Hàng loạt hạn chế bộc lộ sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 18/09/2015 02:06:00 +07:00

Việt Nam gia nhập WTO: Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, bất cập của nền kinh tế từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

(VTC News) – Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, bất cập của nền kinh tế từ khi Việt Nam là thành viên của WTO.

Sáng 18/9, Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã  trình bày báo cáo giám sát kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu 
Ông Giàu khẳng định việc hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã tác động toàn diện đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước và kết quả đạt được là đáng ghi nhận.

Hệ thống thể chế pháp luật, chính sách ngày càng hoàn thiện. Việc Việt Nam gia nhập WTO đã giúp có sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận xã hội. Kết quả nổi bật là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số sản phẩm đứng hàng đầu thế giới.

Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch và được tái cơ cấu theo hướng tích cực. Công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đóng góp cao vào tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước đã được điều chỉnh kịp thời, tăng thu nội địa để bù đắp cho phần giảm thuế nhập khẩu…
Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế sau khi gia nhập WTO
Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế sau khi Việt Nam gia nhập WTO 
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay còn những hạn chế, bất cập.

“Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện; cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu còn thấp. Chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa cao như chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu, tính liên kết với doanh nghiệp trong nước kém, tỷ trọng xuất khẩu cao nhưng nộp ngân sách thấp”, ông Giàu nói.

Bên cạnh đó, vị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn cho rằng năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu.

Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trước các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước, trong khi việc hình thành và áp dụng các rào cản kỹ thuật thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam còn thiếu và yếu.

Báo cáo cũng chỉ rõ, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước.

“Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là ông tác thông tin, tuyên truyền còn chưa sâu rộng; một số bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Thể chế pháp luật kinh tế ngày càng hoàn thiện nhưng chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao. Chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân”, ông Giàu nói.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương chậm thực hiện cải cách hành chính, cải cách khu vực công, điều hành thiếu quyết liệt, chưa năng động, sáng tạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các cam kết quốc tế chưa được coi trọng.

"Mặt khác, một số hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp còn thụ động. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền chưa chủ động đề ra giải pháp hạn chế mặt trái của quá trình hội nhập đối với lĩnh vực xã hội, văn hóa và môi trường", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn