Hàng loạt trẻ sốt phát ban nghi sởi

Sức khỏeThứ Bảy, 06/09/2014 06:16:00 +07:00

(VTC News)- Mới đây, tại Sơn La và Hòa Bình đã xuất hiện nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

(VTC News)- Mới đây, tại Sơn La và Hòa Bình đã xuất hiện nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Trong các ngày từ 18/8/2014 - 4/9/2014, tại xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) đã ghi nhận 93 trường hợp bị sốt phát ban nghi sởi. Còn trong thời gian từ 15/8/2014 - 30/8/2014 tại huyện Vân Hồ (Sơn La) ghi nhận 50 trường hợp mắc bệnh nói trên.

 Để khống chế sớm ổ dịch, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đề nghị  các Giám đốc Sở Y tế hai tỉnh trên tăng cường giám sát diễn biến của dịch bệnh; rà soát thống kê toàn bộ trẻ 1-14 tuổi toàn tỉnh và phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhanh chóng tổ chức chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella ngay trong tháng 9.

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu địa phương đẩy mạnh tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động vắcxin sởi và vắcxin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng ngoài các điểm tiêm cố định tại trạm y tế xã. Mục đích là nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, không để các vùng “lõm”.

Sau đây là những thông tin về bệnh sởi


1. Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?

Cháu bé này bị biến chứng viêm phổi sau sởi tại BV Nhi TW vào tháng 4/2014
Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Đây là bệnh lây nhiễm từ người sang người. Không ghi nhận bệnh sởi ở động vật.


2. Có phải bị nhiễm virus sởi thì sẽ mắc bệnh sởi không?


Đúng. Không có trường hợp người lành mang virus. Những người đã có miễn dịch với virus sởi do tiêm văcxin trước đó hoặc từng mắc sởi sẽ không bị mắc bệnh nữa.

3. Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?

Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là:
- Trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, trẻ dưới 9 tháng tuổi không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc mẹ chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ.
- Trẻ đã tiêm văcxin nhưng chưa có  đáp ứng miễn dịch.
- Thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm văcxin trước đây. Do vậy, các nhóm này cần được bảo vệ bằng tiêm văcxin sởi. Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.

4. Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào?


Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng.

5. Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp gì?

Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm huyết thanh là phương pháp chính xác nhất. Cần lấy 3 ml máu của bệnh nhân trong khoảng 28 ngày kể từ khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Nếu kết quả dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã mắc sởi.

Bên cạnh đó, có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và các thông tin tiếp xúc với nguồn lây.

6. Làm thế nào để phòng bệnh sởi?

Tiêm văcxin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.

7. Tiêm văcxin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?

Cũng như các văcxin khác, tiêm văcxin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại văcxin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng văcxin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.

8. Miễn dịch sau tiêm văcxin sởi có bền vững suốt đời?

Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm văcxin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.

9. Tại sao phải tiêm hai liều văcxin sởi?

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm văcxin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản văcxin...

Việc tiêm mũi văcxin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm văcxin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.

» 'Siêu bão' viêm não Nhật Bản có xảy ra?
» 139 trẻ tử vong liên quan đến sởi
» Câu chuyện cảm động về điều dưỡng cứu sống bệnh nhi sởi
» Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Truyền thông chống dịch phải hấp dẫn như... quảng cáo

Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn