Hàng ngàn vịt trời thình lình xuất hiện tại Phú Yên

Thời sựThứ Sáu, 03/06/2011 02:39:00 +07:00

(VTC News) - Đàn vịt trời với hàng nghìn con bỗng nhiên xuất hiện trên các cồn cát trắng trên sông Ba (Phú Yên)mà người dân địa phương vẫn chưa hiểu vì sao?


(VTC News) - Đàn vịt trời với hàng nghìn con bỗng nhiên xuất hiện trên các cồn cát trắng trên sông Ba (Phú Yên) mà người dân địa phương vẫn chưa hiểu vì sao?

Sự xuất hiện lạ thường

Hai bên bờ hạ lưu sông Ba, thuộc địa bàn các huyện Phú Hòa và Tây Hòa (Phú Yên), tình trạng xâm thực đất vườn, thổ cư diễn ra với tốc độ chóng mặt. Nắng hạn, thủy điện tích nước, làm cho dòng sông vốn đã chịu nhiều tác động của nạn khai thác cát, hoạt động đánh bắt hủy diệt… trở nên nham nhở, lồi lõm khác thường.

Chọn một ví trí cao, quét tầm mắt quan sát toàn cảnh mới thấy hết sự tàn phá, hủy hoại đến kinh hoàng do con người gây ra đối với dòng sông này. Tuy mấy ngày qua có mưa Tiểu mãn, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, do dòng sông bị mất nước trầm trọng.

Có chuyện lạ thường là vài tháng trở lại đây, không hiểu sao đàn vịt trời bỗng dưng tụ tập thành từng bầy trên các ụ cát nhỏ ngoi bên mép nước. Nhiều nhất là ở đoạn sông thuộc địa bàn thôn Định Thọ, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa và xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa.

Xuất hiện hàng nghìn vịt trời trên các ụ cát dọc triền sông Ba 


Đầu đội bó cỏ còn tươi vừa mới cắt ở giữa dòng, Bà Lê Thị Yến, sống ven sông đã hơn 10 năm nay cho biết: “Thông thường, vịt trời chỉ tụ tập 5 – 10 con, nhưng không hiểu sao khoảng một tháng nay lại tụ tập thành từng bầy hàng trăm, thậm chí có lúc cả nghìn con, thường là vào buổi trưa ngay ụ cát sau nhà. Chỉ cần có tiếng động nhỏ, hoặc bóng người là chúng bay đi mất, khó có thể bắt được”. 

Theo nhiều người dân địa phương, có thể là do nước cạn, mặt nước bị thu hẹp đến mức nhiều đoạn sông chỉ còn lại những vũng nước đọng nên vịt trời không còn nơi để vùng vẫy, kiếm ăn. Một số ít người khác thì cho rằng, do mùa này cá rô phi sinh nở nên thu hút vịt trời từ khắp nơi đổ về.

Anh Phạm Văn Khôi, ở thôn Định Thọ, người thường xuyên đánh lưới trên khúc sông này cho biết: “Trước đây, khi chưa có thủy điện, sông Ba tại khu vực này có đủ các loại cá như: chép, mè, thát lát, cá lóc… thậm chí nhiều vùng có cả cá chình quý hiếm, nay thì hầu như không còn, mà chủ yếu là cá rô phi, cá trắng, cá thát lát. Sự hiện diện của đàn vịt trời có thể chúng tập trung về đây để kiếm ăn”.

Những người sống lâu năm bên bờ sông cho biết, trước đây diện tích mặt nước sông Ba rộng lớn, trong lành, vịt trời nói riêng, các loài chim nói chung thỏa thích kiếm ăn trải đều đều khắp nơi, chứ không có tình trạng co quắm lại một vài điểm như bây giờ. Đây là lần đầu tiên có hiện tượng kỳ lạ này.

Từ thôn Định Thọ, xuôi về phía hạ lưu chừng 1km, chúng tôi bất ngờ bắt gặp một bầy vịt trời lông đen xám, ước cả nghìn con ngự trị trên một ụ cát có đường kính chừng 30m. Vội vàng núp vào một bụi cây ven sông, để máy ở chế độ “la phanh”, may mắn lắm tôi mới ghi lại được hình ảnh kỳ thú này. Vì khi động tác máy vừa dứt, cũng là lúc bầy vịt phát hiện, xải cách tung vút trời mây, mất hút.

Ngược trở lên phía nhà dân gặp anh Phan Tám, cũng ở thôn Định Thọ, người có thâm niên nuôi vịt nhà số lượng lớn trên sông Ba, được anh cho biết: “Sống tại đây đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng này. Vì hiếu kỳ, nên anh cũng đã nhiều lần “rình” để quan sát xem thử là loài chim gì mà tự nhiên tụ tập đông đến thế.

Tuy nhiên, chúng rất nhát, chỉ cần phát hiện mình “ngóc” đầu ra khỏi bụi cây là bay mất. Có điều lạ là khi vịt nhà ăn xong, lúc vắng vóng người, bầy vịt trời lén lút tiến sát vào vườn nhà tranh thủ ăn thức ăn còn sót lại rồi bay đi”.


Mai này ô nhiễm, vịt trời về đâu?


Tình trạng khai thác cát dưới mọi hình thức, quy mô, băm nát dòng dông; người dân trồng cỏ tràn lan giữa dòng để nuôi bò; các nhà máy lén lút xả chất thải sau sản xuất ở đầu nguồn; các hồ thủy điện thi nhau tích nước “chống hạn”… đã và đang từng ngày làm biến dạng sông Ba.

Người ta sợ vì ô nhiễm, đàn vịt trời rồi sẽ bay đi 


Tranh thủ thả tiếp mẻ lưới thứ hai tại khúc sông này, khi trên chiếc xuồng câu chỉ vỏn vẹn 5 con cá rô phi “ốm nhách”, anh Phạm Văn Khôi, người đánh lưới ở thôn Định Thọ nói giọng buồn bã: “Sông Ba giờ chỉ còn 2 lạch, giữa là cồn cỏ mênh mông. Cá to chẳng còn mấy, đánh cả ngày cũng chỉ đủ tiền đi bữa chợ chiều. Người còn không có cá để ăn, nói gì đến vịt”.

Theo anh Khôi, thời gian gần đây ở khu vực lạch Đám Mộc, xã Hòa Định Tây, nước sông thường hay xuất hiện nhớt đường nổi lênh bênh cả một vùng rộng lớn, thậm chí ngay cả trên mương nước, nhiều nhất là vào ban đêm. Có khi kéo lưới lên, nhớt đường bám thành từng cục đen kịt, bốc mùi rất khó chịu, đành phải di chuyển về phía hạ lưu đánh giã cào kiếm cơm. Đây có thể là nguyên nhân vịt trời đổ dồn về đây kiếm ăn trong tù túng (?)

Thực trạng xả thải của các nhà máy thời gian qua khiến người dân bức xúc kiến nghị lên HĐND các cấp. Ông Huỳnh Lê Định, Trưởng Phòng TN – MT huyện Phú Hòa thừa nhận: “Việc cử tri phản ánh là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên cách đây chừng một tháng đã phối hợp với Chi cục môi trường kiểm tra trên sông Ba và kênh chính Bắc (dọc QL 25), nhưng tại thời điểm, không phát hiện ô nhiễm”.

Cũng theo ông Định, tình trạng khai thác cát trái phép thuộc địa bàn quản lý vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến dòng chảy. Hiện mới chỉ có HTX Nông nghiệp Đông Hòa An được cấp phép khai thác trên diện tích 1ha. Đang đề nghị cấp phép cho thị trấn Phú Hòa và xã Hòa Thắng 1 với diện tích 2 ha.

Theo các nhà chuyên môn, việc tranh thủ mùa nước cạn, nhiều người dân tự ý trồng cỏ trên sông cũng làm thay đổi dòng chảy. Nguy hiểm hơn, do các thủy điện tích nước cầm chừng vào mùa khô và xả lũ vào mùa mưa khiến mực nước sông Ba ở khu vực hạ lưu lên xuống đột ngột, tập trung lưu lượng lớn dồn vào hai lạch phía Nam và phía Bắc. Sức nước và lưu lượng không đủ để san bằng các cồn cỏ giữa dòng, dẫn đến sự xâm thực nặng nề hai bên bờ sông.

Mới bước vào đầu mùa khô, nước sông Ba đã gần như cạn kiệt và có hiện tượng ô nhiễm ở đầu nguồn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước sinh hoạt của người dân sinh sống dọc hai bên bờ hạ lưu. Dư luận bày tỏ lo ngại, nếu không có giải pháp ngăn chặn đồng bộ, có tính lâu dài… mai này sông Ba có còn không?!

Văn Nguyễn-Nam Phương

    
    
Bình luận
vtcnews.vn