kết quả phân tích xác máy bay MH17, các chuyên gia Nga cũng chỉ ra quỹ đạo của tên lửa được phóng đi từ khu vực thị trấn Zaroschenskoe, nơi mà quân đội chính phủ Ukraine đóng ở thời điểm tháng 7/2014. Trong khi đó phía Ukraine cho rằng: Tên lửa bắn hạ MH17 được bắn từ Snezhnoe, khu vực do lực lượng đối lập miền Đông kiểm soát.

Các nhà điều tra Hà Lan từ chối bình luận về báo cáo của Almaz-Antey. Họ khẳng định sẽ công bố kết quả phân tích vỏ máy bay MH17 vào tháng 10 tới.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn