Hành trình vào thế giới “Nhớ” - “Quên”ở Tây Nguyên

Tổng hợpThứ Ba, 25/09/2012 08:14:00 +07:00

Hình như trong các nghi lễ lạ lùng đến kỳ diệu của con người Tây Nguyên vẫn ẩn chứa một triết lý nào đó thật uyên thâm đối với sự sống.

Hình như trong các nghi lễ lạ lùng đến kỳ diệu của con người Tây Nguyên vẫn ẩn chứa một triết lý nào đó thật uyên thâm đối với sự sống. Nhớ và quên, nói cho cùng đó là hai lẽ sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời.

Không biết nhớ thì hiển nhiên không thể là con người. Song sống mà không biết quên, không có những lúc biết quên đi đến mức “nẻ cả lỗ tai” thì cũng chẳng thể nào sống nổi trên cõi nhân gian biết mấy khổ đau, quá ư phức tạp này. Cuộc đời phải chăng lắm lúc đáng quên biết bao nhiêu, nhưng ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao…

Định mệnh của những người đàn ông…

Thật khó có thể tìm thấy người đàn ông Tây Nguyên ở nhà nếu một ngày nào đó bạn đến bất chợt. Ở Tây Nguyên, có một phong tục rất thú vị: Khi đứa bé trai sơ sinh vừa tròn tháng, người ta đặt nó nằm trên một chiếc chiếu giữa sàn nhà và vứt cạnh nó ba vật tượng trưng: một con dao, một mẩu gỗ nhỏ và một cây gậy. Đứa bé sẽ quờ tay chạm vào một trong ba vật ấy.

 
Nếu chạm đúng con dao, mai sau nó sẽ là một chiến binh dũng mãnh; chạm phải mẩu gỗ (tượng trưng cho chiếc gậy chỉ huy) nó sẽ trở thành một thủ lĩnh lớn, còn nếu chạm phải cây gậy thì chắc chắn sẽ trở thành một khách lữ miệt mài, mãi mãi lang thang trên những nẻo đường bất tận, đi tìm những điều mới lạ của cuộc đời. Tất nhiên Tây Nguyên không thiếu những chiến binh anh hùng và những thủ lĩnh lừng danh. Nhưng người ta thường bảo: Bọn bé trai sơ sinh, chúng nó mới tròn tháng tuổi mà đã sớm láu thế, hầu hết chúng nó đều nắm chặt lấy cây gậy, nhiều khi gỡ mãi cũng chẳng chịu buông ra.

Ở Tây Nguyên nơi đâu chẳng là rừng. Người đàn ông Tây Nguyên suốt đời ở trong rừng, hoặc đuổi theo một con thú, hoặc lần vết một đàn ong mật, hoặc lặn lội ngược những con suối đá lởm chởm và trơn trượt truy tìm tung tích một con cá chình núi, hay loay hoay chặt cây, vác đá nặng chặn đứng cả một dòng suối lại để tát cá, hoặc mải miết đuổi theo một con lợn rừng, một con kỳ đà, một con cúi, một con chuột... hoặc mải mê đi tìm một cây gỗ đẹp để làm tượng, tít tận trong rừng thẳm hay trên một đỉnh núi dốc ngược hoặc cũng không ít khi ở trong nhà, nhưng là nhà... một người họ hàng, một người bạn cố tri, hay cũng rất có thể một người bất kỳ một người nào đó cũng đang lang thang như chính anh ta.

Có lẽ khát vọng của Đam San đi tìm nữ thần mặt trời đã không ngừng tuôn chảy trong mỗi chàng trai nơi đây. Trên đường đi, người đàn ông Tây Nguyên dễ dàng kết bạn với một người không tên xa lơ xa lắc, sau đó la đà tán gẫu và hút rượu cần. Và lúc ấy thì chẳng cần biết trời đất là gì nữa, chẳng cần biết là đang ở trong không gian, thời gian nào nữa, cũng chẳng thèm nhớ đường về. Lúc ấy là cuộc lữ hành đã chuyển sang một thế giới khác, một không gian, thời gian khác, đó là thế giới “quên”.

 
“Định mệnh” của người đàn ông ở đây là thế. Họ là ở bên ngoài, là thuộc về ngoại giới, ở ngoài mới là ngôi nhà của họ. Ở nơi mà theo một nghĩa nào đó, con người không thật sự còn có “trách nhiệm” nữa, hay ít ra đã nhẹ trách nhiệm đi rất nhiều. Vì thế, ở Tây Nguyên người đàn ông, người cha là bên ngoại, chứ không phải là bên nội. Con cái không theo dòng máu của cha, không sinh ra cùng với tên họ của cha.

Ở đây cội rễ của sự sống không phải là người đàn ông. Người đàn ông chẳng là gì cả trong dòng chảy liền mạch vô thủy vô chung của các thế hệ. May mắn lắm thì anh chỉ là một cái thúc đẩy nào đó, một cú hích nào đó trong cơ chế tiếp nối linh thiêng ấy, chứ không phải là gốc rễ, cội nguồn quyết định của nó. Đứa con có thể không có cha, chứ không bao giờ không mẹ.

Và những người đàn bà Tây Nguyên

Ở đây người đàn bà mới là bên nội. Người đàn bà ở bên trong, là nội giới, là nhân tố quyết định của nội sinh, là chủ nhân đích thực của dòng chảy. Cho nên đàn bà là chủ của sự sống, người chủ của gia đình, là cội rễ, là rường cột. Chính người đàn bà giữ sự ổn định cho cuộc sống. Chính người đàn bà truyền dòng máu của mình cho các thế hệ nối tiếp, tức chính người đàn bà là người giữ bền chặt “chương trình” của sự sống, để cho sự sống không bị đứt đoạn, không bị “quên”.

 
Cho nên, nói theo nghĩa sâu nhất, người đàn ông là “quên”, còn người đàn bà là “nhớ”. Đàn bà giữ bền cái nhớ cho giống nòi.

Ở Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ ra vẫn chưa phải là một con người. Người ta phải thổi linh hồn vào cho nó thành con người. Và họ thổi linh hồn qua lỗ tai của nó. Vì thế mà có lễ thổi tai cho bé sơ sinh. Người thổi tai bao giờ cũng là người đàn bà, bởi như đã nói chỉ có bà mới giữ giềng mối của sự sống. Người đàn bà thổi tai thường là một người đã đứng tuổi - để cho cái nhớ được bền chắc. Họ cầm một cuộn chỉ bông, lấy ra từ chiếc xa quay, phun gừng mà bà đã nhai nát vào đó, rồi thổi bay lần vào cuộn chỉ đặt sát vào tai đứa bé. Vừa thổi vừa khấn:

Làm người, hãy nhận lấy hồn người đây

Con trai

Phải nhớ lấy cái cuốc

Phải nhớ lấy cái rìu

Phải nhớ lấy cái giáo giữ làng

Cái ná và ống tên

Con gái

Chớ quên chiếc xa cán bông

Cái go dệt vải

Chớ quên cái yết làm cỏ

Cái gùi suốt lúa

Giọt nước đầu làng

Và bếp lửa ủ ấm mẹ cha...

Từ “nhớ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và cơ quan của sự nhớ, cũng là của sự hiểu biết, thông tuệ, con đường đi vào của linh hồn, chính là lỗ tai. Qua nghi lễ này, ta có thể hiểu đối với những dân tộc chưa có văn tự, lời nói, sự nghe và cái nhớ quan trọng đến chừng nào. Nhớ chính là sống, bởi vì sống bao giờ cũng có nghĩa là sống cùng, nhớ có nghĩa là biết rằng mình là một khâu, một mắt xích không thể tách rời trong dòng chảy không bao giờ dứt nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến vĩnh hằng.

Trong tất cả các nghi lễ, người cầu khấn bao giờ cũng là người đàn ông. Duy có trong lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, tức sự sống cho sinh vật vừa sinh ra được chính thức thành người, người cầu khấn là người đàn bà. Bà là người tuyên ngôn của sự sống, người đàn bà nắm giữ bộ nhớ muôn đời của sự sinh tồn.

Đàn bà - người làm ra thứ thuốc quên kỳ diệu

Ở Tây Nguyên vốn có rất nhiều điều kỳ lạ - một mảnh đất không giống với bất cứ xứ sở nào. Đàn bà, nhân vật giữ chức năng thiêng liêng duy trì cái nhớ cho giống nòi đó, đồng thời cũng tác giả chế ra thứ thuốc quên kỳ diệu nhất của Tây Nguyên - rượu cần.

 

Cách thức một người đàn bà Tây Nguyên chế biến rượu cần là cả một giả kim thuật bí hiểm. Rượu cần được làm bằng những thứ thông thường nhất trong đời sống hàng ngày: gạo, ngô, sắn, hoặc một loại ngũ cốc nào đó, người ta bảo ngon nhất là rượu kê..., tất cả được nấu chín, giã nát ra, vê thành những viên nhỏ và trộn với men. Tât nhiên toàn bộ vấn đề là ở men. Men được chế bằng những thứ thảo mộc đặc biệt có khi là lá, có khi là rễ, cũng có khi là vỏ cây. Bí mật, chỉ có đàn bà biết, và chúng đều mọc trong rừng rất sâu như người ta nói, là chốn cư trú của các cô gái rừng, nửa là người nửa là thần linh và chức năng chủ yếu là mê hoặc con người. Hoặc đúng hơn, dắt dẫn con người vào một thế giới khác cái thế giới quá ư nhàm chán hàng ngày này của chúng ta.

Bột gạo, ngô, kê hay sắn trộn với thứ men tinh quái đó được ủ trên những chiếc mong phủ kín là chuối trong ba đêm liền. Trong ba đêm ấy, như một đoàn âm binh bí ẩn, men ngủ say. Đến ngày thứ ba, người đàn bà sẽ sàng mang nong ra đến cửa nhà, và đánh thức men dậy:

Nào, dậy đi

Ta ngủ say rồi

Giờ dậy thôi nà !

Ân cần, nâng niu như người mẹ đánh thức đứa con ngoan ngoãn, hiền lành. Nhưng ngay sau đó, người đàn bà lại đọc lời khấn trao cho rượu những nhiệm vụ quái lạ, tiếp đó các bà khấn thay cho người đàn ông, mong rượu ban cho sức mạnh và sự may mắn trong những cuộc tình.

Trên khắp thế gian, có ở đâu người ta trao cho rượu những chức năng ghê gớm như vậy không? Và lại chính là người đàn bà trao. Chỉ người đàn bà làm việc ấy. Đàn ông tuyệt đối không bao giờ đụng tay vào việc pha chế rượu cần. Đây là lĩnh vực riêng, thế giới riêng, bí quyết riêng, quyền lực riêng của các bà.

Trước khi đổ tất cả các món lá làm men kỳ lạ ấy vào ghè, người đàn bà còn bưng lấy chiếc mong mà quay tròn, hoặc đi vòng tròn quanh nong, vừa đi vừa như múa, để làm cho chất say của bà càng khiến người ta chóng mặt quay cuồng hơn. Và rồi người ta xếp các chóe rượu được ủ kín, xiết bao hấp dẫn, say mê ấy dọc theo vách nhà hoặc cũng có khi treo chúng lên trên các xà buộc vào cột  nhà, mở lớp lá phủ miệng, đổ nước, cắm cần vào...Và cuộc la đà bất tận của các ông và cả các bà nữa bắt đầu...

Cho đến tận lúc ấy, người đàn bà “phù thủy” của núi rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục khấn :

Này hỡi men say

Ngọt đắng cay nồng

Nẻ cả lỗ tai

Quên cả cháu khóc

Quên cả nấu cơm

Cho chồng !

Bây giờ đã là một thế giới khác, một vũ trụ khác, ở đó mọi cấm đoán, kiêng cữ, luật lệ thường ngày đều vô nghĩa, mọi sự đều được phép. Lẫn lộn tất cả, đảo lộn tất cả, xóa nhòa tất cả... Và ở Tây Nguyên, trong các cuộc say này, có một nguyên tắc nhất thiết phải theo: mọi người cùng say, không còn ai được tỉnh, không còn nhân chứng tỉnh táo nào nữa. Tất cả cùng đi vào một thế giới khác với những quy luật khác - thế giới ngự trị các quy luật của “quên”.

Bạn có để ý điều này trong lời khấn cuối cùng đã nhắc đến trên kia không: “Rượu cần ngọt đắng cay nồng” khiến người ta say đến “Nẻ cả lỗ tai”. Lỗ tai, như đã nói, là con đường đi vào của linh hồn, là cửa ngõ của cái nhớ, là cơ quan của sự thông tuệ. Người khai mở con đường ấy khi đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ để nó được trở thành người, người đem đến cái nhớ, điều kiện thiết yếu của sự sống, bằng lễ thổi tai, là người đàn bà. Và bây giờ, người làm cho cái cơ quan thiêng liêng ấy đến phải “nẻ” ra, người dắt người ta vào cõi quên đến tận sát ranh giới của tuyệt đối, khi con người sắp đánh mất cả bản nguyên của mình, cũng lại chính là đàn bà. Đàn bà Tây Nguyên là vậy đấy.

Một số người có hiểu biết sâu về Tây Nguyên đã thật tò mò ra sức tìm bí quyết của rượu cần nói rằng trong những thành phần lá cây lạ đa dạng và bí hiểm của vị phụ nữ ở đây dùng trong quy trình pha chế món men ghê gớm của họ, có một thứ không thể thiếu là củ riềng. Thậm chí người ta còn bảo chính củ riềng là tác nhân chính của sự say đến chẳng còn biết trời đất là gì nữa như ta đã thấy.

Lại một điều lạ nữa: gừng và riềng, hai giống thật gần nhau, như là hai biến thể gần gũi đến có thể nhầm làm một của cùng một họ hàng thảo mộc. Vậy mà gừng thì mở đường cho sự nhớ (trong lễ thổi tai), còn người anh em của nó là riềng lại là vị thuốc tuyệt diệu dắt chúng ta vào cõi quên mịt mùng.

Trở lại Đắc Lắc sau hơn 10 năm xa cách, tôi lại được dự một đêm rượu cần truyền thống. Lửa bập bùng, chiêng ngân rung. Nhớ lắm những gì đã xa, nên khi gặp lại thì rượu đã ngấm mà mắt cứ cay cay, cho dù thứ rượu hôm ấy đã khác xưa nhiều rồi.

(Còn tiếp...)

Nguyễn Lưu - Y Moan 


 




Bình luận
vtcnews.vn