Hành trình xây dựng ngôi mộ trị giá 1,1 tạ vàng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 20/01/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Với số ruộng đất lên tới 24.000 công, chỉ cần thu hoạch một vụ, cả đời gia đình ông ăn không hết.


Như đã nói ở kỳ trước, ông Hà Mỹ Suông (Kiên Giang), chỉ là địa chủ, nhưng ông đã bỏ tiền mua chức hội đồng, nên được gọi là Hội đồng Suông.

Mặc dù giàu có vô biên, nhưng ông Hội đồng Suông lại không có con. Ông nhận nuôi người con của chị thứ 2. Người con đó tên là Thiềm Sơn.

Không phải con ruột, nhưng ông Thiềm Sơn coi ông Hội đồng Suông là cha ruột của mình. Tin tưởng con nuôi, nên trước khi qua đời, ông Suông giao lại toàn bộ gia sản cho ông Thiềm Sơn.

Đến đời ông Thiềm Sơn tiếp quản gia sản, thì ông Thiềm Sơn càng chú tâm làm việc thiện nhiều hơn. Với số ruộng đất lên tới 24.000 công, chỉ cần thu hoạch một vụ, cả đời gia đình ông ăn không hết.

Lăng mộ nhìn từ khu nhà thờ


Điều đặc biệt là ông Thiềm Sơn lại có công rất lớn với cách mạng. Vào năm 1940, ông Thiềm Sơn đã cắt hẳn 10.000 công ruộng cho cách mạng để có thóc nuôi quân. 9.000 công còn lại ông chia cho nhân dân trong vùng. Ông chỉ giữ lại 500 công đất, và sau này chia cho mỗi người con 100 công, đủ để sống dư dật cả đời.

Tuy nhiên, chiến tranh loạn lạc, những người con của ông Thiềm Sơn lưu lạc khắp nơi, nên ruộng đồng bỏ hoang, chẳng có người cày cấy. Người dân ở nơi khác tìm về vùng An Biên rồi cứ tự động lấy ruộng đó làm kế sinh nhai. Giờ ở đất An Biên chẳng còn hậu duệ của gia đình họ Hà này nữa.

Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Ẩn, cháu rể út của ông Thiềm Sơn, người được giao trông coi lăng mộ, do ông Hội đồng Suông rồi đời sau là ông Thiềm Sơn tặng cách mạng và nhân dân hầu hết ruộng đất, lại sống tốt với nhân dân quanh vùng, nên đại gia đình không bị đấu tố địa chủ.

Ông Thiềm Sơn đắp cả quả đồi để dựng mộ


Thập kỷ 30 của thế kỷ trước, khi có rất nhiều tài sản, không biết làm gì cho hết, lại tưởng nhớ công ơn nuôi dưỡng của cậu ruột, ông Thiềm Sơn đã nảy ra ý tưởng dựng một ngôi mộ cho cậu mình, mà ông gọi là cha.

Theo lời ông Thiềm Sơn kể lại, ngày đó, để tìm chỗ đặt mộ, ông phải nhờ đến hàng chục thầy địa lý. Nhiều thầy địa lý được mời từ Trung Quốc sang.

Với người Hoa, việc đặt mộ rất quan trọng. Họ tin rằng, khi tìm đất hợp long mạch, táng tổ tiên vào đó, thì đời sau sẽ tài lộc vững bền, thậm chí phát vương tướng. Thầy địa lý người Tàu đã chọn được mảnh đất hướng ra biển Đông.

Chọn được đất hợp ý, ông Thiềm Sơn đưa vàng bằng ghe từ An Biên ra Rạch Giá. Ông Thiềm Sơn kể với ông Ẩn rằng, khi đó, ông chở tổng cộng 6 thùng vàng. Theo tính toán, ước chừng tổng cộng là 3.000 lượng vàng, tức hơn 1,1 tạ vàng.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn bên phần mộ của ông Hà Mỹ Suông


Ông Nguyễn Ngọc Ẩn dẫn tôi ra phía sau ngôi nhà thờ, chỉ hồ nước rộng mênh mông phía xa. Theo lời ông Ẩn, ông Thiềm Sơn đã thuê hàng trăm nhân công đào 2 công đất, độ sâu tới 10m, để đắp một quả đồi và dựng mộ dựa trên quả đồi đó, để tạo thế tựa sơn hướng thủy.

Đứng phía sau gian thờ, chúng tôi mới thấy rõ sự kỳ công. Hình thù quả đồi vẫn còn cao chừng 15m sau 80 năm mưa nắng mài mòn.

Khát vọng của ông Thiềm Sơn không chỉ xây dựng ngôi mộ thông thường, mà ngôi mộ đó phải thể hiện được khí khái danh gia vọng tộc.

Điều nữa, là ngôi mộ phải thể hiện được những dấu ấn truyền thống dòng họ, nhưng vẫn mang phong cách Việt Nam, nơi đã cưu mang và giúp dòng họ ông hiển đạt.

Khu trung tâm phần mộ


Để làm được điều đó, ông đã cho người sang Phúc Kiến, tìm thuê 100 thợ dựng mộ tài hoa nhất vùng Phúc Kiến. Ông cũng cho người ra Bắc tìm kiếm những thợ xây mộ tài danh.

Các công trình trong khu mộ được phân chia cụ thể cho từng tốp thợ, để nhằm làm nổi bật sự hài hòa giữa hai nền văn hóa.

Việc chọn đá dựng mộ vô cùng cầu kỳ. Trong gia phả ghi rõ, những khối đá nặng cả tấn được mua tận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), được vận chuyển theo đường biển. Riêng đá cẩm thạch được mua ở mãi Italia, rồi vận chuyển mất mấy tháng trời mới về tới nơi.

Mặc dù xây dựng mộ cho cha mẹ, dòng họ hoành tráng, nhưng ông Thiềm Sơn lại chỉ được thờ ở căn nhà lá bên cạnh lăng mộ

Bàn thờ và di ảnh ông Thiềm Sơn


Thợ chạm khắc đá được mời từ Đà Nẵng vào làm việc nhiều năm ròng. Tất cả các khối đá đều được đục đẽo, mài dũa công phu bằng thủ công.

Các khối đá được ghép mộng khít vào nhau, mà không cần phải có chất kết dính.

Hoàn thành trung tâm lăng mộ, ông Thiềm Sơn đưa hài cốt tổ tiên từ An Biên ra táng vào lăng. Mộ vợ chồng ông Hà Mỹ Suông đặt ở vị trí trung tâm. 36 bộ hài cốt của 9 đời được táng vào tháp mộ, gọi là Long Đình.

Hồi khánh thành khu trung tâm lăng mộ, vào năm 1936, hàng vạn người dân khắp miền Tây kéo đến xem. Quan Pháp cũng ngựa xe từ Sài Gòn xuống chiêm ngưỡng và đều phải trầm trồ trước sự hoành tráng của công trình lăng mộ.

Mộ ông Thiềm Sơn giản dị phía ngoài lăng mộ


Khi đó, công trình lăng mộ này mới xong phần trung tâm. Ông Thiềm Sơn đứng trên quả đồi, chỉ tay 4 hướng và bày tỏ khát vọng tiếp tục đào hồ, đắp núi, xây dựng rất nhiều công trình xung quanh nữa, mới xứng tầm công trình tâm linh bậc nhất thế kỷ.

Tuy nhiên, khi công việc còn đang dang dở, thì ông Thiềm Sơn đột ngột qua đời trong một lần từ An Biên ra thăm lăng mộ.

Theo ông Ẩn, ông Thiềm Sơn đột tử ngay trên ghe. Mặc dù trên ghe có nhiều người phục vụ, có cả bác sĩ đi theo, nhưng đã không cứu được ông.

Khi đó, các thầy phong thủy nói rằng, do ông Sơn không làm mộ quay hướng Tây ra biển như lời họ dặn, mà quay hướng Nam, nên mới chết đột ngột như vậy!

Các thầy phong thủy cũng phán rằng, chính vì chọn sai hướng mộ, nên con cái đời sau của ông Thiềm Sơn tan tác, gia cảnh lụi bại, không còn như cha ông nữa. Hiện một số người con, cháu vẫn sống quanh ngôi mộ, nhưng trong những ngôi nhà lúp xúp, bình thường.

Ông Ẩn kể rằng, vì ông Thiềm Sơn không muốn ngôi mộ quay lưng ra đường cái, nên đã tự ý đổi hướng mộ.

Theo lời ông Nguyễn Anh Tuấn, cháu gọi ông Hội đồng Suông bằng cố, sau khi ông Thiềm Sơn mất, gia cảnh ngày càng sa sút, đến mức không có nhà ở, phải lấy ngôi mộ của tổ tiên làm chỗ ở. Ở khu mộ ấy, con cháu nuôi heo, nuôi gà, trồng rau để có cái ăn.

Quả thực, lăng mộ Hội đồng Suông là một công trình độc đáo, thể hiện trình độ chạm khắc tinh tế, sắc sảo của người thợ xưa. Chính vì thế, khu lăng mộ này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 1998.

Bình luận
vtcnews.vn