Hàng vạn người chen chân đi “mua may bán rủi” đầu năm

Thời sựThứ Hai, 30/01/2012 06:35:00 +07:00

(VTC News) - Chợ Viềng (Nam Định) đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi".

(VTC News)-  Chợ Viềng (Nam Định) ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”.

Hội chợ Viềng diễn ra vào đêm mùng 7 và rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.  

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ đêm hôm trước.

Hàng vạn du khách thập phương đã đổ về chợ Viềng phủ để "mua may bán rủi" (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Đêm ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch, dòng người đổ về chợ Viềng mỗi lúc một đông.

Khách đến từ khắp nơi, cả người trong Nam lẫn ngoài Bắc. Đông nhất là người Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về.

Trai thanh, gái lịch dập dìu đưa nhau dạo chợ, ghé đền dâng lễ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu rằng: Chợ Viềng năm có một phiên/Để cho trai gái tốn tiền trầu cau
.

 

Tiếng là "hội chợ" nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt.

Bên cạnh đó, chợ còn bán các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Đầu xuân, đi chơi chợ Viềng, người ta  mua bán cây cảnh, nông cụ và đồ gia dụng cũ để lấy may đầu năm. Mua bán theo kiểu lấy hên nên không màng đắt rẻ. Những mặt hàng chính của chợ đều liên quan đến đời sống thường nhật của người nông dân là cây (cây giống, cây cảnh), là nông cụ (cuốc, xẻng, cày, bừa, đòn gánh...) và đồ gia dụng cũ (đồ thờ cúng, nồi xoong chén đĩa...).

Ngoài ra, còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua tưng bừng náo nhiệt. Ðó là thịt bò non, nói đúng ra là thịt bê được thui vàng ươm nguyên cả con. Sản phẩm này được bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ. Có thể nói không ngoa rằng: "Trên là trời, dưới là thịt bò bê". Khách mua, ai thích phần nào có thể tuỳ chọn.

Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả - Một nét đẹp đáng yêu chỉ phiên chợ này mới có. Hình như "sự bán, sự mua" ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó - rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật dù rất nhỏ thì người bán, kẻ mua đều gặp nhiều may mắn, tốt lành. Do vậy, cả đôi bên đều cùng vui vẻ, hỉ hả ra về.

Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng... được xây dựng từ thứ kỷ 19, cách đây hàng trăm năm. Các di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng là "di tích lịch sử văn hoá".

Cụm di tích này chủ yếu thờ bà chúa Liễu Hạnh - một nhân vật văn hoá dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết. Bà Liễu Hạnh được dân gian phong Thánh, vừa được sắc phong như Thần vừa được coi như bà Chúa, cô Tiên...

Ðiều quan trọng hơn cả là sự tích và hình tượng bà Chúa Liễu đã đi vào tâm thức và trở nên bất tử trong lòng mọi người dân trong vùng. Cho nên dù là người bản địa hay khách thập phương về đây không chỉ đi dự hội chợ Viềng mà còn để đi lễ chùa, đền phủ bà Chúa để cầu may, cầu lộc đầu xuân. Người ta có thể dến dự hội trước, sau đi lễ ở đền hoặc đi đền cầu may rồi mới đi hội chợ.

Một số hình ảnh phóng viên VTC News ghi lại tại chợ Viềng Phủ trong chiều tối ngày mùng 7 - rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng năm 2012.

Người bán đon đả chào mời khách tới mua cây cảnh tại gian hàng của mình.
Tay xách "thành quả" sau một buổi chợ.
Những nông cụ cho sản xuất là sản phẩm không thể thiếu của Chợ Viềng.
Những hàng thịt bò, thịt bê luôn đắt khách.

Những món đồ cũ luôn được đặc biệt quan tâm tại Chợ Viềng.
Đi chợ Viềng không quên lễ ở phủ nhằm cầu năm mới sung túc, hạnh phúc.
Lực lượng chức năng được tăng cường đảm bảo an toàn cho lễ hội.
Đâu đó vẫn còn những hình ảnh không đẹp tại Chợ Viềng.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn