Hàng trăm ngày đêm khổ luyện chuẩn bị cho lễ duyệt binh Triều Tiên

Thế giớiThứ Bảy, 08/09/2018 15:58:00 +07:00

Các binh sỹ được lựa chọn tham gia vào diễu hành tại lễ duyệt binh sẽ phải tập luyện ngày đêm trong nhiều tháng ròng để chuẩn bị cho sự kiện lớn của cả dân tộc.

Triều Tiên sẽ kỷ niệm 70 ngày Quốc khánh vào ngày mai 9/9 và một trong những hoạt động được mong chờ nhất vẫn sẽ là duyệt binh quy mô lớn qua Quảng trường Kim Il-sung. 

Quân đội Triều Tiên từ trước tới nay vẫn nổi tiếng với những màn diễu hành đều tăm tắp đã trở thành "thương hiệu". Nhưng để đạt tới độ đồng đều này, những người tham gia duyệt binh sẽ phải trải qua những ngày tháng huấn luyện ngặt nghèo và cực kỳ quy củ. 

Các hoạt động tập luyện sẽ diễn ra tại các học viện quân sự hoặc căn cứ quân sự trước các buổi tổng duyệt tập trung ở một số địa điểm lớn ở Bình Nhưỡng như sân bay Mirim hay một sân bay quân sự ở ngoại ô. Những người được chọn tham gia diễu hành sẽ được kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng. Họ sẽ được chọn từ các học viện quân sự hoặc các đơn vị ưu tú. 

B6684F03-E432-4827-877E-50ABA5731CC3_w1023_r1_s

 Binh sĩ Triều Tiên diễu hành qua quảng trường Kim Il Sung trong lễ duyệt binh kỷ niệm sinh nhật thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Il Sung vào ngày 15/4/2017. (Ảnh: AP)

Ông Sim Ju-il, người đào tẩu khỏi Triều Tiên cách đây 20 năm không thể nào quên quá trình khổ luyện trong 6 tháng trước khi bước vào lễ diễu hành chính thức. Trong khi đó, bà Kim Jungah, người rời bỏ quê nhà hàng chục năm trước cho biết bà và các đồng đội phải tập luyện trong 1 năm trước khi tham gia vào lễ duyệt binh năm 1997. 

Cả 2 cho biết họ phải dành ra từ 6-10 tiếng luyện tập mỗi ngày và 6 ngày/tuần. Nhiều người luyện tập cùng họ thậm chí còn ngất xỉu hoặc bị thương trong khi tập luyện và bị thay thể bởi người khác. 

Kim nói rằng nếu người hướng dẫn không hài lòng, họ sẵn sàng phạt nặng để chỉnh tư thế của những người làm sai. Vài tuần sau khóa huấn luyện, Kim nói rằng bà bị đau dây thần kinh hông khiến phần eo gần như bị tê liêt trong nhiều tuần sau đó. Một số người tham gia huấn luyện cùng bà thậm chí còn bị sa đĩa liên sống và đi tiểu ra máu.

Một cựu binh Triều Tiên khác nói rằng ông bị đau lưng 1 tháng rưỡi sau lễ diễu hành năm 1998. 

Khác với các đội duyệt binh, cường độ tập luyện của những người lính điều khiển xe tăng và xe bọc thép sẽ được giảm bớt. 

Ông Sim, người nhận nhiệm vụ chỉ huy xe quân sự chở theo một khẩu súng phòng không trong lễ duyệt binh năm 1985 nói rằng quá trình luyện tập của ông chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo chiếc xe không bị chết máy khi diễu hành qua lễ đài trong sự kiện chính thức. 

Video: Ông Kim Jong-un gặp gỡ và tri ân các cựu binh Triều Tiên

Sau các cuộc diễu hành, những người tham gia sẽ được nhận huy chương kỷ niệm, hộp quà tặng với thức ăn, đồ uống và được phép nghỉ một số ngày tùy chọn. Họ cũng được giữ lại các bộ đồng phục đã mặc trong cuộc diễu hành.

Bà Kim tin rằng việc có tên trong đội duyệt binh là lý do giúp bà được thăng hàm thiếu úy, trở thành một đảng viên và thăng chức nhanh hơn so với các đồng nghiệp. 

Trong khi đó, ông Sim dù quyết định rời bỏ quê nhà vào năm 1988 dù đang giữ chức vị cao trong quân đội vẫn đánh giá cao các cuộc diễu hành quân sự ở quê nhà. Giờ đây, ở nơi xứ người, ông vẫn không thể quên những ngày tháng tập luyện vất vả chỉ để đổi lấy vài phút xuất hiện qua lễ đài.  

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn