Hậu duệ Thể Công: Mấy ai là tài năng sân cỏ

Thể thaoThứ Năm, 31/01/2013 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Trên thế giới, khi ngẫm về một tài năng sân cỏ đôi khi người ta tự hỏi liệu con người ấy đã để lại cho đời một giọt máu nào mang tài năng bóng đá?


(VTC News) - Trên thế giới, khi ngẫm về một tài năng sân cỏ đôi khi người ta tự hỏi liệu con người ấy đã để lại cho đời một giọt máu nào mang tài năng bóng đá hay không?


Và thực tế lại cho thấy có rất ít những trường hợp “hổ phụ sinh hổ tử”, kiểu như cha con Paolo Cesare Maldini lừng danh trên đất Italia. Vì vậy, khi thực hiện loạt bài về tượng đài Thể Công một thời, tôi cũng đã tự hỏi mình xem những “con cháu Thể Công” có rơi vào tình trạng trên?

Con nhà nòi

Trong “sổ tay” của tôi, con cháu Thể Công gắn bó cùng sân cỏ là không nhiều, nếu không muốn nói là ít hơn con em nhiều cầu thủ thuộc các CLB khác ở Việt Nam. Ít nhưng tinh đó là 2 trường hợp sau:

Một, đó là những cầu thủ họ Văn với vai trò tiền đạo đã góp phần làm nên chảo lửa thành Vinh. Vào khoảng giữa hai thế kỷ 20-21, tên tuổi Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy và cả nhà ông Văn Sỹ Chi cựu tuyển thủ Thể Công vang bóng.

Cả nhà họ Văn dồn sức người sức của lập công ty đào tạo bóng đá trẻ mang tên SVT, họ dời thành Vinh và Thanh Hoá về thị xã Cửa Lò, mỗi người một chức danh: Văn Sỹ Thủy là Giám đốc; ông Văn Sỹ Chi là Trưởng phòng Đào tạo; Văn Sỹ Hùng là HLV trưởng; Văn Sỹ Ngọc là trợ lý giám đốc và tài chính, con út Văn Sỹ Linh vừa là cầu thủ vừa trợ lý HLV.

Danh thVăn SHùng, con trai của cựu cầu thủ Thể Công Văn Sỹ Chi

Hai, là Lư Đình Tuấn là con của cựu cầu thủ Thể Công Lư Đình Phán. Tuấn vào Sài Gòn cùng gia đình sau năm 1975 và là cầu thủ bóng đá của đội Cảng Sài Gòn. Tuấn đoạt chức vô địch quốc gia mùa bóng 1993- 1994 và 1997, cùng Cúp quốc gia mùa bóng 92.

Cùng với đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, Tuấn tham dự SEA Games 91, 93 và 95 (đoạt huy chương bạc), và vòng loại World Cup 1994. Tuấn biệt danh Tuấn “nhím” và từng là HLV của đội bóng Sài Gòn Xuân Thành giúp đội bóng này thăng hạng V-League.

Con theo cha

Trung phong Nguyễn Bĩnh có 3 con trai. Con cả Nguyễn Tuấn không đá bóng và là HLV đội bắn súng của Thể Công, em trai Nguyễn Tú từng đá dự bị các vị trí hậu vệ và tiền vệ ở Thể Công còn chú út Quốc Trung đá hậu vệ Thể Công và lên tuyển, mạnh mẽ và giàu cá tính hơn cả ông bố.

Một ngày hè Hà Nội, xem hậu vệ Thể Công cản phá thành công tiền đạo xuất sắc của TP.HCM, Nguyễn Bính gật gù với tôi “Nếu là mình trước kia, qua được thằng này cũng khó đấy!”.

Huấn luyện viên Hứa Tấn Hỷ có con trai từng là HLV đội Cần Thơ (hạng Nhì).

Trung vệ Nguyễn Trọng Giáp có con trai Nguyễn Mạnh Dũng to cao đẹp trai hơn cả bố. Dũng đá dập và biên đều hay, chân trái cũng khéo và có những quả chuyền dài khá hợp lý. Tuy nhiên, anh chàng không khéo trong đối nhân xử thế nên chưa tạo ra được một sự nghiệp trên sân cỏ như người cha.

Trung vệ Mạnh Dũng, "sản phm" trứ danh của trung vệ huyền thoại Thể Công Nguyễn Trọng Giáp

Thủ môn Nguyễn Sơn của Thể Công có 2 con trai. Con lớn là Nguyễn Văn Tuấn sớm được thử lửa trong khung gỗ đội bóng mang áo lính song không lâu sau đã xuất khẩu lao động sang Đức, nhập hội cùng các liền chú liền anh bên ấy như Đỗ Văn Phúc, Danh Ngọc…Chú em là Nguyễn Văn Hải có dáng vóc cao lớn, từng đá (dự bị) ở đội Thể Công  sau này về công tác tại Cảng sân bay Nội Bài.

Thủ môn Trần Quốc Nghị (từ Thể Công chuyển qua Công an Hà Nội) có con trai Trần Quốc Tuấn đá Thể Công cùng lứa Hồng Sơn, Việt Hoàng, sau này chuyển về Cảng sân bay Nội Bài.

Duyên làm báo

Ông Ngô Xuân Quýnh đã để lại con trai Ngô Quang Tùng. Tùng yêu bóng đá và đi học Từ Sơn được đưa vào khoa cờ vua, tuy nhiên không xa bóng đá được nên sau này chuyển về Cảng Nội Bài rồi từ đó lần lượt tới VTV3, VTC và hiện tại đang làm ở kênh truyền hình Vietel, là một bình luận viên bóng đá giỏi.

BLV Ngô Quang Tùng, con trai của cĐại tá Ngô Xuân Quýnh, người chính trị viên mẫu mực của Đoàn bóng đá Thể Công.

Tiền vệ Vũ Mạnh Hải từng là phóng viên của báo Thể thao Việt Nam, sau là Tổng biên tập báo Bóng đá. Mạnh Hải có con trai Vũ Bảo Thắng từng đá tiền vệ Thể Công, sau đi làm báo Bóng đá theo bố. Em trai Bảo Toàn lại làm báo Thể thao Việt Nam sau chuyển đi báo Pháp luật & Đời sống.

Người của Thể Công ưa làm báo thật. Ngoài mấy gương mặt đã nói trên, khán giả xem truyền hình còn thấy mấy cầu thủ Thể Công bình luận bóng đá.

Đó là Đặng Phương Nam, Phạm Như Thun, chưa kể đến các vị khách mời vẫn lên sóng như các ông Nguyễn Văn Vinh, Trịnh Minh Huế, Vũ Mạnh Hải, đó là chưa kể tới BLV Vũ Huy Hùng của Đài Truyền hình Việt Nam, trước đây từng đá (dự bị) Thể Công. Vũ Huy Hùng là người có công trong việc tổ chức việc bình luận thể thao và bóng đá trên sóng VTV trong những năm THVN mới ra đời không lâu.


Ama Lâm

Bình luận
vtcnews.vn