Hành trình 'cá chép hóa rồng' của Microsoft

Kinh tếChủ Nhật, 13/03/2016 12:40:00 +07:00

Hành trình 'cá chép hóa rồng' của Microsoft

Chính quyết định giữ lại DOS - tiền thân của nền tảng Windows - đã giúp Microsoft trở thành một trong những gã khổng lồ công nghệ của thế giới.

Năm 1980, Bill Gates đưa ra quyết định được cho là quan trọng và sáng suốt nhất đời mình khi từ chối bán bản quyền hệ điều hành đầu tiên cho gã khổng lồ IBM. Thay vào đó, chàng trai trẻ đã “dựa hơi” các ông lớn để xây dựng nên đế chế hùng mạnh sau này.

Thời điểm đó, Microsoft chỉ là công ty khởi nghiệp ít tên tuổi nhưng được IBM quan tâm và ký thỏa thuận mang nền tảng DOS lên dòng máy tính sắp tới của mình. Đúng như kế hoạch, “Big Blue” tung ra sản phẩm năm 1981 và nhanh chóng trở thành hiện tượng, vượt qua cả thế hệ máy tính hàng đầu Apple II.

Nhưng các đối thủ cũng kịp “ăn theo” với việc ra mắt loạt máy tính nhái “IBM Compatible” giống với bản gốc, có thể chạy các phần mềm tương tự và sử dụng ổn định khi nâng cấp phần cứng.
Bill Gates đã có quyết định sáng suốt khi không bán DOS cho IBM.
Bill Gates đã có quyết định sáng suốt khi không bán DOS cho IBM. 
Để tạo ra những PC nhái như vậy, họ cần DOS và phải trả tiền cho Microsoft nhưng không thể mua “đứt” hệ điều hành này.

Từ một công ty khởi nghiệp, Bill Gates nắm bắt cơ hội để trở thành người lĩnh xướng cho cuộc cách mạng máy tính. Trong đó, DOS giữ vai trò quan trọng làm bàn đạp cho mọi thành công sau này của Microsoft.

36 năm sau, thế giới ghi nhận sự bùng nổ của điện thoại thông minh với hai ông lớn Apple và Google thay nhau thống trị. Nhưng Microsoft lại tỏ ra chậm chạp và thiếu nhạy bén trong việc tập trung vào nền tảng hệ điều hành di động.

Đấy là lý do tại sao hãng từ chỗ sốt sắng với các dịch vụ đám mây bỗng bất ngờ chuyển sang tham gia sản xuất phần cứng như HoloLens, Lumia hay Surface. Nếu không xuất hiện một IBM mới với thiết bị đủ tầm tạo tiền đề như năm 1981, Microsoft buộc phải tự mình xây dựng nó.

Cú chuyển mình của gã khổng lồ

iOS và Android đang chiếm lĩnh thị trường di động. Apple với điểm tựa iPhone trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, trong khi Android của Google là hệ nhiều hành di động phổ biến nhất.
HoloLens trở thành sản phẩm chiến lược của Microsoft.
HoloLens trở thành sản phẩm chiến lược của Microsoft. 
Trâu chậm uống nước đục. Microsoft hiểu rằng, mình không thể ngốn thêm tiền như thời kỳ “bết bát” với điện thoại chạy Windows Phone, thay vào đó phải tự tạo cho mình lối đi riêng.

Chính với suy nghĩ như vậy, công ty bắt đầu tự sản xuất phần cứng và chọn lĩnh lực khoa học viễn tưởng làm đích ngắm giữa lúc thị trường PC sụt giảm nghiêm trọng. Thực tế, những nỗ lực của hãng đã bắt đầu năm 2012, khi chiếc Surface đầu tiên ra mắt. Tiếp đến là thiết bị lai Surface Pro và máy tính xách tay Surface Book vô cùng linh hoạt.

Nhưng HoloLens mới mang tới nhiều triển vọng cho Microsoft. Rất có thể, đây sẽ là thiết bị thực tế ảo đầu tiên được thương mại hóa để xác lập vị thế của hãng. Giữa Surface và HoloLens đều mang nét chung khi tạo nên cuộc đua sôi động trên thị trường và khiến các tên tuổi khác phải bắt chước.

Samsung, HP và nhiều nhà sản xuất khác đang xây dựng thiết bị giống Surface, bên cạnh những Asus, Intel cố tạo ra phiên bản HoloLens nhái. Quan trọng hơn cả, chúng đều chạy hệ điều hành Windows 10.  

Đâu mới là đích ngắm của Microsoft?

Vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp thu về khoản lợi nhuận khá thấp khi tham gia xây dựng phần cứng. Để tạo ra một chiếc máy tính đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu và xây dựng các bộ phận chuyên biệt. Ngay như Dell cũng chỉ đạt mức lợi nhuận 3% và Ford là khoảng 7%.

Trong khi đó, Microsoft sở hữu lợi thế về phần mềm, lĩnh vực vốn thu lời cao hơn nhiều so với phần cứng. Thời kỳ đỉnh cao năm 1999, công ty đạt mức lợi nhuận lên đến 51,7% và nhường miếng bánh nhỏ cho các công ty như IBM, Dell, HP hay Compaq sản xuất máy tính. Sau tất cả, hãng vẫn thu về khoản tiền khổng lồ từ việc bán bản quyền Windows.

Surface và máy chơi game Xbox One đang tăng trưởng mạnh, nhưng Microsoft vẫn khẳng định tương lai nằm ở Windows 10 và các dịch vụ điện toán đám mây. Rõ ràng, phần cứng chỉ nắm giữ vai trò thứ yếu làm đòn bẩy cho những kế hoạch tiếp theo.

Gã khổng lồ xứ Redmond sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ đáng gờm trên thị trường, đặc biệt ở lĩnh vực thực tế ảo. Nhưng nếu thành công, Microsoft đủ sức tạo ra cuộc cách mạng mới giống như từng làm những năm thập niên 1980.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn