Hãng xe công nghệ mới vào Việt Nam: Grab có 'thất thế'?

Kinh tếThứ Sáu, 25/05/2018 14:24:00 +07:00

Theo Chủ tịch Go-Jek, việc hãng công nghệ Indonesia này đầu tư vào các thị trường mới, trong đó có Việt Nam sẽ đẩy mạnh sự cạnh tranh với các công ty khác, điển hình là Grab.

Hãng công nghệ Go-Jek vừa tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD vào 4 thị trường mới, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới, nhằm mục đích vươn rộng ra khỏi thị trường Indonesia. 

Trong thông báo vào hôm thứ Năm, Go-Jek nói rằng, hãng này sẽ cung cấp các "nhóm hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên môn" tại các trụ sở đặt ở mỗi thị trường trên. Những trụ sở của công ty này sẽ có nhiệm vụ "xác định thương hiệu và nhận diện", theo phát ngôn từ hãng.

Andre Soelistyo, chủ tịch Go-Jek, nói với hãng đưa tin CNBC trên chương trình truyền hình "Squawk Box" vào hôm qua rằng: "Chúng tôi đã đến thăm tất cả các quốc gia này và thấy rằng, các giải pháp mà chúng tôi cung cấp tại Indonesia có thể sẽ phù hợp khi đem ứng dụng tại đây".

Ban đầu, Go-Jek dự định sẽ phát triển ứng dụng đặt xe trước. Hãng công nghệ này cũng bắt đầu hoạt động kinh doanh bằng việc phát triển ứng dụng gọi xe ôm, sau đó mở rộng sang chuyển phát, giao hàng thực phẩm, mở cửa hàng tạp hóa và thanh toán. Năm ngoái, Go-Jek cho biết họ đã mua ba công nghệ tài chính để tăng độ phủ sóng trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số tại Indonesia.

go-jek

Hãng xe công nghệ Indonesia Go-Jek đang nhắm đến thị trường Việt Nam. 

Việc mở rộng sang các thị trường mới sẽ đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa Go-Jek và công ty Grab tại Singapore khi cùng có chung các dịch vụ như gọi xe, thanh toán kỹ thuật số và giao hàng thực phẩm.

Hai công ty này đang tạo nên sự cạnh tranh ở Indonesia, nơi Grab đang cố gắng xây dựng một đế chế 'thống lĩnh thị trường' của riêng mình.

Vào tháng 3, Grab hoàn tất thương vụ mua lại Uber. Điều đó đã củng cố vị trí của Grab tại các thị trường bán lẻ trong khu vực.

Nhưng ông Soelistyo cho biết, trong bối cảnh hiện nay, người dùng và các bên liên quan khác tại các thị trường mới sẽ dễ dàng chào đón sự hiện diện của Go-Jek vì điều đó cho họ thêm một sự lựa chọn nữa khi muốn sử dụng các dịch vụ trên.

"Do có sự cạnh tranh nên các dịch vụ được cung cấp cho khách hàng sẽ tốt hơn nhiều. Tất cả các công ty buộc phải đem đến cho khách hàng sự trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Và khách hàng sẽ là người được hưởng lợi từ những điều này", ông nói.

Sau khi mua lại Uber, Grab bị vướng phải nhiều chỉ trích vì tăng giá cước vô tội vạ. Trả lời về vấn đề này, đầu tháng 5 năm nay, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim cho biết mức phí của Grab có tăng nhẹ so với trước đây, vì giá xăng đã tăng lên 6 lần trong năm 2017.

Video: Vắng Uber, Grab được thể 'hét' giá gấp đôi?

Việc hãng công nghệ mới Go-Jek gia nhập thị trường Việt Nam là tin vui đối với nhiều người. Nhiều khách hàng lo ngại rằng sau khi không còn Uber, Grab sẽ chính thức độc quyền hoạt động tại thị trường xe công nghệ Việt Nam. Nếu vấp phải sự cạnh tranh, Grab sẽ phải điều chỉnh mức giá cước, thái độ phục vụ... để không bị mất khách. 

Đầu năm nay, Google cũng đầu tư một khoản tiền vào Go-Jek. Gã khổng lồ công nghệ này cho biết, động thái này phù hợp với tham vọng Tập đoàn đó là phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và doanh nghiệp khởi nghiệp ở Indonesia. Nhưng Google cũng không tiết lộ số tiền họ đầu tư vào Go-Jek.

Go-Jek đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD trong một đợt gây quỹ vào tháng 2, vượt mục tiêu ban đầu là 1,2 tỷ USD, theo Reuters. Doanh nghiệp khởi nghiệp này hiện đang được định giá khoảng 5 tỷ USD, theo cơ sở dữ liệu thị trường tài chính PitchBook.

Mai Tâm
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn