Hàng ngày dùng nước chứa asen, khuẩn tả, dân Hà Nội nơm nớp sợ ung thư

Kinh tếThứ Tư, 21/05/2014 07:45:00 +07:00

(VTC News) - Người dân khu đô thị Xa La (Hà Đông, HN) đang nơm nớp nỗi lo bị ưng thư khi dùng nước sinh hoạt bẩn chứa thành phần asen, amoni, khuẩn tả E.Coli...

(VTC News) - Người dân khu đô thị Xa La (Hà Đông, HN) đang nơm nớp nỗi lo bị ưng thư khi dùng nước sinh hoạt bẩn chứa thành phần asen, amoni, khuẩn tả E.Coli...

Theo phản ánh của người dân tại khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội), hơn 1 tháng nay nhiều hộ gia đình tại đây đã phải sống trong tình trạng thiếu nước và phải sử dụng nước sinh hoạt bẩn.

Vừa dùng vừa lo


Bác Thắng (sống tại căn hộ 2503 tòa CT6 C) cho biết, kể từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà (hồi đầu tháng 4/2014), người dân nơi đây phải chịu cảnh mất nước thường xuyên, và chất lượng nước không được như trước.

Đặc biệt, theo phản ánh, nước sinh hoạt có nhiều vẩn đục, nhiều cặn và chuyển màu vàng.

nước, nước bẩn, nước nhiễm độc, Xa La, thiếu nước, nước Sông Đà
Nhiều cư dân phải đi mua xô về tích nước. 
Do không yên tâm về nguồn nước, nên nhiều hộ gia đình đã phải đi mua nước từ các xe nước chở đến khu đô thị bán hoặc thậm chí phải mua nước Lavie về dùng.


“Nhiều gia đình có con nhỏ phải đi mua máy lọc nước về. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn lo lắng vì máy lọc nước chỉ lọc sạch được nước chứ không khử được độc. Vì vậy, các hộ dân vừa dùng nước vừa lo bị ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác Thắng cho hay.

Còn bác Nguyễn Xuân Hải, một cư dân khác thì lo lắng cho biết, có gia đình khi luộc thịt, thịt chuyển sang màu vàng hoặc màu hồng.

“Rất có thể là do nước bị nhiễm độc”, bác Hải cho hay.

Cùng khu CT6, nhiều hộ khác cũng cho biết, nước sinh hoạt bị quá nhiều cặn bẩn nên nhiều hộ không dám dùng để ăn uống. Tuy nhiên, dù lo ngại nhưng các hộ vẫn buộc phải dùng cho nhu cầu hàng ngày.

Nhận thấy nước sinh hoạt có hiện tượng lạ, nhiều hộ dân đã chủ động gửi mẫu nước đi phân tích.

TS. Lê Thanh Sơn, cán bộ nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng là cư dân của CT6 Xa La cho biết,  từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, nước sinh hoạt của gia đình ông rất đục và có mùi lạ, nên ông đã mang mẫu nước đến cơ quan phân tích.

Ông Sơn rất bàng hoàng trước kết quả mẫu nước nhà mình, khi thấy nước đã bị ô nhiễm nặng: ô nhiễm Asen, Amoni và ô nhiễm hữu cơ.


Cụ thể, theo kết quả phân tích của Phòng Công nghệ điện hóa môi trường, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nước sinh hoạt của cư dân Xa La có hàm lượng Asen cao gần gấp 4 lần mức độ cho phép, hàm lượng Amoni cao gấp 2,5 lần và chất hữu cơ (COD) cao gần gấp 4 lần, nước bị nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform.

Nguy hại hơn, khi các chất độc này không thể xử lý hết bằng máy lọc nước mà hiện nay nhiều hộ dân đang dùng.

Theo ông Sơn, hàm lượng amoni quá cao, nên dù dùng máy lọc nước RO loại lõi lọc tốt (Mỹ, châu Âu) cũng chỉ có thể làm giảm 1 nửa vì Amoni thấm được qua màng lọc, do đó vẫn cao hơn mức cho phép.


Vẩn đục do đổi nguồn nước

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Hoàng Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông cho biết, việc nước tại khu đô thị Xa La xuất hiện vẩn đục và cặn là có thật.

nước, nước bẩn, nước nhiễm độc, Xa La, thiếu nước, nước Sông Đà
Kết quả kiểm nghiệm của người dân. Ảnh: Ngọc Vy 
Nguyên nhân là do đường ống nước Sông Đà bị vỡ nhiều lần, dẫn đến không đủ khả năng cung cấp nước cho khu vực này. Vì vây nước Hà Đông đã phải chuyển sang dùng nguồn nước từ cơ sở 2 Ba La. Quá trình chuyển giao nguồn nước này đã khiến nước tại khu vực Xa La bị vẩn đục và có cặn.


Cụ thể, khi 2 nguồn nước khác nhau (Nước Sông Đà là nước mặt, còn nước cơ sở 2 là nước ngầm) hòa trộn vào nhau sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Thứ hai, khi thay đổi nguồn nước, sẽ phải thay đổi điểm đấu nối, nước sẽ bị xâm thực trong quá trình công ty triển khai.

Thứ ba, do công suất sử dụng nước vào mùa nóng tăng cao, nên nước Hà Đông buộc phải đóng van luân phiên các khu vực. Khi đóng van, không có nước lưu thông trong đường ống, cặn sẽ bị lắng đọng lại và khi có nước sẽ bị đẩy đi khiến cho nước có màu vàng và bị vẩn đục. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ chỉ xuất hiện khi mở vòi nước trong 1 – 2 phút đầu. Khi dòng nước lưu thông ổn định, hiện tượng này sẽ hết.

Về kết quả mẫu nước kiểm định có hàm lượng Asen cao gần gấp 4 lần mức độ cho phép và Amoni cao gấp 2,5 lần, ông Thắng nói: “Nếu nói nước Hà Đông có asen thì tôi khẳng định là không có”.

Còn về lượng Amoni thì ông Thắng thừa nhận, do là nguồn nước ngầm từ trước đến nay hàm lượng Amoni của nước Hà Đông đúng là có cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Cũng theo ông Thắng, trước kia không có hiện tượng này, nhưng gần đây hiện tượng này mới xảy ra do nước Hà Đông buộc phải tăng công suất hoạt động của các giếng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Việc lấy mẫu nước cần phải đảm bảo đúng các quy trình kỹ thuật mới đưa ra được một kết quả chính xác nhất. Vì vậy, kết quả người dân cung cấp sẽ là một cơ sở để Công ty nước Hà Đông xem xét, xử lý.

Hiện Công ty nước Hà Đông vẫn phải gửi các mẫu nước đi kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, sau khi có phản ánh của cư dân tại khu đô thị Xa La, Công ty nước sạch Hà Đông tới đây sẽ cùng các cư dân và cơ quan truyền thông cùng lấy mẫu nước để đi kiểm nghiệm.

Để khắc phục tình trạng trước mắt, Công ty nước Hà Đông sẽ cho vệ sinh lại các cơ sở sản xuất, không cho người lạ ra vào hoặc những hoạt động không liên quan khác được diễn ra tại nơi cung cấp, sản xuất nước.

Cũng theo ông Thắng, hiện khu vực sản xuất nước rất gần với khu vực dân cư và nhiều công trình trái phép đang được tồn tại ở đây, ảnh hưởng tới việc sản xuất nước của công ty. Công ty đã có văn bản đề nghị UBND phường  và quận Hà Đông phải giải phóng các công trình này.
Bản thân amoni không độc, nhưng khi nó tồn tại trong nước sẽ chuyển thành nitrite. Nitrite trong nước sẽ ức chế men enzim trong thịt cản trở quá trình chuyển màu của thịt.

Khi vào cơ thể, nitrite sẽ tranh oxy trong hồng cầu của con người, gây bệnh hiểm nghèo (ung thư, u bướu…) với tỷ lệ cao.

Chất này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, ngoài khả năng mắc bệnh ung thư, trẻ còn có nguy cơ mắc trực tiếp bệnh xanh da và các bệnh về đường hô hấp (do hệ men phân huỷ nitrite của trẻ chưa phát triển).

Trong một nghiên cứu ở nước ngoài về tác hại của amoni trên động vật thực nghiệm (thỏ, khỉ, chuột) cho thấy, nếu cho động vật thực nghiệm uống nước có lượng amoni gấp 5 – 6 lần cho phép, sau ba tuần đến một tháng, những con vật này có thể xuất hiện khối u.

Tiến sĩ Trần Văn Nhị, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam 

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn