Hậu ‘thay máu’: Ngân hàng kéo nhau lên hay cùng ‘chìm xuồng’?

Kinh tếThứ Bảy, 25/04/2015 07:20:00 +07:00

nhiều người chợt nhìn lại những lần “thay máu” cũ với câu hỏi ngân hàng kéo nhau đi lên hay cùng nhau “chìm xuồng”.

(VTC News) – Hàng loạt thương vụ sáp nhập ngân hàng “bom tấn” sẽ diễn ra trong năm nay khiến nhiều người chợt nhìn lại những lần “thay máu” cũ với câu hỏi ngân hàng kéo nhau đi lên hay cùng nhau “chìm xuồng”.

Dồn dập “thay máu” ngân hàng

Kể từ năm 2011 khi nền kinh tế, đặc biệt ngành tài chính đã “thấm đòn” khủng hoảng kinh tế, cụm từ “sáp nhập” ngân hàng trở nên phổ biến hơn. Đầu tháng 12/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã công bố 3 ngân hàng đầu tiên sáp nhập là ngân hàng thương mại cổ phần Đệ Nhất, Tín Nghĩa và ngân hàng Sài Gòn.

3 ngân hàng này hợp nhất lấy tên là ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Saigon Commercial Bank – SCB) và chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2012. Điều đó cũng có nghĩa cái tên Đệ Nhất và Tín Nghĩa hoàn toàn bị xóa sổ.

Mặc dù “đi sau” nhưng thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB gây ồn ào thậm chí còn hơn thương vụ đầu tiên. Ngày 28/8/2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) chính thức sáp nhập vào ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

ngân hàng quốc dân
Ngân hàng Quốc Dân có nhiều bước tiến nhất sau khi "thay máu" 
Với Habubank, các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu gắn với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được xác định là gánh nặng lớn nhất dẫn đến những khó khăn phải tính đến sáp nhập. Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng).

Ngân hàng Đại Á (DaiABank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Tp Hồ Chí Minh (HDBank) cũng là cặp đôi ngân hàng nằm trong danh sách sáp nhập. Sau khi “kết hôn” với DaiABank, HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt SVGF và giữ nguyên cái tên HDBank.

Thay máu ngân hàng không chỉ nằm ở những thương vụ sáp nhập mà còn thể hiện qua việc tái cấu trúc. Để khắc phục khó khăn, ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín (TrustBank) đổi tên thành ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNBC) và chuyển sang lĩnh vực xây dựng.

Sau khi dùng nguồn lực của chính mình để tái cấu trúc, ngân hàng Nam Việt (Navibank) bước sang trang mới với tên mới ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB). Đối với NCB, tái cấu trúc là cơ hội  để NCB thay đổi  và giành lại chỗ đứng, khẳng định vị thế của mình tại thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam.

Đầu năm 2015, hàng loạt vụ sáp nhập ngân hàng được công bố rầm rộ. Nhiều người chợt nhìn lại những lần “thay máu” cũ với câu hỏi các ngân hàng kéo nhau đi lên hay cùng nhau “chìm xuồng”.

Kéo nhau đi lên

Các lần “thay máu” trước đây cho thấy câu trả lời khá tích cực. Đó là các ngân hàng kéo nhau lên. Ngân hàng Quốc Dân là ví dụ điển hình nhất cho sự thay da đổi thịt khi các chỉ tiêu kinh doanh nhanh chóng có sự thay đổi rất lớn.

Báo cáo của NCB cho thấy năm 2014 ngân hàng đạt 59 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhiều hơn khoảng 44 tỷ đồng, tương đương 2,5 lần so với năm 2013. Năm 2015, NCB thậm chí còn mạnh dạn hơn khi đặt chỉ tiêu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 236 tỷ đồng.

Tổng huy động và dư nợ cho vay của NCB trong năm 2014 tăng so với 2013 lần lượt 29,89% và 35,74% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng lưu ý chính là tỷ lệ nợ xấu giảm hơn 58% còn 2,52%. Đặc biệt NCB đã được Ngân hàng Nhà nước trao bằng khen đã có thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014.

Năm 2015 NCB đặt chỉ tiêu tổng tài sản đạt 45.052 tỷ đồng, tổng huy động đạt 41.165 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 24.089 tỷ đồng, nợ xấu kiềm chế ở mức dưới 3%.

Bà Trần Hải Anh - Tổng Giám đốc NCB cho biết: “Đang trong quá trình tái cấu trúc nên trong khi các ngân hàng khác đi, chúng tôi phải chạy. Trong hơn hai năm vừa qua, NCB đã triển khai đồng bộ hàng loạt dự án. Trong năm 2015, NCB sẽ tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ theo chiều sâu, cung cấp sản phẩm linh hoạt, phù hợp cho các cá nhân, hộ gia đình, tiểu thương”.

Giống NCB, HDBank cũng được đánh giá cao sau khi “thay mái”. Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM nhận xét nếu xét về tăng trưởng, HDBank đã vươn lên đứng thứ 5/14 ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở tại Tp.HCM. Trong số các ngân hàng có hội sở tại đây, HDBank là 1 trong 5 ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt nhất và xếp thứ 3/14 các ngân hàng chia cổ tức cao nhất.

Đánh giá về SCB, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau 1 năm tái cơ cấu, SCB đã được những tiến triển tích cực, cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản, năng lực tài chính thông qua các giải pháp tăng vốn điều lệ, gọi vốn của nhà đầu tư nước ngoài, củng cố giá trị tài sản đảm bảo, đẩy mạnh xử lý nợ và huy động vốn từ nền kinh tế của SCB tăng 35,9% trong năm 2012 và tăng 7% trong 2 tháng đầu năm 2013.

Thời gian đầu sau sáp nhập, SHB khá nặng gánh với khoản nợ xấu “khủng” mà Habubank “chuyển giao”. Tuy nhiên, khoản nợ xấu này giảm dần theo năm trong khi lợi nhuận được cải thiện dần.

Trong các ngân hàng “thay máu”, chỉ có ngân hàng Xây dựng là “chìm xuồng”. Sau khi hai sếp lớn của ngân hàng bị bắt, đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNBC với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.

Với chỉ mình VNBC gặp sự cố, có thể thấy chính sách “thay máu” của các ngân hàng đã phát huy hiệu quả.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn