Hào hứng chuẩn bị cho Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 28/10/2013 10:48:00 +07:00

(VTC News) - Sau tiếng hô “bắt đầu” của thầy giáo, các “chuyên gia nhí” hộc tốc bê rổ linh kiện về chỗ ngồi hí hoáy lắp ráp.

(VTC News) - Sau tiếng hô “bắt đầu” của thầy giáo, các “chuyên gia nhí” hộc tốc bê rổ linh kiện về chỗ ngồi hí hoáy lắp ráp.


Sau tiếng hô “bắt đầu” của thầy giáo, các “chuyên gia nhí” hộc tốc bê rổ linh kiện về chỗ ngồi hí hoáy lắp ráp. Chỉ một lát sau, những con robot tự hành đã bắt đầu công việc theo lập trình của mỗi nhóm, trên sa bàn “thành phố thông minh”.

Chỉ còn ít ngày nữa, cuộc thi Robothon Quốc gia năm 2013 do Liên danh DTT -Eduspec phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, với chủ đề: “Thành phố thông minh”. Năm nay, có sự tham gia của 48 đội tuyển trên khắp cả nước, do Liên doanh tập đoàn DTT-EDUSPEC tổ chức giảng dạy.

Đây là một trong những hoạt động nhằm từng bước đưa hoạt động giáo dục Robotics phát triển trong các trường tiểu học và THCS ở Việt Nam, tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục có tính khoa học, sáng tạo, đồng thời lựa chọn những đội tuyển xuất sắc nhất để chuẩn bị cho cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 diễn ra vào cuối tháng 11 tại Thủ đô Manila, Philippines.

Chúng tôi đã được chứng kiến không khí chuẩn bị rất khẩn trương, tuy nhiên cũng không kém phần sôi nổi hào hứng tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, một trường dân lập nổi tiếng ở Hà Nội. Năm nay, trường đặt mục tiêu vô địch cuộc thi.

Học sinh trường Đoàn Thị Điểm say mê lắp ráp robot 
Giáo viên hướng dẫn học sinh lập trình cho robot 

Thầy giáo Trần Văn Cường, chủ nhiệm lớp luyện đội tuyển cho biết, trường có 4 đội đi thi, mỗi đội 3 người, chia làm hai cấp độ: lứa tuổi 7-9 tuổi và 10-12 tuổi. Trong khi các lớp học về Robotics của trường có hàng trăm em, em nào cũng giỏi, nên lựa chọn rất khó khăn. Việc tuyển lựa rất gay gắt, với những tiêu chí rất cao.

Bình thường, các em trong đội tuyển chỉ học 2 tiết một tuần, nhưng cuộc thi sắp diễn ra, nên phải tăng cường học thêm, ôn luyện ngoài giờ để các em hoàn thiện kỹ năng ở mức tốt nhất.

Tất cả đều háo hức chờ đợi đến ngày tranh tài với các đội tuyển khác trên toàn quốc.

Trong những ngày này, các đội tuyển Robotics của trường tiểu học Vietkids, Mễ Trì B, Xuân Đỉnh… cũng đang tập trung rèn luyện tích cực để chuẩn bị cho cuộc thi Robotics Quốc gia 2013 diễn ra tại Đà Nẵng. Trường Vietkids và Xuân Đỉnh, mỗi trường có 5 đội tuyển tham gia, trường Mễ Trì B có 2 đội tuyển sẽ lên đường vào Đà Nẵng thi đấu. Trong những ngày này, các đội tuyển đã thi đấu với nhau, nhằm chuẩn bị tốt nhất cả về kiến thức lẫn tinh thần cho cuộc thi sắp tới.
Dường như, sự có mặt của những người lạ trong phòng Lab, trong đó có các phóng viên, không hề gây sự chú ý đối với các “chuyên gia nhí”. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào những con số, những sơ đồ phức tạp trên máy tính, và một rổ hàng trăm linh kiện khác nhau đã được chuẩn bị sẵn.

Sau tiếng hô “bắt đầu” của thầy giáo, những bàn tay nhỏ nhắn ngay tức khắc nhoay nhoáy với đống linh kiện, và chỉ vài phút sau, con robot của nhóm đã hoàn thiện.

Trong khi 2 “chuyên gia” lắp ráp, thì Đỗ Thái Minh Long (8 tuổi) lại cặm cụi với công việc lập trình của mình. Đây là công việc cực kỳ phức tạp, cài đặt phần mềm, “thổi hồn” cho con robot.

Em phải tính toán kỹ lưỡng về đường đi, tốc độc đi, khoảng cách, thực hiện công việc... chính xác đến từng milimet, rồi nhập những phần mềm đã được tính toán đó vào robot.

Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Minh Long đã là một lập trình viên ưu tú của đội tuyển. “Con rất mê tìm hiểu và học hỏi môn học sáng tạo này, bố mẹ con cũng rất khuyến khích. Con đang cố gắng lập trình để con robot của mình thực hiện công việc được nhanh nhất, qua đó sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi”, Minh Long hồ hởi nói.

Khi được hỏi về mơ ước sau này, Minh Long cho biết em sẽ nuôi khát vọng trở thành một chuyên gia chế tạo và lắp ráp robot.

Với tiêu chí của cuộc thi năm nay, các đội tuyển tham gia thi đấu sẽ sử dụng trí thông minh, tư duy sáng tạo của mình để lắp ráp, cài đặt robot nhằm giải quyết các vấn đề mà đề bài đưa ra, giúp thành phố của mình trở thành một “Thành phố thông minh”.

Các “chuyên gia nhí” không hề để ý tới phóng viên, đưa máy ảnh chụp cũng mặc kệ. Mọi sự quan tâm dồn hết vào màn hình máy tính và con robot.

Robot đã được ráp xong sau vài phút 
Thi đấu thử 

Chỉ vài phút, sau khi robot hoàn thành và đã được cài phần mềm, 4 đội chí chóe tranh nhau chạy thử sản phẩm của mình trên sa bàn. Do yêu cầu chính xác tuyệt đối, nên chỉ một sai sót nhỏ, công việc sẽ không thực hiện được, các nhóm lại lập tức sửa chữa, hoàn thiện robot.

Tôi ấn tượng với một cậu học sinh có cặp kính cận dày cộp, khuôn mặt thông minh, sáng láng, đang tỉ mỉ hí hoáy chỉnh sửa lại con robot. Cậu tên là Vũ Đình Tuân, học lớp 5 trường Đoàn Thị Điểm. Tuân theo học bộ môn này từ khi bắt đầu được đưa vào giảng dạy tại trường.

Tuân là “chuyên gia lắp ráp” có tiếng của đội. Với cậu, đây là công việc yêu cầu phải có trí thông minh và tính sáng tạo rất cao, rất bổ ích, được học thêm nhiều kiến thức mới. Tuy nhà xa, nhưng bố mẹ luôn ủng hộ, chăm sóc và đưa đón, cậu chưa bao giờ nghỉ một tiết học Robotics nào.

“Năm nay có nhiều đội mạnh, nhất là Đà Nẵng, Sài Gòn... và cả Hà Nội nữa, nhưng đội của cháu sẽ vô địch”, Tuân tự tin khẳng định.

Thầy Nguyễn Bá Tuấn, phụ trách công nghệ thông tin Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, môn học Robotics là tự nguyện, như các môn năng khiếu khác. Cho đến nay, đã có hàng trăm em tham gia và say mê học tập. Các em được học cả lý thuyết lẫn thực hành và được giảng dạy bởi các chuyên gia.

Trẻ em vốn rất thông minh, lanh lợi từ lớp 1. Vấn đề là cần khuyến khích phát triển tư duy logic của trẻ một cách phù hợp. Cách vừa học vừa chơi là phù hợp nhất.

“Các em đang rất háo hức và tích cực chuẩn bị kiến thức đầy đủ cho cuộc thi sắp tới. Sau cuộc thi này, đặc biệt là được giải, được tôn vinh, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ quan tâm, tìm hiểu và đầu tư hơn nữa cho con cái theo học”.

Robot là tác nhân đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước. Trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, ở đâu cũng cần có robot như: nông nghiệp, công nghiệp, logistics, quản lý Nhà nước, điều khiển giao thông, giám sát xuất xứ hàng hóa...

Với chủ đề “Thành phố thông minh” trong cuộc thi tới đây, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ khơi dậy phong trào học tập sáng tạo robot trên khắp đất nước. Qua đó, hy vọng học sinh sẽ có một môi trường học tập tích cực, ứng dụng môn tin học ngay từ lứa tuổi mầm non, tiểu học để hoàn thiện các kỹ năng học tập thế kỷ 21 và trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.
Chủ đề cuộc thi Robothon Quốc gia 2013 năm nay là “Thành phố thông minh”. Một vấn đề được đặt ra là trong vài thập kỷ tới, đô thị sẽ phát triển rất nhanh chóng về quy mô và tốc độ, và kéo theo hàng loạt vấn đề như xử lý các dòng dữ liệu khổng lồ từ các nguồn về thành phố và dân cư như: thảm họa thiên nhiên và khí hậu, chi phí sinh hoạt, tỉ lệ tội phạm, giao thông, giáo dục và các khía cạnh khác.

Vì vậy học sinh cần xây dựng giải pháp để giải quyết trước các vấn đề đặt ra là xây dựng một “Thành phố thông minh” mà ở đó có trung tâm chỉ huy mạng sẽ phân tích các dữ liệu được thu thập và hoạt động như một “não bộ trung ương” cho toàn thành phố.

Hệ thống không dây cho phép các phương tiện và cơ sở hạ tầng tương tác để cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng như môi trường, theo dõi chặt chẽ việc ứng phó và ngăn chặn tội phạm. Đường truyền thông tin bằng tia laser sẽ truyền dữ liệu nhanh gấp 1000 lần so với sóng radio, và việc xây dựng bãi để xe trên không sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trong đô thị.


Minh Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn