Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản

PhimThứ Năm, 23/03/2023 13:39:27 +07:00

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát. 300 bộ phim tư liệu quý hỏng nặng không thể phục hồi, đời sống hơn 40 cán bộ bấp bênh vì cắt lương, cắt bảo hiểm.

Sau khi đoạn clip phát biểu của NSND Trà Giang tại lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam lan truyền trên mạng xã hội; rồi một loạt bài báo về tâm tư, nguyện vọng của các nghệ sỹ khác như Quyền Linh, NSND Thanh Vân, Đinh Tuấn Vũ xuất hiện... một lần nữa câu chuyện đau xót về số phận của Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê) lại được xới lên. 

Cuối năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là 1 trong 5 hãng phim nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ. Tưởng như điều này sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho một trong những biểu tượng của văn hóa nước nhà. Nhưng cách thức thực hiện sai lầm đã đẩy số phận hãng phim rơi vào điêu tàn, cùng với đó là tương lai bấp bênh của hơn 40 cán bộ công nhân viên, nghệ sỹ.

Nơi đổ nát, hoang tàn đến không thể nhận ra

"Tôi xin lỗi, nhưng tôi đang cố gắng lắm để không khóc, nhưng thực sự tôi rất buồn. Cách đây vài ngày tôi về thăm xưởng phim; tôi không thể nói hết khi nhìn thấy cảnh tượng xưởng phim, nơi từng có 600 anh chị em nghệ sỹ cùng với công nhân, cán bộ làm ra mỗi năm hàng chục bộ phim. Bây giờ nó là một nơi đổ nát, một cái xưởng hoang tàn đến không thể tưởng tượng được!”. Đó là những lời tâm sự như sắp khóc của "chị Tư Hậu" - NSND Trà Giang về hiện trạng Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê).

Phóng viên VOV2 đã được kiểm chứng tận mắt khi theo đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân đi một vòng quanh hãng phim. Giọng xót xa xen lẫn tự hào, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân giới thiệu từng phòng chức năng của hãng phim. “Đây là các phòng ban mà trước khi Vivaso vào, các sinh hoạt về đạo diễn, quay phim diễn ra ở các phòng này", đạo diễn Thanh Vân nói.

Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản - 1

Đạo diễn Thanh Vân: "Sao lại để một hãng phim có bề dày lịch sử rơi vào cảnh như thế này?!"

"Hiện trạng thì như các bạn thấy rồi, và tôi cũng đã nói nhiều lần rồi, Hãng phim hiện giờ không sản xuất gì cả, không sức sống, hoang tàn, tan nát đến đau lòng như thế này. Cô Trà Giang hay bất cứ ai trở về chỗ này đều rơi nước mắt. Và nước mắt là không đủ! Có lẽ còn phải là sự phẫn nộ! Tại sao lại để cho một hãng phim có bề dày lịch sử rơi vào hoàn cảnh như thế này?!”.

Với đạo diễn Thanh Vân, hãng phim truyện Việt Nam gắn bó như máu thịt. Gia đình ông 2 đời đều làm ở đây. Cha ông – NSND Hải Ninh từng là Giám đốc của hãng. Người thầy đầu tiên dạy ông: quay phim - đạo diễn - NSND Khánh Dư cũng công tác ở đây. Ông và vợ (NSND Nhuệ Giang) cũng từ đây mà thành nghề và có danh. Chính vì thế, ông không khỏi đau lòng khi chứng kiến nơi này giờ trở thành những dãy nhà đổ nát, bị bỏ hoang.

Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản - 2

Xưởng thu thanh trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, xô chậu của một số hộ dân sống xung quanh.

Từng là một biểu tượng của điện ảnh cách mạng Việt Nam; từng là nơi “sáng đèn, không khí làm việc tấp nập 24/24 giờ không có ngày nghỉ”, bây giờ khu nhà Hãng phim truyện Việt Nam chỉ còn là những dãy nhà bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Những mảng tường vàng bong tróc, mái nhà xuống cấp. Những lối cầu thang rêu mọc khắp nơi vì lâu lắm không có người qua. Các góc tường đầy rác, cành cây khô, lá vụn… Xưởng thu thanh của hãng giờ trở thành nơi tập kết xô thùng, vật liệu xây dựng của một số hộ dân xung quanh. Hội trường 100 chỗ ngồi, nơi công chiếu những bộ phim nhựa đầu tiên thì tay nắm cửa rỉ sét, bản lề cửa sổ sắp long ra đến nơi… Dù ban ngày, nhưng khi bước chân vào nơi đây, nhiều người cũng rùng mình bởi sự lạnh lẽo, hoang vắng.

Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản - 3

Hội trường 100 chỗ tối om, cửa đóng then cài, vắng lạnh không có hơi người.

300 bộ phim ẩm mốc hư hại 100%

Điều khiến dư luận "sốc" hơn cả là 300 bộ phim điện ảnh, tư liệu lịch sử minh chứng cho 70 năm hình thành và phát triển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, hiện lưu trữ trong kho của hãng, đã ẩm mốc và hỏng hoàn toàn! Những tác phẩm nổi tiếng như: Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên… có khả năng biến mất vĩnh viễn trong tương lai, chỉ vì một nguyên nhân vô cùng “trời ơi đất hỡi”: Hệ thống điều hòa ngừng hoạt động!

Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản - 4

 

“Thời bọn tôi còn quản lý hãng này (không phải Vivaso) hệ thống điều hòa chạy 24/24, liên tục hàng vài chục năm trời không bao giờ ngừng", đạo diễn Thanh Vân nói. "Thậm chí hàng năm phải có người tháo ra cuộn lại từng cuộn phim cho khỏi dính. Ngoài ra còn phải có một loại thuốc chuyên dụng để chống ẩm bên trong. Tôi có gửi ảnh tình trạng các cuốn phim cho một chuyên viên phục chế thì bạn ấy nói rằng khả năng cứu vãn gần như bằng không!”.

Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản - 5

300 cuốn phim điện ảnh minh chứng cho 70 năm hình thành phát triển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam ẩm mốc hoàn toàn. Ảnh: NSND Nguyễn Thanh Vân.

Theo đạo diễn – NSƯT Bùi Trung Hải, việc hơn 300 bộ phim bị ẩm mốc là một thiệt hại vô cùng lớn cho điện ảnh cách mạng Việt Nam: “Tôi biết một số người nói các bản phim bị hỏng chỉ là bản sao, và đã có bản số hóa. Nhưng tôi nghĩ đó là người ta nói thế chỉ để giảm nhẹ và cho công chúng đỡ shock thôi".

"Chứ còn với tôi, với tư cách người hiểu rõ về nghề, tôi thấy đó là tổn thất vô cùng lớn! Quý giá vì sao? Vì hiện nay bản phim nhựa positive chỉ 2 nơi có là ở đây và Viện phim Việt Nam. Tôi biết Viện phim có thể số hóa, nhưng số hóa đó vẫn chưa ở đẳng cấp quốc tế mà chỉ 2K thôi. Số hóa chuẩn là phải tái tạo tương đương chất lượng điện ảnh, tức độ phân giải phải 4K. Hiện nay các bản số hóa chất lượng không được đến 40%”.

Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản - 6

 

Kỹ sư… bán bia, biên kịch… bán hải sản

Công cuộc cổ phần hóa sai sót ở hãng phim còn khiến đời sống của hơn 40 cán bộ công nhân viên chức hãng phim rơi vào bấp bênh. Những người chủ mới (Tổng công ty vận tải thuỷ Vivaso) không có chủ trương làm phim và đề ra một loạt quy định khiến mâu thuẫn giữa các nghệ sỹ hãng phim với những người chủ mới tăng dần. Đỉnh điểm là hàng loạt nghệ sỹ (dù vẫn còn biên chế hãng phim) bị cắt lương, cắt bảo hiểm xã hội, cắt bảo hiểm y tế…

Không việc làm, họ buộc phải tự bươn chải mưu sinh để lo cuộc sống gia đình. Quay phim Lê Minh Hà chia sẻ: “Chúng tôi mỗi người tự tìm một công việc riêng để sống. Anh Huy kỹ sư âm thanh về nhà bán bia. Nhà biên kịch đi bán hải sản”.

Còn kỹ thuật viên âm thanh Hồ Quang Huy ngậm ngùi tâm sự: “50 tuổi tôi lại phải lập nghiệp lại từ đầu để lo cho bố mẹ già và con nhỏ. Tôi đã thử làm rất nhiều nghề: Bán bún, bán phở để mưu sinh nhưng không thành công. Tôi vẫn may mắn hơn nhiều anh chị em ở hãng, nhà có cái cửa hàng nho nhỏ nên tôi về cùng vợ bán bia để sống qua ngày. Nhiều anh chị em của hãng phải đi làm giúp việc, chạy Grab để mưu sinh”.

Hãng Phim truyện Việt Nam: Kỹ sư bán bia, biên kịch bán hải sản - 7

Quay phim Lê Minh Hà.

May mắn hơn, một số nghệ sỹ khác của hãng vẫn được làm phim nhờ cộng tác với nhiều đơn vị bên ngoài. Có người đứng ra tự mở công ty làm phim riêng, vẫn được làm đúng nghề sở trường của mình. Biên kịch Tống Phương Dung là người như thế. Nhưng mỗi lần quay lại cơ quan, nhìn những đồng nghiệp thân thiết vất vả mưu sinh, chị không khỏi chạnh lòng: “Chúng tôi không hề phản đối cổ phần hóa vì đấy là chủ trương của Nhà nước. Thậm chí chúng tôi còn mong muốn cổ phần hóa vì muốn hãng phim tốt đẹp hơn, công ăn việc làm được đảm bảo hơn. Nhưng suốt 7 năm qua, chúng tôi không lương, không bảo hiểm. Tất cả các chế độ đều bằng 0!”.

Không chỉ mất lương, nhiều cán bộ hãng phim truyện Việt Nam còn không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Việc gián đoạn bảo hiểm xã hội sẽ khiến cho họ - những người có hàng chục năm cống hiến cho Điện ảnh Việt Nam – có nguy cơ ảnh hưởng đến lương hưu khi hết tuổi công tác. Đó là những thảm cảnh mà hơn 40 cán bộ công nhân viên hãng phim truyện Việt Nam đang phải đối diện.

7 năm ôm đơn đi kiện, kiến nghị của cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam vẫn rơi vào vô vọng. Tại sao từ năm 2018 đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai sót trong quá trình cổ phần hóa, mà đến nay vẫn chưa thể sửa sai, khắc phục hậu quả? Câu chuyện này sẽ được chúng tôi đề cập ở bài 2 của loạt bài "Từ đỉnh cao điện ảnh đến thảm cảnh xót xa".

Anh Tuấn(VOV2)
Bình luận
vtcnews.vn