Hàng trăm người dân 'chết ngạt' trong khu dân cư ô nhiễm

Thời sựThứ Hai, 27/07/2015 08:24:00 +07:00

Người dân tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM và thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đang phải chịu đựng sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí nặng nề

Người dân tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM và thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đang phải chịu đựng sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí nặng nề bởi lượng lớn chất thải gia súc, gia cầm thải ra mỗi ngày.


Khu đất rộng khoảng 40 ha ở tổ 20, ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, hơn một năm nay trở thành bãi phơi phân gia súc, lông gia cầm của các chủ cơ sở kinh doanh phân bón. Hàng trăm hộ dân trong ấp vì thế phải chịu cảnh hàng ngày bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối do bãi phơi phóng này xộc vào nhà.

“Bà con ở đây ai cũng phản ánh, bức xúc với tình cảnh sống chung với bãi hôi thối này. Họ phơi quanh năm suốt tháng thì không ai chịu nổi được. Chúng tôi không thể sinh sống yên ổn vì hằng ngày phải chịu đựng mùi hôi thối phát ra, biết bao trường hợp ốm đau, bệnh tật cũng từ đây mà ra”, ông Nguyễn Văn Len, ngụ tổ 20, bức xúc.

Một hộ dân khác ở xã Đông Thạnh cho biết, cứ thấy hửng nắng lên là họ trải phân ra phơi, tối đến trùm bạt lại. “Mỗi sáng mở bạt che ra là mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào nhà chúng tôi. Bà con ai cũng mong các cơ quan chức năng làm quyết liệt để dẹp bỏ bãi phơi, để người dân an tâm sinh sống”- một người dân phản ánh và cho biết nhiều lần trình bày vấn đề này lên xã nhưng vẫn chưa thấy xử lý gì.

Quan sát khu vực bãi phơi, nhiều cơ sở đã dựng lán, trại và có người ở đó thường xuyên, hàng ngày phơi phân, vận chuyển. Phân sau khi được phơi khô sẽ được dồn đống, chờ xe tải đến vận chuyển đi tiêu thụ. Phân và lông gia cầm tươi được các cơ sở này thu gom từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã của huyện Hóc Môn và vùng lân cận sau đó tập kết về đây để phơi.

 Bãi phân gia súc và lông gia cầm đang ngày đêm tra tấn dân ở xã Đông Thạnh- huyện Hóc Môn. Ảnh: Ngô Tùng.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Ngọc Bích - Phó Chủ tịch xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn - cho biết xã sẽ phối hợp với các ban ngành làm việc với những hộ kinh doanh này để xử lý. “Năm  2014, chúng tôi kiểm tra thì mức độ ô nhiễm chưa quá nghiêm trọng nên chưa thể xử lý họ được. Sắp tới, trong khả năng của mình, UBND xã sẽ tiếp tục giải quyết, vấn đề nào vượt quá thẩm quyền chúng tôi sẽ kiến nghị lên huyện”- bà Bích cho hay.

Theo tìm hiểu, nhiều hộ kinh doanh phân bón ở xã Đông Thạnh, quận 12 và ở xã khác trước đây phơi tại địa phương mình nhưng do bị cấm nên chuyển hẳn qua khu vực ấp 6 để phơi.

“Sống chung” với hơn 23 ngàn con lợn

Dù thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện chủ trương ngừng nuôi lợn, gia cầm trong khu dân cư từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm hộ chăn nuôi lợn với hơn 23 ngàn con gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Đ. ở phường Long Bình, thành phố Biên Hòa biết nuôi lợn trong khu dân cư là bị cấm nhưng hiện vẫn nuôi 50 con mỗi lứa. Ở khu dân cư đông đúc với hàng chục ngàn công nhân, ông Đ. tận dụng phần trước ngăn phòng cho công nhân ở, phần sau là dãy chuồng trại nuôi lợn.

Khu nhà luôn bức bí, mùi hôi từ chuồng lợn xộc ra ngoài đường phố dù tất cả phân, nước thải chăn nuôi hàng ngày đã được ông Đ. tống hết ra dòng suối Linh ở đằng sau. Ô nhiễm nhưng các hộ dân xung quanh ông Đ. ở không ai than thở, bởi hàng chục hộ đều cùng nuôi lợn.

Video: Ô nhiễm nguồn nước ở Hưng Yên


Bất chấp lệnh cấm, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa hiện có gần 200 hộ nuôi lợn với trên 17 ngàn con. Ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình, cho biết từ khi thành phố có chủ trương ngừng chăn nuôi gia súc trong khu dân cư, phường đã vận động, kể cả thực hiện biện pháp cưỡng chế nên đã giảm mạnh số hộ nuôi lợn.

Tuy nhiên, hiện số hộ còn lại viện cớ không có vốn để di dời chuồng trại, có trường hợp thì yêu cầu nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn, chuyển đổi nghề… nên rất khó khăn trong cưỡng chế.

Theo phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa, đến nay toàn thành phố còn 6 phường tồn tại chăn nuôi gia súc, gia cầm với 279 hộ nuôi trên 23 ngàn con lợn.

 Ông Cao Hùng Huỳnh, chuyên viên phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa cho biết, UBND TP Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho phép ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng cung cấp điện đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm chăn nuôi không theo quy hoạch, cố tình không khắc phục hậu quả, buộc di chuyển cơ sở chăn nuôi. Tuy nhiên kiến nghị này đến nay vẫn chưa được chấp thuận. 

Nguồn: Tiền Phong
Bình luận
vtcnews.vn