Hàng trăm ngàn người hối hả chạy bão

Thời sựThứ Bảy, 30/07/2011 12:16:00 +07:00

(VTC News) - Bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Hàng trăm ngàn người đang hối hả di chuyển khỏi vùng bão sẽ đi qua.

(VTC News) - Bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Người dân các địa phương này đang hối hả di dân và chuẩn bị đón bão.

Thanh Hóa: Di dời 61.000 dân ven biển


Sáng 30/7, tại tỉnh Thanh Hóa, không khí phòng chống bão hết sức khẩn trương. Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các huyện thị ven biển chủ động sơ tán dân tại các vị trí xung yếu, sát mép nước, cửa sông.

Dự kiến khoảng 61.100 người sinh sống trong phạm vi 200 m tính từ mép nước trở vào ở 13 xã ven biển của các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoàng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc và thị xã Sầm Sơn phải di dời.

Các “hàng rào” bao tải cát và cọc tre ở các vùng xung yếu đang được người dân Thanh Hóa gấp rút hoàn thành. Ảnh: ANTĐ 
Tại huyện Hoằng Hóa, công tác phòng chống bão số 3 tại 5 xã ven biển được triển khai từ chiều 29/7, với 3 trọng điểm là cửa Lạch Hới- cửa sông Mã, xã Hoằng Trường và cửa Lạch Trường. 100% CBCS đồn Biên phòng 118 đã được tăng cường về 5 xã ven biển, phối hợp cùng chính quyền cơ sở di dân ra khỏi vùng nguy hiểm ven biển, tổ chức lập các “hàng rào” bao tải cát và đóng cọc tre ở các vùng xung yếu.

Khách du lịch tại các khu sinh thái, khu nghỉ ở các địa phương ven biển đã nhận được khuyến cáo tạm dừng kỷ nghỉ bởi những tín hiệu dữ dội của trận đợt bão đang đến rất gần.

Cho đến 10h, các biện pháp phòng ngừa, phương tiện chống bão đã sẵn sàng, tập kết bên bờ biển. Cách đó chừng 100 mét, những con sóng đục ngầu, cao quá đầu người đã bắt đầu xuất hiện.

Nam Định: Cưỡng chế các ngư dân bất chấp nguy hiểm

Sáng 30/7, ghi nhận tại các Đồn biên phòng 84, 88 trong khi bão số 3 sắp đổ bổ vào đất liền địa phận tỉnh Nam Định, vẫn còn trên 100 mủng, mảng nhỏ của ngư dân các xã ven biển vẫn bất chấp nguy hiểm, cố tỉnh ra khơi đánh bắt hải sản.

Chằng néo lại các ngôi nhà 

Tại khu vực biển thuộc xã Giao Xuân (huyện Giao Thuỷ) còn trên 100 ngư dân và 122 lều ngao, vạng chưa trở về nơi an toàn. Tỉnh Nam Định đang thực hiện khẩn cấp lệnh cưỡng chế đối với toàn bộ các phương tiện đánh bắt, các đối tượng cố tình đánh bắt, khai thác này.

Theo thường trực Phòng Tham mưu Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển; yêu cầu các đơn, trạm kiểm soát biên phòng không cho bất cứ một tàu, thuyền nào ra khơi; thiết lập và tổ chức hướng dẫn các phương tiện vệ nơi neo đậu an toàn tại các cống, khu vực cảng cá, cảng Hải Thịnh, âu neo đậu tàu thuyền Quất Lâm thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ.

Nghệ An: Không có phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm

Người dân sống tại 2 khu chung cư cũ C8, C9 Quang Trung (TP.Vinh) phải di chuyển khẩn cấp
Tại Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, 4.400 tàu, thuyền với hơn 22.500 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 3, không có phương tiện nào ở trong khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Nghệ An đang triển khai phương án sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, nếu nước dâng 1 - 3m thì phải sơ tán gần 15 ngàn hộ với 74 ngàn dân, nếu nước dâng 3 - 5m sẽ phải sơ tán 24 ngàn hộ với hơn 121 ngàn dân, nếu nước dâng hơn 5m thì phải sơ tán tới hơn 37 ngàn hộ với 188 ngàn dân.

Từ sáng sớm 30/7, người dân ở chung cư C8, C9 Quang Trung đã bắt đầu sơ tán.

Tỉnh Nghệ An cũng đã chuẩn bị 11 chiếc tàu và 3 đầu kéo, 44 chiếc xuồng cứu hỗ, cứu nạn trên biển và các con sông. Đồng thời chuẩn bị dự trữ 200 tấn muối i ốt, hơn 1,5 triệu lít dầu thắp sáng, 300 tấn gạo cứu đói và hơn 300.000 gói mì ăn liền.

Hai khu chung cư cũ C8, C9 Quang Trung (thành phố Vinh) được đánh giá là có thể sụp đổ khi bão đến nên từ sáng sớm, 110 hộ dân bắt đầu lục tục dọn đồ đạc, chuẩn bị sơ tán đến Trường mầm non Hoa Hồng và một khu chung cư mới xây.

Tại huyện ven biển Diễn Châu, sáng nay, lực lượng phòng chống lụt bão tại chỗ cũng đang tiến hành sơ tán hơn 5.000 người ở các xã ven biển như Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Bích…
 
Tại huyện Quỳnh Lưu, người dân của 3 xã ven biển gồm Quỳnh Long, Quỳnh Lập, Quỳnh Phương đang tiến hành di tán khỏi nơi nguy hiểm.

Ban Chỉ đạo PCLB Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đang chuẩn bị đối phó với cơn bão
Tại huyện Nghi Lộc, người dân vùng cửa biển Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang cũng đang di dời khẩn cấp để tránh bão. Để chủ động phòng chống giảm những thiệt hại do cơn bão gây ra, huyện Hưng Nguyên cũng đã triển khai chủ động 4 tại chỗ đối với 4.000 hộ dân sống gần đê.

Để chủ động đối phó với bão số 3 có khả năng đổ bộ vào Nghệ An, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đã tổ chức cuộc họp khẩn. Ông Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết, hiện công tác ứng phó với bão số 3 đã được tập trung đầy đủ, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Sáng nay (30/7), đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại thị xã Cửa Lò, cùng đi có các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Tính đến 10 giờ sáng, tất cả 399 tàu thuyền của ngư dân Cửa lò đã về nơi neo đậu an toàn; có 4 tàu đánh bắt xa bờ đã vào các bến neo đậu ở Thanh Hóa. Công tác di dời dân ở các khu vực xung yếu, nước biển dâng, triều cường được thực hiện theo phương án tại các phường: Nghi Thủy, Thu Thủy, Nghi Hải, Nghi Hương. Thị xã đã chỉ đạo các khách sạn làm thủ tục cho khách du lịch về sớm, kiên quyết không cho khách du lịch ra khu vực bãi tắm.

Quảng Ninh: Tàu du lịch chìm trên đường đi tránh bão

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã chủ động thông báo cho các ngành, các địa phương rà soát, triển khai các phương án phòng chống lụt bão đặc biệt lưu ý tới các địa phương có đê biển, có các điểm xung yếu như: Yên Hưng, Đông Triều, Tiên Yên… Đồng thời yêu cầu sẵn sàng các phương án khi bão về.

Người dân đang gấp rút neo đậu tàu thuyền tại nơi trú ẩn an toàn (Ảnh:VNN)

Đến sáng 30/7,  nhiều tàu, thuyền đã về nơi tránh, trú bão an toàn, các địa phương như ven biển của tỉnh như TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà, Cô Tô… đã thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện liên lạc đến tất cả tàu thuyền về tình hình cơn bão.

Trên đường đi tránh bão, khoảng 15h30 ngày 29/7, tàu du lịch Hòa Bình mang số hiệu QN -1346 đã bị cháy và chìm tại khu vực hòn Bánh Chưng, Vịnh Hạ Long. Được biết, đám cháy xuất phát từ khoang máy của tàu và mặc dù các thuyền viên đã cố gắng dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa nhưng không thành công.

Hải Phòng: Hơn 14.000 ngư dân đã an toàn

Ban chỉ huy PCLB-TKCN Thành phố Hải Phòng đã ra 2 công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương tập trung cho việc phòng, chống cơn bão số 3.

Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại huyện đảo Cát Hải. 

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB - TKCN thành phố Hải Phòng, 4.433 phương tiện với 14.951 lao động, 533 lồng bè nuôi thuỷ sản đang hoạt động trên vùng biển Hải Phòng đã được thông báo vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 3 để chủ động phòng tránh.

Lực lượng chống bão gồm 32 nghìn người, 259 xe ôtô các loại, 111 tàu xuồng, 4 xe thiết giáp cùng nhiều vật tư, lương thực... đã sẵn sàng phòng chống bão số 3.

Sáng 30/7, tại huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 8 giật cấp 9, cấp 10. Nước biển chưa dâng cao và chưa có thiệt hại gì về người và tài sản ở huyện đảo trong cơn bão số 3.

Hiện toàn bộ số tàu đang hoạt động tại khu vực huyện đảo đã về nơi trú ẩn. Những nhà dân ở vùng xung yếu đã được chằng, chống cẩn thận; sơ tán hơn 10 hộ dân và các hộ kinh doanh ở khu vực đường dạo gần mép nước về nơi trú bão.

Thuyền viên neo đậu tàu tại khu vực Cảng Hải Phòng chằng buộc hàng hóa phòng, chống cơn bão số 3.

Đến thời điểm này, khoảng 1.300 tàu thuyền thuộc huyện và của các địa phương khác đã vào bờ trú bão; hơn 600 bè nuôi thủy sản trên các vịnh, vụng và bến ở các xã, thị trấn về nơi neo đậu an toàn. 

Thành phố Hải Phòng sẵn sàng điều động tàu cứu nạn của lực lượng Biên phòng để hỗ trợ việc sơ tán dân khi cần thiết.  

Hà Tĩnh: Sẵn sàng di dời hơn 27.000 dân

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đến tính đến chiều 29/7, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.788 tàu thuyền với 13.717 lao động đã nhận được thông tin về cơ bão số 3.

Hiện đang có 1.052 tàu, thuyền với hơn 2.504 lao động đang đánh bắt trên biển (trong đó có 12 tàu với 84 lao động đánh bắt xa bờ và 1.040 tàu thuyền với 2.420 lao động đánh bắt gần bờ).

Để đề phòng bão đổ bộ, nước biển dâng cao ở các vùng ven biển, cửa lạch, Ban PCLB tỉnh Hà Tĩnh lên phương án sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại chỗ để di dời hơn 27 nghìn người ở các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. 

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Trung tâm PCLB KV miền Trung và Tây Nguyên sáng 30/7 cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các tỉnh, thành phố trong khu vực chịu ảnh hưởng đã có công điện chỉ đạo BCH PCLB địa phương theo dõi diễn biến của bãi để chủ động triển khai đối phó với bão số 3

Tính đến sáng 30/7, các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên còn 2.128 tàu/17.882 lao động vẫn đang hoạt động trên biển.

Tính đến sáng 30/7, các tỉnh từ Quảng Trị-Phú Yên còn 2.128 tàu/17.882 lao động vẫn đang hoạt động trên biển.... 
Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, tính đến cuối ngày 29/7, Đà Nẵng còn 133 chiếc/1.269 lao động đang hoạt động trên biển.

Tại Quảng Nam, còn 543 chiếc/4.077 lao động đang hoạt động trên biển. Tại Quảng Ngãi, còn 1.150 chiếc/10.316 lao động đang hoạt động trên biển. Tại Phú Yên, tổng số tàu đang hoạt động trên biển là 279 chiếc/1.995 lao động.

Về sự việc tàu cá 95010 TS do ông Nguyễn Văn Thọ (SN 1982, thường trú Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 12 thuyền viên, bị sóng lớn đánh chìm trên biển ngày 27/7 tại khu vực quần đảo Trường Sa, hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang làm việc với Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao để đưa các thuyền viên về nước.

Trước đó, chiều tối 28/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi báo cáo tàu cá QNg 95010 TS bị sóng đánh chìm ở vị trí chưa xác định thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Lúc này, trên tàu có 11 ngư dân, rất may một tàu Philippines đã đưa 11 ngư dân lên tàu an toàn.

Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực – Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 30/7 đã thông báo được 42.215 tàu, thuyền với 198.367 lao động và 1.980 lồng bè với 4.136 người biết vị trí và diễn biến của bão.

Người dân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đang kéo bè lên bờ để tránh bão. 

Hiện ngoài tàu QNg 95010 của Quảng Ngãi bị chìm và toàn bộ 11 người trên tàu đã được một tàu Philippines cứu sống còn có 2 tàu khác hư hỏng.

Vào lúc 9h sáng ngày 29/7, các chiến sỹ đồn Biên phòng 204 Quảng Trị đã cứu sống toàn bộ 9 người trên tàu QB 1312 của Quảng Bình trên đường vào tránh trú bão tại Cửa Tùng bị sóng đánh gãy đuôi tàu.
Còn một tàu khác là HP 1061 của Hải Phòng với 5 người trên tàu cũng may mắn thoát nạn khi tàu bị mất lái, đâm vào kè đá, vỡ mũi tàu.

Như vậy, cho đến nay chưa có thiệt hại về người.

* Tiếp tục cập nhật...

Nhóm PV

Bình luận
vtcnews.vn