Hậu trường ít biết về phim 'Tam Quốc diễn nghĩa 1994'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 05/08/2014 03:12:00 +07:00

(VTC News) – ‘Quan Vũ’ từng phải ngồi tù, ‘Gia Cát Lượng’ suýt đóng băng trên phim trường là những câu chuyện thú vị nơi hậu trường Tam quốc diễn nghĩa 1994.

(VTC News) – ‘Quan Vũ’ từng phải ngồi tù, ‘Gia Cát Lượng’ suýt đóng băng trên phim trường là những câu chuyện thú vị nơi hậu trường phim Tam quốc diễn nghĩa 1994.

Trải qua 3 năm ròng rã, ra mắt năm 1994, Tam Quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những bộ phim truyền hình xuất sắc nhất Trung Quốc thời điểm đó. Bộ phim là đã truyền tải thành công được hồn của tiểu thuyết cùng tên.

Đã 20 năm trôi qua, những câu chuyện phía sau màn ảnh luôn được những người yêu thích bộ phim quan tâm. Những diễn viên kỳ cựu như Tôn Ngạn Quân, Lục Thụ Minh, Đường Quốc Cường… đều có những kỷ niệm không thể nào quên trên phim trường.

‘Lưu Bị’ muốn đóng Tào Tháo


Khi mới gia nhập đoàn làm phim, Tôn Ngạn Quân không thích nhân vật Lưu Bị, trái lại, ông muốn nhập vai đối thủ của nhân vật này – Tào Tháo. Tuy nhiên, đạo diễn Vương Phù Lâm nhận thấy, Ngạn Quân có diện mạo tuấn tú, thư sinh, da trắng, rất hợp với hình tượng Lưu Bị.
tôn ngạn quân
'Lưu Bị' Tôn Ngạn Quân từng mong ước được vào vai Tào Tháo. 
Không thể thuyết phục được đạo diễn, Tôn Ngạn Quân đành chấp nhận từ bỏ vai diễn yêu thích. Những ngày đóng Tam quốc diễn nghĩa là những ngày Ngạn Quân phải ‘nằm gai nếm mật’.

Có một lần diễn trong thôn, Tôn Ngạn Quân bị người trong thôn bắt lại vì hiểu nhầm là ăn trộm. Đối với ông, đóng phim Tam quốc ‘vất vả như 3 năm làm nông’.


‘Quan Vũ’ từng ngồi tù


Trong Tam quốc, Quan Vũ được ca ngợi là một trong ngũ hổ tướng hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành, ít ai ngờ, ngoài đời nam diễn viên thủ vai Quan Vân Trường lại từng có một thời gian ngồi tù.

Năm 1983, trên toàn đất nước Trung Quốc diễn ra một cuộc đàn áp, không rõ là Lục Thụ Minh mắc tội gì, chỉ biết cái giá mà ông phải trả cho sự nông nổi của mình là nửa năm ngồi bóc lịch.
lục thụ minh
'Quan Công' Lục Thụ Minh từng ngồi tù nửa năm thời trẻ. 

‘Trương Phi’ chung tình với Tam quốc


Trong tiểu thuyết, Trương Phi là một nhân vật được miêu tả là ‘cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én’ và nóng tính như lửa. Còn ‘Trương Phi’ Lý Tĩnh Phi thực tế lại là một người sống rất nội tâm, chu đáo, tỉ mỉ.
lý tĩnh phi
Bề ngoài hung dữ, song Tĩnh Phi lại là người sống nội tâm và rất ân cần. 
Trong bộ phim sau này mà Tĩnh Phi tham gia có tên Tôn Vũ, ông còn phụ trách hậu cần, lo chuyện ăn uống cho đoàn, bánh bao mà ông làm đều được mọi người tấm tắc khen ngon. Không những thế, ‘Trương Phi’ còn là một người rất yêu trẻ con.

Tuy đã tham gia nhiều bộ phim khác nhau, nhưng rất ít khi Tĩnh Phi chia sẻ về những vai diễn này, ông luôn nói rằng mình chỉ đóng một bộ phim duy nhất là Tam quốc diễn nghĩa.

‘Gia Cát Lượng’ suýt đóng băng trên phim trường


Phân cảnh Gia Cát mượn gió đông ở tập 38 được quay vào đúng mùa đông khắc nghiệt, nhiệt độ xuống tới 0 độ C. Theo yêu cầu của kịch bản, nam diễn viên vào vai Gia Cát là Đường Quốc Cường phải mặc duy nhất một chiếc áo mỏng, đi chân không.
đường quốc cường
Đường Quốc Cường suýt đóng băng để phục vụ cảnh phim kéo dài 10 giây. 
Trên phim, cảnh này chỉ diễn ra 10 giây, song đoàn phải mất 2 ngày để hoàn thành. Đường Quốc Cường gần như kiệt sức trên phim trường, nhìn nam diễn viên run rẩy vì quá lạnh, nước mũi chảy ròng ròng, cả đoàn làm phim đều thấy thương cảm.

Khi đạo diễn gật đầu ưng ý, mọi người liền đem áo bông cho Quốc Cường, khi ấy, đôi chân anh đã gần như đông cứng và đỏ ửng lên.


Áo giáp làm bằng nhựa

Một bộ phim dã sử dài tập, đông diễn viên quần chúng như Tam Quốc diễn nghĩa đòi hỏi một lượng áo giáp lớn, nhưng gia công áo giáp kim loại cực kỳ khó, giá thành cao, hơn nữa, áo giáp thật lại nặng nề, khiến diễn viên khó di chuyển và diễn xuất.
tam quốc diễn nghĩa
Kết nghĩa vườn đào - Một trong những cảnh đáng nhớ nhất của phim. 
Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, tổ phục trang quyết định dùng nhựa ép thành những bộ áo giáp có hình dạng và hoa văn khác nhau, sau đó phun màu, không ngờ tạo hiệu quả khá tốt.

Những bộ áo giáp này vừa nhẹ, dễ sản xuất, giá thành vừa phải. Chắc hẳn, những khán giả tinh ý đến đâu cũng khó phát hiện ra đây là những bộ áo giáp làm bằng nhựa.


3 năm đóng phim như 3 năm ngồi tù


Không như nhiều người tưởng tượng, do kinh phí đầu tư vào bộ phim không nhiều, nên thù lao mà những thành viên đoàn làm phim Tam quốc nhận được cũng rất thấp.

Đạo diễn và nhà sản xuất chỉ nhận được 250 NDT/tập, các diễn viên chính như Đường Quốc Cường, Lý Tĩnh Phi, Tôn Ngạn Quân… cũng chỉ nhận được 225 NDT/tập, sau trừ đi một số khoản, số tiền thực sự tới tay họ cũng chỉ còn vỏn vẹn 196 NDT.

tam quốc diễn nghĩa
Để hoàn thành bộ phim, các thành viên trong đoàn phải ăn ở trên phim trường, có nhiều người 1-2 năm không về nhà nhưng không ai kêu ca phàn nàn, cho dù cuộc sống của đoàn làm phim cực kỳ kham khổ. Sau này nhắc lại, họ vẫn đùa Tam quốc diễn nghĩa khiến họ phải ‘ngồi tù 3 năm, chịu khổ 3 năm’.

Giữ kỷ lục về tiền bán phim


Sau khi Tam quốc diễn nghĩa ra mắt, một hãng phát hành phim Nhật Bản ngỏ ý mua và yêu cầu bên phía nhà sản xuất Trung Quốc báo giá, người phụ trách Đại Huệ suy đi tính lại, đánh liều ra giá 10.000 USD, bản thân Đại Huệ cũng cho rằng đó là cái giá quá cao, bởi Hồng Lâu Mộng cũng được bán với giá chỉ hơn 1.000 USD, không ngờ phía Nhật Bản đồng ý luôn mà không hề mặc cả.

Tam quốc diễn nghĩa trở thành bộ phim được bán với giá cao nhất thời điểm đó, kỷ lục này được giữ trong rất nhiều năm sau đó.

Ca khúc Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông quen thuộc ở đầu phim:



Tròn 20 năm đã trôi qua, Tam quốc diễn nghĩa phiên bản 1994 vẫn được xếp vào hàng kinh điển của phim truyền hình Trung Quốc. Cho dù những phiên bản sau này ra đời được đầu tư công phu hơn, dàn diễn viên ‘lung linh’ hơn, song vẫn không thể vượt qua được thành công của Tam quốc diễn nghĩa 1994.

Đối với nhiều khán giả, bộ phim là ‘mối tình đầu’, dù chưa hoàn hảo nhưng vẫn để lại nhiều ấn tượng khó quên và dường như không thể thay thế.

Hoàng Nhi

Bình luận
vtcnews.vn