VĐV giành HCV ASIAD đi bán khoai lang và 314 tỷ đồng của ngành thể thao

Thể thaoThứ Sáu, 22/02/2019 18:57:00 +07:00

“Nhà em còn khoảng 2 tạ khoai lang ạ, ai muốn mua khoai liên hệ với em nhé. Để em gom rồi nhờ mẹ gửi xuống xe một thể”, người viết đọc được lời rao bán khoai của Bùi Thị Thu Thảo trên trang facebook cá nhân và đặt mua 10 kg.

1. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đặt mua khoai của Thảo, HCV nhảy xa Asiad 2018. Bữa đầu Thảo khất vì đường xa, trời mưa lạnh, và cũng để đợi đủ đơn hàng. Tối hôm sau nữa thì Thảo hẹn “ship” khoai đến nhà. Đường xa, trời mưa lạnh, “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam như thu nhỏ lại trong chiếc áo gió, khăn quấn kín cổ. Hai tay khệ nệ xách hai túi khoai, Thảo bảo bán cố để nghỉ Tết.

Khoai lang do bố mẹ trồng ở làng Tri Lai (Đồng Thái, Ba Vì), ở quê bán không tiện, giá lại thấp. Thảo nghĩ tới chuyện rao bán trên facebook và không ngờ lại nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của bạn bè. Những củ khoai nhỏ nhưng chắc, thơm thơm, nướng lên vừa ăn vừa xuýt xoa trong rét. Hai vợ chồng tự đi xe máy chở từ Ba Vì về Hà Nội rồi sau đó đèo nhau “ship” hàng tới từng địa chỉ.

bui thu thao

 Đã đành nhà vô địch Asiad Bùi Thị Thu Thảo đi ship khoai lang là để giúp đỡ gia đình, nhưng cũng là nỗi cám cảnh cho đời sống VĐV đỉnh cao.

Lương chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng, Thảo cho biết 2 vợ chồng thuê một căn nhà 2,5 triệu đồng/tháng cách Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) khoảng 1 km. Hàng ngày đi tập luyện, tối về hai vợ chồng nấu cơm ăn. Gia cảnh khó khăn, bố ốm, mẹ chủ yếu dành thời gian chăm sóc bố, làm thêm ruộng vườn, nuôi gà để trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Mơ ước của 2 vợ chồng là một ngày đủ tiền để mua được một căn nhà ở Hà Nội, ổn định cuộc sống. Chiếc HCV tại Asiad 2018 giúp Thảo có thêm khoảng 800 triệu đồng, số tiền chưa đủ để đạt được ước mơ của cô.

2. Nghe Thảo kể về thu nhập và cuộc sống của cô, chợt chạnh lòng nghĩ tới câu chuyện đang xảy ra ở Khu LHTTQG Mỹ Đình. Qua nhiều năm trời, Ban lãnh đạo Khu LHTTQG đã thực hiện việc cho thuê mặt bằng ngắn hạn trái phép, không được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Bộ VH-TT&DL và Bộ Tài chính. Đi liền với các hoạt động này là một loạt vi phạm: Không đấu giá, công khai giá trị cho thuê, không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê đất…

Để “lách” quy định của nhà nước, Ban lãnh đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình đã ký nhiều hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm). Nhưng trên thực tế qua thực hiện kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước, đây bản chất là hợp đồng dài hạn do đơn vị thực hiện ký nhiều hợp đồng tại các thời điểm khác nhau với cùng 1 công ty, tại một địa điểm hoặc ký từ 2,4 phụ lục hợp đồng trong một năm và lặp đi, lặp lại nhiều năm.

Số tiền thuê đất Khu LHTTQG Mỹ Đình bị truy thu theo phản ánh trong các văn bản họp liên ngành của thành phố Hà Nội lên tới hơn 314 tỷ đồng. Lãnh đạo Khu liên hợp đã gửi công văn “xin” Bộ VH-TT&DL để làm việc với các đơn vị chức năng miễn số tiền trên.

Đấy là chưa kể tới những tố cáo của doanh nghiệp về việc Khu LHTTQG Mỹ Đình để ngoài sổ sách hàng nghìn m2, giá tiền thuê đất theo hợp đồng với các doanh nghiệp thấp hơn cả chục lần so với giá thị trường… Đằng sau câu chuyện này là gì, dư luận chắc chắn phần nào có thể hiểu rõ.

khu lhttqg my dinh

 Trong khi những sai phạm về tài chính ở Khu LHTTQG Mỹ Đình phải truy thu cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng    

3. Ngân sách dành cho thể thao luôn thấp so với nhiều lĩnh vực khác. Năm 2015, dự trù ngân sách của Bộ Tài chính cho thể thao chỉ 730 tỷ đồng. Tới năm 2018, chi ngân sách cho thể thao chỉ hơn 520 tỷ đồng. VĐV thể thao, 10 người thì tới 9 có cuộc sống chật vật bởi đồng lương eo hẹp. Bùi Thị Thu Thảo là số ít những người may mắn đạt được thành công, thu nhập tốt hơn so với phần đông còn lại nhưng để trang trải cuộc sống vẫn phải đi bán khoai.

Tăng chế độ cho VĐV luôn là bài toán khó đối với ngành thể thao, chưa kể đến những dư luận về việc bị “xà xẻo” trong quá trình thực hiện. 314 tỷ đồng có thể không lớn so với nhiều ngành khác, nhưng đối với thể thao là một con số nhiều ý nghĩa. Nói vậy để thấy, việc để xảy ra sai phạm ở Khu LHTTQG Mỹ Đình trong một thời gian dài, không thể không đề cập tới trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan.

Kết luận Kiểm toán Nhà nước kiến nghị rút kinh nghiệm, kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan tồn tại ở Khu LHTTQG Mỹ Đình. Nhưng hiện nay, vị giám đốc cũ, ông Cấn Văn Nghĩa đã nghỉ hưu, an vị trên chiếc ghế Phó chủ tịch VFF. Người ta buộc phải đặt câu hỏi, ngành thể thao sẽ “rút kinh nghiệm” ông Nghĩa bằng cách nào, hay lại rơi vào cảnh “đánh trống, bỏ dùi” như nhiều trường hợp sai phạm xảy ra lâu nay.

314 tỷ đồng tiền thuê đất ở Khu LHTTQG Mỹ Đình không chỉ là vấn đề tài chính, cao hơn đó là niềm tin bị xói mòn của dư luận, VĐV đối với sự nghiêm minh của pháp luật, trách nhiệm của ngành thể thao.

(Nguồn: Thể Thao Văn Hóa)
Bình luận
vtcnews.vn