Hành trình 18 năm chiến đấu với bệnh xương thuỷ tinh của nam sinh ĐH Bách khoa

Diễn đànThứ Ba, 27/10/2020 13:14:10 +07:00
(VTC News) -

Nam sinh xương thuỷ tinh Nguyễn Đức Quân chinh phục ước mơ đỗ ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội với 26,6 điểm khối A, dù được tuyển thẳng.

6h sáng, tân sinh viên Nguyễn Đức Quân (Hải Phòng) thức dậy trong căn phòng 102 nhà B6, khu ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị lên giảng đường. Sáng nay, Quân có tiết học đầu tiên lúc 7h.

Quân mắc bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, mọi hoạt động sinh hoạt, di chuyển hàng ngày đều cần người giúp đỡ. Với những sinh viên bình thường khác thì chỉ cần 10 phút để hoàn thành vệ sinh cá nhân, nhưng với Quân vì không thể tự di chuyển được nên việc này mất khá nhiều thời gian.

Đánh răng xong, Quân nhờ bác ruột (từ quê lên Hà Nội chăm sóc Quân) giúp thay quần áo và chuẩn bị tài liệu học tập.

Không đầu hàng số phận

7h sáng, chuông báo đến giờ vào lớp vang lên, cũng là lúc Quân vừa ổn định chỗ ngồi. Đây là tuần học thứ hai của cậu tân sinh viên ngành Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trái ngược với lo lắng bố mẹ sợ con đi học xa nhà sẽ buồn, Quân cảm thấy môi trường đại học rất vui. Cậu quen nhiều bạn học mới và được tham gia nhiều câu lạc bộ ở trường như câu lạc bộ tiếng Anh, cờ vua. Việc này khiến cậu quên đi những nỗi buồn khi xa nhà và mặc cảm về bản thân.

Bị bệnh xương thuỷ tinh thể nhẹ, ngay khi lọt lòng mẹ, Quân đã bị gãy tay trái, thể lực yếu, gào khóc ngày đêm không ngớt. Chưa đầy tháng sau sinh, Quân tiếp tục bị gãy xương đùi bên trái trong lúc đang thay quần áo. Cứ thế, tuổi thơ của Quân gắn nhiều với bệnh viện nhiều hơn là lớp học. 

Hành trình 18 năm chiến đấu với bệnh xương thuỷ tinh của nam sinh ĐH Bách khoa - 1

Nam sinh xương thuỷ tinh Nguyễn Đức Quân, Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Đến 6 tuổi, do tình trạng xương cải thiện hơn nên Quân có thể đến trường cùng các bạn đồng trang lứa. Nhưng đi kèm với đó là bố mẹ luôn phải túc trực đưa đón mỗi ngày và hạn chế di chuyển ra khỏi bàn học, tránh vui đùa để hạn chế va mạnh với các bạn cùng lớp. Vì chỉ cần không may bị xô ngã thì Quân có thể sẽ phải tiếp tục nằm viện vài tháng, gián đoạn việc đi học.

Quân tự nhận, bản thân là người luôn lạc quan. Thay vì buồn rầu không thể di chuyển ra ngoài sân trường chơi, em tự sáng tạo ra những trò chơi để thu hút các bạn học sinh cùng lớp. Các bạn cứ thế ríu rít bên những trò chơi của Quân, khiến cậu quên đi mặc cảm.

Tuổi học trò của Quân cứ thế thong dong trên yên xe máy cũ của mẹ, sáng đưa đi học, trưa đón về nhà ăn cơm, chiều lại tiếp tục tới trường. Thấu hiểu được sự vất vả, khó nhọc của mẹ, Quân luôn cố gắng học tập, lấy kết quả làm mẹ vui lòng.

Năm lớp 9, trước khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, Quân bị vấp ngã ngay trước cửa phòng thi. Cậu chỉ nghĩ đó là bị chuột rút và vẫn cố gắng "lết" vào phòng để hoàn thành bài thi. Với cậu đây không chỉ là kỳ thi học sinh giỏi mà đó còn là mơ ước và cũng là món quà sinh nhật cậu dự định dành tặng mẹ.

Cơn đau ở đùi trái ngày càng dữ dội, Quân dự cảm chẳng lành nhưng cậu vẫn cắn răng chịu đựng để hoàn thành bài thi của mình thật nhanh. Hoàn thành bài thi học sinh giỏi môn Toán trước thời gian 30 phút, Quân vội vàng kêu lên và cầu cứu sự giúp đỡ của thầy cô.

Quân nhập viện cấp cứu. Bác sĩ thông báo cậu bị gãy xương đùi trái và lần gãy này nặng hơn rất nhiều so với lúc mới sinh, bắt buộc phải phẫu thuật để xếp các mảnh vỡ xương lại với nhau.

Ngày nhận kết quả thi, Quân vẫn đau đớn nằm trên giường bệnh. Cô giáo thông báo cậu đạt điểm tuyệt đối 300/300- giải Nhất học sinh giỏi môn Toán cấp trường. Nhưng đáng tiếc là cậu không thể tham gia học sinh giỏi cấp quận/huyện vì tình trạng sức khoẻ tiến triển không mấy khả quan.

Gần 4 tháng nằm bất động trong bệnh viện, may mắn bác sĩ cho Quân về nhà để điều trị. Hàng ngày cô giáo và các bạn thay phiên nhau mang sách vở đến giảng lại bài cho Quân. Dù nằm viện rất lâu nhưng Quân quyết không bỏ bất cứ bài học nào, kết quả học tập cuối năm lớp 9 của cậu đứng đầu lớp. Nhờ đó, Quân được tuyển thẳng vào lớp tài năng Toán của trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng).

Ngoài thành tích học tập luôn đứng top đầu, Quân sở hữu một bảng thành tích đáng nể với các giải thưởng môn Toán, tiếng Anh và cờ vua cấp thành phố. Năm lớp 12, Quân đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học cấp thành phố với đề tài: “Khai thác ứng dụng của Internet xây dựng mô hình tự học môn toán nhằm phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện cho học sinh THPT”.

Đó cũng là lý do vì sao Quân quyết tâm thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội để viết tiếp ước mơ có thể trở thành kỹ sư máy tính, tin học trong tương lai. "Nghề này chỉ cần ngồi một chỗ, không phải di chuyển quá nhiều, công việc chủ yếu là các thao tác trên máy tính. Em tin bản thân mình phù hợp với nghề này. Em sẽ cố gắng sống tự lập để cho bố mẹ bớt những nỗi lo", nam sinh tâm sự.

Hành trình 18 năm chiến đấu với bệnh xương thuỷ tinh của nam sinh ĐH Bách khoa - 2

Đức Quân nói chuyện với mẹ thông qua video call mỗi ngày.

Niềm vui trò chuyện với mẹ mỗi ngày

11h trưa, sau khi hoàn thành 4 tiết học, Quân trở về phòng ký túc xá để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho những tiết học buổi chiều. 

Chuông điện thoại của Quân reo lên. Quân hào hứng khoe: "Mẹ em gọi này, chắc là sẽ hỏi ăn cơm chưa?". Đúng như cậu dự đoán, câu hỏi đầu tiên của chị Trần Thị Thập - mẹ Quân là "Con ăn cơm chưa. Đi học hôm nay thế nào?". Hai mẹ con cứ thế vui vẻ kể về những câu chuyện trong lớp học.

Nhớ lại ngày mới sinh Quân, cũng như bao người mẹ khác hồi hộp chờ đợi tiếng khóc đầu đời của con, nhưng sau đó chị Thập phải nuốt nước mắt vào trong khi bác sĩ thông báo con bị mắc bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh. Thời điểm đó, vợ chồng chị Thập dồn hết các khoản tiết kiệm để bế con đi hết bệnh viện nọ, đến bệnh viên kia tìm cách cứu chữa.

Chị quyết định xin nghỉ việc ở công ty da giày Hải Phòng, dồn toàn lực chăm lo cho con. Chị thà hy sinh bản thân để con được sống, được lớn lên còn hơn là đầu hàng số phận.

Mắc bệnh xương thủy tinh, Quân không thể tự đi lại, chỉ sơ sẩy chút là bị gãy xương. Bố mẹ cứ thế trở thành đôi chân để cậu con trai được tới trường như bạn bè đồng trang lứa.

Chị nhớ lại, dù mắc bệnh xương thuỷ tinh nhưng Quân rất thông minh và ham học hỏi. Khi mới lên 4 tuổi, chị mua cho con bảng chữ cái tập làm quen. Chị ngạc nhiên vì Quân tiếp thu rất nhanh, chưa vào lớp 1 mà con đã biết phát âm chữ cái và ghép vần những chữ đơn giản. Thấy con như vậy, quyết tâm của người mẹ lại càng mãnh liệt hơn, chị Thập tự nhủ: "Dù có phải bán cả nhà cũng phải nuôi Quân đến hết đại học".

Vì lý do sức khỏe, không thể đi học thêm để nâng cao kiến thức, Quân tự học ở nhà sau thời gian học chính khóa. Trong đó, Quân ưu tiên thời gian cho các môn  tự nhiên mà mình yêu thích.

Hành trình 18 năm chiến đấu với bệnh xương thuỷ tinh của nam sinh ĐH Bách khoa - 3

Đức Quân tự nhận là người lạc quan và cậu thích môi trường đại học vì quen nhiều bạn bè mới và nhiều câu lạc bộ học thú vị.

Trước khi đến với những bài tập nâng cao, Quân làm hết các bài trong sách giáo khoa, đồng thời thường xuyên trao đổi với bạn bè để tìm ra những cách giải hay. Ngoài ra, Quân vận dụng linh hoạt Internet trong quá trình học tập, tìm hiểu phương pháp giải bài các môn tự nhiên qua bài giảng online, những trang dạy học uy tín… 

Ngày Quân bước chân vào đại học theo đúng ngành công nghệ thông tin như mơ ước, chị Thập biết rằng gánh nặng kinh tế vẫn tiếp tục đè lên vai mình. Kinh tế của cả nhà trông cậy cả vào sạp bán hoa quả và đồng lương ít ỏi của chồng, trong khi em gái Quân đang học cấp 1. 

Xác định bản thân là trụ cột kinh tế chính trong gia đình, chị Thập không thể bỏ việc để lên Hà Nội chăm sóc Quân học đại học. Gia đình phải thuyết phục người bác ruột đang trong lúc nông nhàn sẽ đồng hành và chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ cho Quân mỗi ngày.

“Đại học là môi trường hoàn toàn mới với con, lại không có gia đình bên cạnh. Nhưng tôi sẽ làm hết tất cả những gì có thể để con hoàn thành ước mơ của mình. Tôi không bao giờ áp đặt lên ước mơ của con và cũng không khi nào có ý nghĩ muốn bỏ cuộc", chị Thập chia sẻ.

Lo lắng 5 năm học đại học của con không biết sẽ ra sao, chị hy vọng con được bình an và tự ngủ. Chị nguyện cả đời này làm đôi chân đưa con đi khắp cuộc đời.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn