Hành trình giải cứu nữ sinh bị lừa đến Angola bán dâm

Thời sựThứ Ba, 09/04/2013 03:50:00 +07:00

Nhẹ dạ nghe theo lời kẻ xấu để sang Angola “giúp việc” với mức lương khủng, khi vừa đặt chân đến xứ người, T. liền bị ép bán dâm.

Nhẹ dạ nghe theo lời kẻ xấu để sang Angola “giúp việc” với mức lương khủng, khi vừa đặt chân đến xứ người, T. liền bị ép bán dâm.

Cho đến nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nhiều người vẫn tìm đến Angola để lao động, vì trên thực tế, đây là mảnh đất màu mỡ.

Cũng vì thế, một số đối tượng đã lợi dụng, đưa người xuất khẩu trái phép sang Angola. Với chiêu bài “sang giúp việc”, một số đối tượng đã lừa các cô gái sang đó để ép hoạt động mại dâm.

Tan giấc mơ hoa

20 tuổi, cô bé T.T.T. ( huyện Thạch Hà) đang là sinh viên một trường Cao đẳng ở TP Hà Tĩnh. Chỉ còn 1 năm nữa , ước mơ nhỏ bé: học xong ra trường kiếm việc làm giúp đỡ gia đình của cô sẽ thành hiện thực.

Hộ chiếu của T. được ông Sơn, bà Xuyến trực tiếp đưa đi làm. 

Thế nhưng, ước mơ nhỏ nhoi đó đã thay đổi khi có người giới thiệu cho T. đi Angola với mức lương cao, để rồi T. đã phải trải qua những ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời ở xứ người.

Tháng 9/2012, một người “bạn thân thiết” của chị L. (mẹ của T.) tên là Đào Lệ Xuân (SN 1971 ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) đến nhà, thông tin: vợ chồng ông Sơn và bà Nguyễn Thị Xuyến ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh đang cần tìm người sang Angola làm nghề giúp việc cho quán ăn với mức lương 1.000USD.

Đang là sinh viên nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình túng thiếu, T. xin bố mẹ cho “xuất ngoại” với ước mong kiếm được khoản tiến kha khá giúp đỡ cuộc sống gia đình.

Qua giới thiệu của Xuân, bố mẹ và T. tiếp xúc, ký hợp đồng lao động với ông Sơn, bà Xuyến để con gái ông bà được sang “phục vụ bàn trong nhà hàng”. Mọi chi phí do phía ông Sơn, bà Xuyến chi trả.

Ngày 8/3/2013, T. cùng chị Xuân và 2 người phụ nữ tên Th. ở huyện Thạch Hà và L. ở huyện Kỳ Anh lên máy bay xuất ngoại.

Trưa 9/3, máy bay hạ cánh ở Angola. 4 người phụ nữ được chị H. (con gái ông Sơn, bà Xuyến) đón về nhà hàng ở thủ đô Luanda.

Về đến “đại bản doanh”, T. ngỡ ngàng khi đó chỉ là một cái quán ăn nhỏ, chỉ có 1 người bảo vệ kiêm đầu bếp, 1 người phục vụ bàn ăn và bà chủ. Các cô gái đưa mắt nhìn nhau, lo ngại.
Hai mẹ con chị T. đang trình bày với phóng viên. 

Và, lo sợ của các cô gái thành hiện thực khi ngay tối hôm đó, bà chủ H. triệu tập cuộc họp, nói rõ: “Sang đây làm công việc khác là thứ yếu, việc chính là “tiếp khách” – làm gái bán dâm".

Choáng váng, T. cầu cứu nhưng bất lực. Khóc lóc, van xin, thậm chí T. dọa tự vẫn cũng không được chấp nhận. Bà chủ lạnh lùng nói: Mỗi người sang đây tôi tốn 6.000 USD, phải vui vẻ làm để trả nợ nếu không tôi bán sang động khác.

T. càng thêm hoảng loạn khi đêm hôm đó, Dung (người làm ở đây đã được gần 2 tháng, quê ở Kỳ Anh) khẳng định việc bán dâm và cho biết: không còn sự lựa chọn nào khác.

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Đau đớn, hoảng loạn, T. gọi điện về cho mẹ. Lúc này chị L. đang ở Hà Nội cùng bà Xuyến. Ngay lập tức, chị và người nhà “giữ” bà Xuyến lại và buộc bà Xuyến phải gọi điện sang Angola nói với H. không được bắt T. phải làm gái mại dâm.

Đồng thời, chị L. gọi điện sang Angola nhờ người tìm cách cứu T.

Tuy nhiên, do ở Angola, H. là một “chủ chứa” có số má, có mối quan hệ rộng và rất dữ dằn nên việc cứu T. là rất khó khăn.

Cũng may, gia đình chị gái chị L. ở Hà Nội có mối quan hệ tương đối rộng lớn, thân thiết với một số người đang làm ăn ở Angola. Và, một người “ân nghĩa” đã chấp nhận “giải cứu” cháu T.

Phương án, cách thức, thời gian, địa điểm đều được tính toán chi li, thống nhất. Phía trong, T. thường xuyên kêu khóc, tỏ ra mệt mỏi để kéo dài thời gian.

Các cuộc điện thoại, tin nhắn đều được thực hiện vào đêm khuya hoặc khi “bà chủ” đi vắng.

Chiếc hộ chiếu được cất giấu cẩn mật và mọi thông tin trốn chạy không được tiết lộ với bất kỳ ai. Phía ngoài, thường xuyên có một chiếc xe do một người bản địa điều khiển phục sẵn chờ cơ hội.

Mãi đến trưa ngày 12/3, lợi dụng sơ hở của bà chủ, T. mới thoát được ra ngoài và lao lên chiếc xe đã chờ sẵn. Người giải cứu đưa T. đi trốn và đến ngày 19/3, khi cảm thấy an toàn, thì em lên máy bay về Việt Nam.

Gặp lại gia đình, T. mới biết thực sự mình còn sống. Ôm con vào lòng, mẹ T. khóc hết nước mắt. Chỉ mới mấy ngày thôi mà cuộc gặp gỡ như 10 năm xa cách.
Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Việc làm – ATLĐ, Sở LĐTB &XH Hà Tĩnh: Đến nay, Chính phủ VN và Angola chưa ký Hiệp định hợp tác về XKLĐ, vì vậy, mọi tổ chức, cá nhân đưa người đi XKLĐ sang Angola đều là bất hơp pháp.

Tuy nhiên, vì mục đích kinh tế, người lao động vẫn tìm đến các cò mồi để tìm cách di cư trái phép sang Angola. Theo thông tin chúng tôi có được, hiện ở Angola có khoảng 4.000 lao động Việt Nam sang bằng con đường du lịch hoặc thăm thân có thời hạn, sau đó trốn ở lại tìm kiếm việc làm.

Chúng tôi khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu rõ thị trường và đi theo những con đường chính thống. Bởi hiện nay, đối với người lao động Việt Nam ở Angola thì mọi quyền lợi về kinh tế, pháp lý và ngay cả tính mạng, sức khỏe không được pháp luật bảo vệ vì Chính phủ 2 nước chưa ký Hiệp định hợp tác lao động.




Theo Thăng Long – Duy Tuấn/Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn