Hàng Tàu 'đè' hàng Việt, lật ngược thế cờ cách nào?

Kinh tếThứ Tư, 18/06/2014 11:29:00 +07:00

(VTC News) – Hàng hóa Việt sản xuất nhỏ lẻ, kém mẫu mã và ít truyền thông nhưng sẽ tốt hơn nếu đoàn kết và cùng thay đổi từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng.

(VTC News) – Hàng hóa Việt sản xuất nhỏ lẻ, kém mẫu mã và ít truyền thông nhưng sẽ tốt hơn nếu đoàn kết và cùng thay đổi từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, những vấn đề xảy ở biển Đông đã và sẽ ảnh hưởng theo chiều hướng gây khó khăn bởi sự phụ thuộc quá nhiều về nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Bởi sự phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu vào Trung Quốc đối với ngành chủ lực xuất khẩu như dệt may, giày dép... và chênh lệch cán cân thương mại khi nhập siêu hàng tỷ USD trong những năm qua nên, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tính toán chuyển nhanh sang các thị trường khác trong tình huống cần thiết thì có thể sẽ rơi vào tình thế bị động, khi bị hẫng hụt về nguồn cung vào một thời điểm nào đó.


Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thực tế thu được lại rất ít. Ảnh Khánh Hòa 

Tránh rải mành mành

- Vậy theo bà, doanh nghiệp cần có chuẩn bị gì về thị trường xuất khẩu?

Về xuất khẩu, tôi nghĩ các doanh nghiệp cũng phải tính thêm đến các thị trường khác.

Trên thực tế, với một số mặt hàng, ngay cả trong điều kiện chưa có căng thẳng ở biển Đông với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam nhiều khi cũng gặp khó rồi.

Điển hình là các mặt hàng nông sản, gần như không năm nào mà không có chuyện hàng trăm xe, thậm chí hàng nghìn xe chở trái cây từ miền Nam ra để xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách lại ở biên giới.

Bên cạnh đó, những chiêu trò thu mua nông sản bất thường của thương lái Trung Quốc liên tục diễn ra ở các tỉnh thành Việt Nam trong những năm qua đã gây ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Điều cần bây giờ là làm sao phải có một hệ thống cảnh báo thật tốt để cảnh báo cho nông dân ở các nơi không nên ham lợi trước mắt mà ồ ạt nuôi trồng theo thương lái Trung Quốc.

- Thực tế, rất nhiều năm nay Việt Nam lẩn quẩn với bài toán phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, theo bà liệu thời điểm này mới lại nói lại câu chuyện này có là quá muộn?

Muộn thì cũng phải nói là muộn rồi, vì chương trình phát triển công nghiện phụ trợ đã được nêu ra đến hàng chục năm nay rồi.

Có những chuyên gia Nhật Bản đã đeo đẳng chương trình công nghiệp hóa ở Việt Nam hàng hai chục năm nay rồi, nhưng kết quả thì ra sao?

Công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển rất chậm, kể cả sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành ra nghị định phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng từ bấy đến giờ chưa có chuyển dịch bao nhiêu hết cả.

Trong vòng mấy năm gần đây, nói rất nhiều, có văn bản, có nghị quyết nhưng rốt cục chúng ta chưa thực hiện được bao nhiêu.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, không bao giờ là quá chậm để làm một việc đúng đắn cần thiết.

Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế hiện nay, dù tái cơ cấu thường được nói đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu khu vực ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công nhưng trong đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế mà Thủ tướng phê chuẩn thì có tái cơ cấu các ngành, tái cơ cấu các vùng kinh tế.

- Theo bà, để các chính sách thực sự hiệu quả, cần làm theo hướng nào?

Tôi cho là đây là lúc phải đưa ra nhanh chương trình tái cơ cấu theo hướng ngành và vùng để tập trung phát triển các ngành trung gian, các sản phẩm trung gian, các ngành công nghiệp phụ trợ tại các vùng trọng điểm khác nhau.

 

Chúng ta cũng cần tránh câu chuyện rải mành mành, rồi mỗi tỉnh một tí thành 63 vùng khác nhau mà phải tập trung vào ở một số vùng công nghiệp trọng điểm


 
Chúng ta cũng cần tránh câu chuyện rải mành mành, rồi mỗi tỉnh một tí thành 63 vùng khác nhau mà phải tập trung vào ở một số vùng công nghiệp trọng điểm, rất cần tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hoặc các ngành sản xuất các sản phẩm trung gian ở đó.

Nếu chúng ta hình thành sớm đi được thì sẽ dần dần thay thế phần nào việc nhập khẩu từ Trung Quốc, đỡ lệ thuộc vào nguồn cung từ đó cũng như đỡ tốn kém ngoại tệ khi nhập khẩu từ các nguồn khác.

Mặt khác, quan trọng hơn rất nhiều là nó tạo thêm giá trị gia tăng cho Việt Nam và cũng tạo thêm những hướng phát triển mới cho doanh nghiệp.

Thực sự các doanh nghiệp hiện nay ngoài cái khó về bối cảnh vĩ mô thì còn đang gặp khó khăn rất lớn về thị trường và nếu cứ chỉ làm để xuất khẩu hoặc nhìn vào cái thị trường tiêu dùng cuối cùng và bán cho người tiêu dùng Việt Nam không thôi thì doanh nghiệp sẽ bí đầu ra.

Video: Một tháng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép:

Vì thế, phải làm các sản phẩm khác nữa, các sản phẩm trung gian thì mới cung cấp cho các ngành khác nhau và từ đấy mới có cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.

Tôi mong là điều này vừa về mặt chính sách nhà nước thật sự quan tâm và một mặt khác là các doanh nghiệp cũng quan tâm và làm.

Hiện nay, tôi được biết các ngân hàng đang có một lượng tài chính dồi dào nhưng lại không cho vay được, vậy tại sao các ngân hàng không chuyển hướng mạnh về cho vay cho các dự án sản xuất các sản phẩm trung gian hoặc là các ngành công nghiệp phụ trợ, như vậy là ngân hàng cũng có lợi mà doanh nghiệp cũng có thể phát triển được.

Ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ

- Trong các ngành hiện nay thì ngành nào cần ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ nhất?

Tôi nghĩ trước hết là ngành may và ngành giầy dép, hai ngành này có thể thấy rất rõ.

Ngành may đang có cơ hội lớn từ TPP. Nếu như chúng ta không sản xuất các sản phẩm đầu vào cho ngành may ở Việt Nam thì sẽ rất thiệt thòi khi tham gia TPP.
Thiếu công nghiệp phụ trợ, Việt Nam chỉ là nước gia công 

Nghĩa là Hoa Kỳ hay các thị trường khác sẵn sàng mở cửa cho Việt Nam với thuế cho hàng dệt may giảm xuống 0% nhưng Việt Nam không làm được các sản phẩm đầu vào thì chúng ta sẽ không được hưởng cái thuế suất đó.

Lợi ích ở thị trường các nước đối tác TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) mà Việt Nam có thể tận dụng từ TPP thể hiện ở 2 hình thức chủ yếu:

-    Lợi ích thuế quan (đối với thương mại hàng hóa)
-    Lợi ích tiếp cận thị trường (đối với thương mại dịch vụ và đầu tư)
 
Đấy là những cái vừa là lợi ích vừa là những sức ép đặt ra để chúng ta phải cố gắng tăng tốc để phát triển các ngành phụ kiện cho ngành may của mình, kể cả dệt. Và cũng không nên chỉ ngồi để chờ các nhà đầu tư nước ngoài vào làm hàng dệt ở Việt Nam mà cần phải có hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam làm việc nữa.

Lúc này, chính phủ có thể đưa ra một chính sách khuyến khích rất rõ ràng cho ngành dệt. Ví như lãi suất, đất đai hay những điều kiện về môi trường để doanh nghiệp có khả năng tồn tại và tạo sức bật lâu dài.

Bên cạnh công nghiệp, nông nghiệp cũng cần được sự trợ sức, chính sách từ các ban ngành chức năng.

Hiện nay, với chăn nuôi hay trồng trọt, nông dân đang phụ thuộc quá nhiều về nhập khẩu thức ăn, phân bón... trong khi cơ hội để phát triển về nguyên liệu cho ngành này Việt Nam không thiếu.

- Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng với kinh nghiệm của bà, bà có e ngại điều gì?

Trách nhiệm số 1 trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thuộc về ngành Công thương.

Ngay cả cái đề án phát triển công nghiệp phụ trợ cũng là một đề án của Bộ Công thương đấy chứ. Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp phụ trợ thì cũng giao trước hết cho bộ Công thương thực hiện.

Tôi chỉ ngại là lâu nay Bộ Công thương dường như tập trung quá nhiều xoay vào để lo bảo vệ cho ngành điện, cho xăng dầu. Luôn luôn câu chuyện của Bộ Công thương xuất hiện ra xã hội là câu chuyện tranh cãi về giá điện, giá xăng trong khi bao nhiêu việc khác của Bộ Công thương như công nghiệp phụ trợ thì rất ít được thể hiện.

- Ngoài chính sách, theo bà, để cuộc chiến khốc liệt giành tự chủ về nguồn cung nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp Việt Nam cần thêm yếu tố gì?

Có những điểm cơ bản dễ dàng nhận thấy sự lợi thế của doanh nghiệp Trung Quốc so với doanh nghiệp Việt là phát triển về quy mô và truyền thông quảng cáo.

 

Có những ngành chúng ta xuất khẩu được rất lớn như dệt may, da giày nhưng trên thực tế phần thu được ở Việt Nam rất là nhỏ.


 
Với các sản phẩm trung gian, đòi hỏi quy mô tương đối lớn thì mới có hiệu quả trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, quy mô sản xuất rất nhỏ nên sản phẩm ra không có tính cạnh tranh cần thiết.

Với truyền thông quảng cáo, Trung Quốc họ có hệ thống truyền thống quảng cáo, kể cả bằng các biện pháp bán giá rẻ, khuyến mãi, tung người đi bán hàng tận hang cùng ngõ hẻm.

Nói những mặt khách quan hơn, Việt Nam lâu nay quan tâm đến hoặc công nghiệp nặng, những ngành lớn như sắt thép, xi măng, hóa chất mà các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư hoặc các doanh nghiệp nước ngoài làm hoặc quan tâm đến làm hàng xuất khẩu nhưng chủ yếu là xuất khẩu các mặt hàng thô từ khai thác tài nguyên như khoáng sản, nông sản hoặc làm hàng gia công như may mặc, giày dép.

Vì thế, mà cả một mảng rất lớn của các ngành công nghiệp phụ trợ hay các ngành sản xuất các sản phẩm trung gian thì Việt Nam gần như không làm và bỏ trống phần thị trường đó. Điều đó giải thích vì sao Việt Nam cứ phải nhập khẩu quá nhiều từ Trung Quốc những mặt hàng này.

Tôi nghĩ đây là vấn đề chính sách. Chính sách chưa đúng, chưa chuẩn và các chương trình khuyến khích của chính sách còn phiến diện khiến việc thực thi không hiệu quả.

Có những ngành chúng ta xuất khẩu được rất lớn như dệt may, da giày nhưng trên thực tế phần thu được ở Việt Nam rất là nhỏ. Chúng ta nhập nhiều và gần như chỉ gia công ở Việt Nam.

Sự trừng phạt của người dùng là gốc rễ

- Theo bà, cùng với sự nỗ lực từ doanh nghiệp, cải thiện về chính sách, thì yếu tố nào nữa là mấu chốt trong việc quyết định sự sống còn của ngành kinh tế nước nhà?

Trong điều kiện bây giờ, thì có lẽ người tiêu dùng càng nên ý thức nhiều hơn về việc dùng hàng Việt.

Ở đây không phải là chúng ta kỳ thị hay chống lại hàng nhập từ bên ngoài nhưng mà quả thật là đối với hàng nhập từ Trung Quốc, lâu nay về hàng tiêu dùng có nhiều sản phẩm, chúng ta không kiểm soát được về chất lượng nên nó có những nhân tố gây độc hại này khác có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Có rất nhiều thứ đáng trách, song lúc này đây, khi mà bối cảnh biển Đông đang rất căng thẳng, chúng ta đang xích lại gần nhau về tinh thần để có cơ hội biến khó khăn thành cơ hội.

Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước, mà tôi nghĩ là chính từ việc sản xuất, sử dụng sản phẩm Việt Nam để cho nền kinh tế Việt Nam mạnh lên và tăng được tính tự chủ của nền kinh tế cũng là một cách thiết thực mà mọi người tiêu dùng có thể thực hiện được để thể hiện lòng yêu nước của mình.

- Như vậy rất cần ý thức dùng hàng Việt của người Việt?

Đúng vậy. Tôi nghĩ khi người tiêu dùng có ý thức hơn, họ có thể thể hiện phản ứng của họ đối với hàng Trung Quốc bằng việc sử dụng hàng Việt, điều này cũng làm cho động lực lợi nhuận của những người kinh doanh sẽ biến mất, sẽ dần dần triệt tiêu đi tham vọng về lợi nhuận.

Sự trừng phạt của người tiêu dùng bao giờ cũng có giá trị lớn.  

Câu chuyện về Vedan xả thải là minh chính rõ ràng cho thấy gốc rễ của vấn đề chính ở thái độ người dùng.

-    Xin cám ơn bà!


Khánh Hòa (thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn