Hành trình 'hô biến' đống sắt vụn của Dương Chí Dũng

Pháp luậtThứ Sáu, 18/10/2013 09:00:00 +07:00

(VTC News) – Dương Chí Dũng đã cùng với đồng phạm "hô biến" ụ nổi là đống sắt vụn thành "hàng hiệu" để tham ô 1,6 triệu USD như thế nào?

(VTC News) – Dương Chí Dũng đã cùng với đồng phạm "hô biến" ụ nổi là đống sắt vụn thành "hàng hiệu" để tham ô 1,6 triệu USD như thế nào?

Liên quan đến 2 căn hộ chung cư bị can Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) dùng tiền tham ô mua cho “bồ nhí”, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã kê biên tài sản này.

Trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng khai ông ta đã cho tiền để 'bồ nhí' mua 1 căn hộ tại tòa tháp B tòa nhà Skycity (số 88 Láng Hạ) và một căn hộ tại tầng 8 tòa nhà Pacific (phố Lý Thường Kiệt). Khi mua căn hộ ở tòa tháp B tòa nhà Skycity, người phụ nữ có đóng góp 600 triệu đồng.

Tài liệu điều tra thể hiện hai căn hộ này đứng tên 'bồ nhí' nhưng tiền mua là do Dũng đưa, vì vậy, cơ quan điều tra đã kê biên 2 căn hộ này.

Tòa nhà Pacific Place nơi Dương Chí Dũng mua nhà cho 'bồ nhí'.
Đối với nhà riêng của Dương Chí Dũng tại phố Nguyên Hồng (phường Láng Hạ), cơ quan điều tra xác định đây là tài sản riêng của vợ chồng ông Dũng nên cũng đã kê biên căn nhà này.

Tài liệu điều tra cũng xác định hành vi tham ô chiếm đoạt 1,6 triệu USD của Dương Chí Dũng cùng đồng bọn là đã cùng tính toán để mua “khối sắt vụn” với giá đắt như vàng sau đó chia chác nhau theo tỉ lệ thỏa thuận.

Theo đó, mặc dù biết rõ ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản bị hư hỏng nặng, bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp không cho hoạt động từ năm 2006 thuộc chủ sở hữu là Công ty Nakhodka chào bán dưới 5 triệu USD nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo cho Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và Mai Văn Khang (thành viên đoàn giám sát) phải hợp thức thủ tục để mua bằng được ụ nổi 83M qua Công ty AP.

Sau đó, Dũng ký quyết định phê duyệt, trong đó chấp thuận giá mua ụ nổi là 9 triệu USD để Mai Văn Phúc đại diện ký hợp đồng. Ông Goh Hoon Seow – Giám đốc Công ty AP khai nhận rằng, trong việc bán ụ nổi 83M, ông chỉ là người môi giới, làm thủ tục giúp Công ty Nakhodka bán cho Vinalines.
Dương Chí Dũng
Dương Chí Dũng và "khối sắt vụn" 83M.
Khi đến Việt Nam, ông Goh trực tiếp đàm phán, giao dịch với Ban quản lý dự án. Trong thời gian này, ông Goh có gặp riêng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tại trụ sở Vinalines.

Ông Goh thừa nhận, trước khi Vinalines ký hợp đồng với Công ty AP, giữa AP và Công ty Global Success đã ký bản thỏa thuận quy định việc sử dụng 6 triệu USD tiền bán ụ nhận từ Vinalines như sau:

Chuyển tiền mặt cho ông A.prikhodko 1,134 triệu USD, chuyển 1,666 triệu USD cho một bên thứ ba do ông A.Prikhodko chỉ định. Số tiền 3 triệu USD còn lại được trả cho Công ty Nakhodka 2,3 triệu, Công ty AP được hưởng 700.000 USD.

Theo bản thỏa thuận và yêu cầu của ông A.Prikhodko, ông Goh đã chuyển 1,666 triệu USD vào tài khoản Công ty Phú Hà, TP Hải Phòng qua ngân hàng UOB chi nhánh TP.HCM.

Ông Goh không biết Công ty Phú Hà và cũng không biết Công ty Phú Hà thực hiện công việc gì liên quan đến việc mua bán ụ nổi 83M.

Bị can Trần Hải Sơn – người vận chuyển số tiền tham ô đã khai nhận rằng, khoảng đầu tháng 3/2008, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với Công ty AP, ông Goh đã gặp Sơn tại trụ sở Vinalines và nói rằng “ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền lại quả, tôi đã thống nhất với ông Dũng và Phúc rồi, các ông ấy nói rằng giao cho ông số tiền lại quả là 1,666 triệu USD”.
Dương Chí Dũng
Số tiền tham ô Dũng chỉ đạoTrần Hải Sơn: “Chia theo tỷ lệ 10 tỷ cho anh, 10 tỷ cho anh Phúc, còn lại cho em”.  
Sau đó, Sơn đến phòng làm việc của Dương Chí Dũng thông báo lại và được Dũng chỉ đạo: “Chia theo tỷ lệ 10 tỷ cho anh, 10 tỷ cho anh Phúc, còn lại cho em”.

Sau khi nghe chỉ đạo của Dương Chí Dũng, Sơn hiểu trong việc mua bán ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng đã có thỏa thuận “ngầm” để Công ty AP bán được ụ nổi 83M đã hư hỏng cho Vinalines với giá cao và ông Goh phải chuyển lại số tiền lại quả là 1,666 triệu USD cho Dương Chí Dũng.

Trong quá trình chuyển số tiền tham ô, ông Goh yêu cầu Sơn cung cấp một địa chỉ công ty và tài khoản Công ty này tại Ngân hàng UOB chi nhánh TP.HCM để Công ty AP chuyển tiền.

Lúc này, Sơn đã nhờ bà Trần Thị Hải Hà cho mượn tài khoản Công ty Phú Hà mở tại ngân hàng UQB để nhận tiền. Sau khi nhận được tiền vào ngày 18/6/2008, Sơn đưa Dương Chí Dũng 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng, cho Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng nhằm trả công, đưa Trần Hữu Chiều 500 triệu, số còn lại Sơn sử dụng cá nhân.

Khi đưa tiền cho Dương Chí Dũng, Sơn đưa làm 2 lần, mỗi lần 5 tỷ đồng, lần thứ nhất Sơn gặp Dương Chí Dũng tại khách sạn Victory, TP.HCM và gọi điện bảo rằng “Em gặp bác để chuyển ít quà” rồi Sơn đưa vali đựng tiền cho Dương Chí Dũng.

Số tiền 5 tỷ đồng còn lại được Sơn chuyển đến nhà riêng của vợ Dương Chí Dũng ở Hải Phòng khoảng 3 tuần sau đó.

Kết quả điều tra xác định, ông A.prikhodko và Công ty Global Success là công ty của Nga, có chi nhánh tại Hong Kong được nhận 4,334 triệu USD do công ty AP chuyển từ nguồn tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M.

Cơ quan điều tra đã thông quan Interpol Việt Nam đề nghị được trực tiếp thu thập tài liệu tại Nga và có văn bản ủy thác đề nghị nhà chức trách Nga phối hợp thu thập tài liệu nhưng hiện chưa có kết quả, cơ quan điều tra đang tiếp tục xem xét, xử lý.


Hiện cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn thiện hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố Dương Chí Dũng cùng 9 bị can khác tại Vinalines về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản.





Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn