Hàng trăm doanh nghiệp thua lỗ nhưng vẫn phát sinh thuế phải nộp vì Nghị định 20

Kinh tếThứ Bảy, 18/05/2019 11:36:00 +07:00

Đoạn 1, khoản 3, điều 8, chương II của Nghị định 20 để lại nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp vì phải gánh thêm thuế kể cả khi thua lỗ.

Lợi bất cập hại

Năm 2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành có mục đích hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng Tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế Thu nhập cá nhân thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.

toyota-1507051626220

Nghị định 20 có mục đích chống chuyển giá nhưng mục tiêu bắn trượt, toàn bắn trúng quân ta, bắn trúng doanh nghiệp trong nước. 

Mục đích là vậy, song theo đánh giá của các chuyên gia thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính giải thích Nghị định 20 là để chống chuyển giá nhưng mục tiêu bắn trượt lại bắn trúng quân ta, toàn bắn trúng doanh nghiệp trong nước.

Trên thực tế, Nghị định 20 đã kiểm soát được cả vấn đề vốn mỏng. Tuy nhiên trong trường hợp các công ty mới hoạt động chưa có doanh thu mà không thể vốn hóa lãi vay vào giá trị tài sản thì có vẻ chưa được công bằng lắm.

Hơn nữa không có quy định cho phép bù trừ chi phí lãi vay với thu nhập từ cho vay (như gợi ý của OECD) thì các công ty hoạt động theo mô hình Holding ở VN phải thay đổi cách thức cơ cấu tổ chức của mình.

Quy định khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu thuế tại Nghị định này còn phát sinh việc đánh thuế trùng đối với cùng một giao dịch kinh doanh – lãi tiền vay (bên cho vay phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, bên đi vay phải nộp thuế TNDN đối với phần Chi phí tiền vay vượt mức khống chế).

Làm ăn thua lỗ nhưng vẫn phát sinh thuế phải nộp

Theo thống kê từ Báo cáo Tài chính năm 2017, 2018 của hơn 770 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội, có thể thấy đa phần các công ty bị ảnh hưởng nếu áp dụng theo khoản 3 điều 8 của Nghị định 20.

Đơn cử, Công ty Cổ phần An trường an (Mã CK: ATG) kết quả kinh doanh năm 2018 lỗ 11 tỷ đồng, chỉ tiêu EBITDA âm 10 tỷ đồng (<0). Do vậy, toàn bộ chi phí lãi vay trong kỳ được xác định là chi phí không được trừ khi tính thuế.

Tương tự, rất nhiều doanh nghiệp khác có chỉ tiêu EBITDA âm cũng không được trừ khi tính thuế, như Thủy sản An Giang (EBITDA âm 93 tỷ đồng); Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (EBITDA âm 47 tỷ đồng); Lắp máy Dầu khí (EBITDA âm 38 tỷ đồng),... điều này đã tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp khi làm ăn không có lãi và vẫn phải chịu khoản thuế “khổng lồ”.

Số lượng doanh nghiệp trên sàn chứng khoán chỉ là một phần nhỏ của số doanh nghiệp bị tác động, nhưng là đại diện cho sức khỏe của nền kinh tế thông qua chỉ số chứng khoán và thu hút đầu tư.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn