Hãng xe nội địa Malaysia bên bờ vực phá sản

XeThứ Ba, 29/03/2016 02:51:00 +07:00

Chính quyền liên bang của ông Najib Razak có thể không tung gói 375 triệu USD hỗ trợ Proton.

Chính quyền liên bang của ông Najib Razak có thể không tung gói 375 triệu USD hỗ trợ Proton.

Mối thù hận chính trị giữa Mahathir Mohamad, chủ tịch hãng xe Proton, cựu thủ tướng Malaysia với thủ tướng đương nhiệm Datuk Seri Najib Razak ảnh hưởng trực tiếp đến khoản hỗ trợ 1,5 tỷ ringgit (khoảng 375 triệu USD) mà chính phủ dự định dành để cứu Proton đang bên vực nguy hiểm, Straits Times cho biết.

Hãng xe quốc doanh gặp khó khăn khi 4 năm qua lỗ hơn 626 triệu USD, do đó cần được bơm tiền từ quỹ dự trữ của chính phủ. Nhưng đến nay khoản tiền này có thể khó được triển khai, dù Proton là dự án tâm huyết từ khi thành lập năm 1983 của Mahathir Mohamad.

Ông Mahathir Mohamad (áo dài tay) trong lễ ra mắt Proton Suprima S. 
Ông Mahathir, 90 tuổi, tin rằng hãng xe Malaysia sẽ có tương lai tươi sáng và một khoản trợ cấp của chính phủ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển động cơ mới sẽ giúp Proton sống lại, nhưng rất nhiều người, bao gồm cả quan chức chính phủ không cảm thấy tin tưởng.

"Thậm chí nếu Proton nhận khoản trợ cấp cũng chưa chắc giải quyết được khó khăn lúc này", một chuyên gia tư vấn tài chính quen thân của Proton và chính phủ nhận định.

Người lao động và nhà cung cấp linh kiện đang phải đối mặt khó khăn từ hoàn cảnh của hãng xe, e ngại rằng "trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết", trở thành vật tế thần trong bất đồng chính trị.

Proton có 10.000 nhân viên và hệ thống các nhà cung ứng có khoảng 30.000 lao động. Hầu hết nhân viên đều dành sự tôn trọng lớn cho Mahathir, vì thế trách nhiệm của ông này ngày càng lớn, một chuyên gia cao cấp tại Proton cho biết.

Căng thẳng gia tăng khi mới đây chính phủ loại bỏ tên ông Mahathir ra khỏi danh sách cố vấn tại Petronas. Chính phủ không thể sa thải Mahathir ở Proton vì nó được sở hữu bởi DRB-Hicom. Tuy nhiên, DRB-Hicom lại phụ thuộc nhiều vào kinh doanh được chính phủ trao tặng. Giữ Mahathir lúc này lợi bất cập hại.

Proton chưa công bố tình hình tài chính mới nhất, nhưng các nhà phân tích trong ngành ô tô cho biết hãng đang mất khoảng 25 triệu USD mỗi tháng cho lãi vay và vốn đọng ở lượng xe sản xuất chưa bán được, vào khoảng 30.000 xe, tức tương đương khoảng 3 tháng tồn kho, tính theo doanh số năm 2015 là 102.175 xe.


Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn