Hãy che chắn “chút lửa còn lại” bằng … nhiều tiền hơn

Tổng hợpThứ Tư, 29/06/2011 04:54:00 +07:00

... không có sự phát triển giải trí nào mà không dùng đến tiền đâu”, thủ lĩnh của Bức tường đã phát biểu như vậy...

“Hãy che chắn chút lửa còn lại bằng nhiều tiền hơn. Rất tiếc là như vậy vì đam mê là không đủ đâu, mọi thứ không tự nhiên trên trời rơi xuống đâu, không có niêu cơm Thạch Sanh đâu, không có Bụt đâu, không có sự phát triển giải trí nào mà không dùng đến tiền đâu”, thủ lĩnh của Bức tường đã phát biểu như vậy. Phải chăng, sống trong cuộc đời này, để duy trì nhiệt huyết, người ta cần nhiều hơn một niềm Đam mê.

 

 “Đường đến ngày vinh quang là con đường không số”

 Các anh mong mỏi gì cho sự trở về này, thỏa mãn cái tôi âm nhạc, khẳng định vị thế của một Rock band gạo cội hay chứng minh Rock chuyên nghiệp cũng có thể kiếm được tiền?

 Mỗi thứ một chút, điều này đâu cần giấu diếm gì. Tuy nhiên những điều nêu trên chúng tôi làm được cả rồi, làm được nhiều năm rồi, không cần chứng minh lại. Với trái tim, chúng tôi  tiếp tục chơi như một sự ràng buộc số phận nào đó mà khó lòng dứt bỏ chỉ bởi lý trí tính toán. Một điều giản đơn hơn là khi chúng tôi gặp nhau đều đặn trong suốt những năm tháng ban nhạc chia tay khán giả thì việc trước hay sau cầm đàn lên chơi với nhau chỉ là chuyện thời gian.

Để mưu cầu làm giầu với rock ở Việt Nam thì khác nào chạy theo một giấc mơ ảo ảnh.  Nhưng khi đã cầm đàn lên rồi thì mọi thứ lại bị hút vào nhau bởi thứ ma lực nào đó mà có cắt nghĩa cả ngàn lời không xong đâu.

 Có người nói việc trở lại sau 4 năm nghỉ nằm trong kế hoạch của Trần Lập, rằng anh muốn gây sự chú ý với công chúng. Anh nói sao?

 Ha ha… thật trẻ con. Công thức gây chú ý trong giới nổi tiếng như dựng scandal, gây shock, tuyên bố rùng rợn… sẽ giúp tôi đạt được mục đích rồ dại này nhanh và dễ hơn cách mà người nào đó vừa nói ở trên. Là người hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tôi đủ khỏe để vẫn là Trần Lập y như tôi vẫn thế. Bức Tường là một chuyện hoàn toàn khác, khác tới mức khó ai đi lại con đường mà Bức Tường đã đi lại có thể đi xa hơn chúng tôi. Mình tôi thì nhằm nhò gì. Bức Tường là một tập thể xuất phát của rất nhiều cá nhân giỏi hơn tôi. Tôi chỉ là một avatar của ban nhạc mà thôi.

 Nhắc đến Rock Việt, band đầu tiên người ta luôn nghĩ đến đầu tiên là Bức tường nhưng là Bức tường của ngày xưa. Trên “Đường đến ngày vinh quang”, có thể nói Bức tường đã chạm đến đỉnh vinh quang. Vậy, con đường tới đây, Bức tường sẽ đi đâu?

 Đường đến Ngày Vinh Quang là «con đường» không có số.

 Tôi đã đọc Bức tường những năm tháng đẹp nhất, trong đó, tôi thấy các anh vất vả quá, khốn khó quá, chật vật quá. Vậy cái đẹp mà anh muốn nói đến ở đây phải chăng là sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, của sự gắn bó hay là một điều gì khác?

 Vâng, phần lớn ý nghĩa cái đẹp nó nằm ở đó. Giá trị của khát vọng được trả giá bởi tuổi trẻ bởi sự bước qua cái khó của chính mình trong bối cảnh xã hội chưa nhìn thấy mình. Đẹp nhất là mình đã chủ động đạt được lối chơi ấy bằng nội lực từ những thanh niên tay trắng. Tôi chỉ cùng anh em viết ra một nửa chặng đường cực nhọc nhất, phần sau đó dẫu có chói lòa hơn thì đã có những người khác.

 Nghe album Ngày khác và tôi thấy thực sự đã thấy khác với thời Bông hồng thủy tinh, Đường đến ngày vinh quang... Đặc biệt, nhiều ca khúc của anh sáng tác mang tính xã hội chẳng hạn như  Cô gái quàng khăn đỏ, Xin được hỏi…, sắp tới đề tài mà anh hướng tới sẽ như thế nào?

 Thực ra xưa nay, với 3 album trước cũng vậy và về sau này cũng thế luôn là đề tài xã hội với nhiều góc cạnh. Khác biệt gần đây là lối thể hiện kỹ thuật và diện mạo, kết cấu nội dung phù hợp với đời sống âm nhạc thời nay mà thôi.

 Anh có nghĩ tới việc sẽ xây dựng, hoặc đỡ đầu cho một band nhạc nào đó sau khi các anh không còn đứng trên sân khấu Rock nữa không?

 Không! Ai mà chả nghĩ được nhưng cần chú ý tính hiện thực nhất là với rock. Mỗi ban nhạc là một thực thể khác biệt mà tự nó khi sinh ra đã biết vận động và sống cho đến khi chán. Cách giúp họ chỉ là việc cùng họ tạo nên những sự kiện âm nhạc đúng nhất với khả năng của họ chứ không phải là dạy họ. Nếu chỉ xét đến điều này thì cá nhân tôi đâu chỉ nghĩ và đã hành động với họ nhiều năm rồi.

 
   Vấn đề là biết lựa chọn thái độ ứng xử với thứ bạn theo đuổi…

 Điều gì đã làm nên “Lửa” trong âm nhạc của anh và Bức tường? Và điều gì đã duy trì ngọn lửa đó trong suốt bao nhiêu năm mặc cho thị trường âm nhạc càng ngày càng xô bồ, hỗn loạn?

 Đó chính là việc chúng tôi nuôi nấng tham vọng của mình cao hơn người khác mà thôi. Những quan điểm cho rằng làm việc gì cũng lấy niềm đam mê ra làm cứu cánh mỗi lúc khó khăn thì không giống chúng tôi chút nào. Đam mê không phải là thứ đem khoe, nó là điều bình thường hiển nhiên của mỗi nghệ sĩ mà muốn thành công phải kèm theo đó là vô vàn yếu tố khác. Không thể lúc nào bạn cũng biết chắc mình sẽ duy trì «ngọn lửa» như thế nào cho bền, đượm mà bạn cần phải biết kết nối để nhiều người cùng giữ. Muốn được như vậy, bạn cần biết lựa chọn thái độ ứng xử với thứ bạn theo đuổi thôi. Chúng tôi luôn tự dặn nhau như vậy để đi tiếp như thế đấy.

 Ngày đó đi hát chắc khác với bây giờ nhiều lắm. Liệu thời gian có làm cho ngọn lửa đam mê trong anh và Bức tường lụi bớt đi chăng? Nhất là sau khi có một thời gian bị gián đoạn, việc tái lập ban nhạc đình đám một thời này liệu có thắp lại được ngọn lửa trong lòng những người yêu bức tường không?

Điều này có lẽ chẳng cần bàn mà chỉ cần nhìn vào thông tin xã hội trong một loáng để tra cứu. Có điều, ngày nay ban nhạc chúng tôi không đặt ra những mục tiêu như trước khi mà hầu hết mục tiêu của thời đó đều bắt nguồn từ những mơ ước. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi hết ước mơ mà là chúng tôi đang hiện thực nó bằng những cách khác hợp thời đại, hợp bối cảnh sống của mình hơn.

 Anh có thể nhận xét gì về Rock Việt hiện nay? Lửa trong Rock hôm nay có hừng hực bằng lửa trong Rock những năm xưa khốn khó không?

Lửa trong rock thì thời nào cũng như nhau! Vấn đề là trong rock không chỉ có lửa, xin đừng ngộ nhận dùm. Ngày nay bạn có nhiều điều phải quan tâm hơn rock và có nhiều lựa chọn cho 24h mỗi ngày. Bất kỳ khi nào bạn thấy cần gì đó về rock, bạn sẽ tìm thấy lập tức và đó chính là khác biệt thời đại so với “xưa” khi internet chưa phổ cập tại Việt Nam.

 Những điều phải quan tâm ấy, anh muốn nói về cơm áo gạo tiền?

Tôi đã trải qua nhiều việc khác bị tranh chấp thời gian và cơ hội thăng tiến địa vị xã hội. Nhưng có một thứ luôn ảnh hưởng đến mọi chuyện đó là: Tiền bạc. Chơi nhạc rock ở Việt Nam là một cỗ máy đốt tiền, thời gian mà kết quả chỉ là chút danh vọng đính kèm mấy chữ tay trắng, bấp bênh. Những người trẻ hoặc người thờ ơ sẽ ngạc nhiên lắm như sự thật đang là như vậy. Lẽ ra bạn sẽ phải hỏi là “chút lửa còn lại” lấy gì để che, đừng hỏi về “lửa ngày xưa” nữa nhé.

 Đam mê không đủ để che chắn “chút lửa còn lại”

 Anh nói rằng, có một thứ luôn ảnh hưởng đến mọi chuyện đó là: Tiền bạc. Nếu thực tế phũ phàng như vậy, thì như anh nói, lấy gì để che chắn “chút lửa còn lại” đây?

Vâng, hãy che chắn nó bằng nhiều tiền hơn. Rất tiếc là như vậy vì đam mê là không đủ đâu, mọi thứ không tự nhiên trên trời rơi xuống đâu, không có niêu cơm Thạch Sanh đâu, không có Bụt đâu, không có sự phát triển giải trí nào mà không dùng đến tiền đâu.

 Có một fan Rock nói với tôi, giờ anh ta không muốn nghe Rock nữa bởi vì anh ta thấy thị trường Rock bây giờ quá loãng. Và rằng, các con dân Rock đang bị bão hòa với nhạc và band nhạc nước ngoài. Các band trong nước thì làng nhàng, không chuyên nghiệp không có gì đột phá. Chưa kể người nghe giờ bị ảnh hưởng bởi nhiều dòng nhạc khác như Jazz, Blue, thậm chí Pop... Nếu như, có nhiều người có suy nghĩ như vậy, thì điều gì khiến anh tin rằng, Bức tường sẽ sống sót trong “thời loạn” này?

Phần nào đó thì bạn này nói trúng phần lớn hiện tượng xã hội phổ biến này nhưng góc nhìn còn hạn chế quá! Cái gì nhiều thì loãng, thì rẻ, thì bị thờ ơ, vậy phương Tây thì sao? Họ ít sản phẩm quá nên họ cao giá và quá hay sao? Không đời nào, họ được phát triển có hệ thống và hệ thống được bôi trơn bởi những khoản đầu tư kếch xù. Sự đầu tư kếch xù đến từ thị trường đầu ra sản phẩm của họ khổng lồ, khổng lồ là do đời sống họ cao, cao là do kinh tế, dân trí, vị thế của họ phát triển… họ quay cái bánh xe phát triển đó trên cái trục chuyên nghiệp và triệt để, hiệu quả không ngừng. Ta thì sao? ta đâu có được điều đó vì như tôi đã nói, các đầu mối xã hội của ta có liên quan gián tiếp với nhau. Thị trường ta nhỏ, đầu tư ta thấp, thu nhập ta kém, đời sống chưa ổn, dân trí ta chừng mực… ban nhạc của ta làng nhàng là dễ hiểu. Điều vênh nhau dễ thấy là mắt, tai, mũi, miệng, trí óc ta nhanh hơn tay chân.

Đồng ý rằng tài năng là thiên phú đi nhưng ở đâu ra mà lắm thiên phú thế và thiên đâu có phú cho cả một đời. Hai đứa trẻ thiên phú như nhau sống trong hai môi trường khác nhau, tất sẽ trưởng thành khác nhau, đẳng cấp khác nhau. Đúng không nhỉ?

Ta hóng được tin quốc tế qua nhiều nguồn, ta nghĩ, ta xem được, ăn được những thứ sẵn có nhưng tay chân ta, nhà ta, đường phố ta, những người sống quanh ta, đang còn chậm chạp một cách có hệ thống, ta muốn đột phá gì đây?

Điều quan trọng khi bạn sống trong địa hình khó không phải là chuyện bạn biết gì về địa hình văn minh, tiện nghi hiện đại ở xứ khác mà là bạn phải biết thích nghi thế nào với những kỹ năng mình có. Chê thì dễ, trẻ chưa cần biết nói đã biết chê ăn, muốn làm người trưởng thành ta phải biết sống thực tế.

Bức Tường sẽ sống sót thế nào ư? Chết không dễ thế đâu!

 Câu cuối cùng, Rock Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao theo nhận định của anh?

Tôi mà biết thì tôi… giầu liền.

 Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Bài: Hà Trang

Nguồn ảnh: buctuong.com


Bình luận
vtcnews.vn