Hàng nghìn chim yến chết nhiễm cúm A/H5N1

Sức khỏeThứ Tư, 10/04/2013 10:34:00 +07:00

Hàng ngàn con chim yến nuôi tại rạp Thanh Bình (đường Thống Nhất, phường Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm) bị chết vì nhiễm cúm A/H5N1.

Hàng ngàn con chim yến nuôi tại rạp Thanh Bình (đường Thống Nhất, phường Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm) bị chết vì nhiễm cúm A/H5N1.

Trong khi đó tại Ninh Thuận, tuần qua, chim yến nuôi chết hàng loạt. Chiều 9-4, theo chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm và các ngành chức năng đã có cuộc họp khẩn cấp với 54 hộ nuôi chim yến trên địa bàn TP để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh ở đàn chim.

Trước đó, ông Võ Thái Lâm, một thành viên trong HĐQT Công ty CP Yến Việt ở TP Phan Rang - Tháp Chàm có đơn gửi các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, cho biết công ty này có cơ sở nuôi yến rất lớn ở địa chỉ 594  Thống Nhất, TP Phan Rang - Tháp Chàm (hơn 100.000 con). Từ ngày 24-3, có khoảng 6.000 con chim yến chết. Ông Lâm đã báo với lãnh đạo công ty nhưng vì lợi ích cục bộ, công ty đã không có biện pháp phòng bệnh.

Ngày 1-4, ông Lâm đích thân lấy mẫu chim yến chết và nhờ ông Lâm Trọng Nhân (phường Phước Mỹ, TP Phan Rang - Tháp Chàm) đưa đi xét nghiệm ở Cơ quan Thú y Vùng 6 (TPHCM). Ngày 2-4, cơ quan này thông báo kết quả tất cả các mẫu chim yến chết đều nhiễm cúm A/H5N1. Thông báo này cũng được gửi đến Chi cục Thú y Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết quan điểm của tỉnh là không che giấu thông tin dịch bệnh, xác nhận thông tin chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 và sẵn sàng công bố tình trạng dịch bệnh theo đúng quy trình.

Tình hình như vậy là rất khẩn cấp và nguy hiểm vì theo khảo sát của Chi cục Thú y Ninh Thuận, 54 cơ sở nuôi chim yến trên đều nằm trong khu dân cư đông đúc với diện tích nuôi khoảng 50-300 m2/hộ, do vậy rất khó kiểm soát nếu xảy ra dịch bệnh.

Hai sở NN-PTNT và Y tế cùng phối hợp với UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã triển khai khẩn cấp các biện pháp tiêu độc, khử trùng ở tất cả các cơ sở nuôi chim yến. Hôm nay (10-4), Bộ NN-PTNT sẽ cử đoàn công tác đến Ninh Thuận để giám sát và kiểm soát dịch bệnh. Cũng trong ngày hôm nay, tỉnh Ninh Thuận sẽ lập 2 đường dây nóng để kiểm soát dịch bệnh theo các số điện thoại: 068.800115 và 068.3824754.


Điều đáng lo là kiến thức về vệ sinh dịch tễ của các chủ cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Thuận rất hạn chế. Ngay tại cuộc họp trên, nhiều người thản nhiên cho rằng loài chim này không thể mắc bệnh cúm gia cầm vì “chúng không có chân, không đậu được nên chỉ bay đi kiếm ăn ngoài trời suốt ngày, đến tối mới về nhà...”.







Theo Người lao động

Bình luận