Hàng loạt cô gái trẻ nhập viện vì nghiện facebook, bác sĩ tâm thần ra 'cảnh báo đỏ'

Sức khỏeThứ Năm, 08/02/2018 11:15:00 +07:00

TS.BS Tô Thanh Phương (Phó Giám đốc, Trưởng Khoa cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) ra 'cảnh báo đỏ' của hội chứng trầm cảm, tâm thần khi dùng điện thoại, mạng xã hội quá nhiều.

Trước tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ mắc phải những bệnh tâm thần hiện đại, nghiện mạng xã hội, nghiện facebook với nhiều biểu hiện nguy hiểm, PV báo điện tử VTC News đã trò chuyện với TS.BS Tô Thanh Phương (Trưởng Khoa cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Đọc bài 1:Đau xót chuyện những cô gái trẻ nghiện facebook phải nhập viện tâm thần

anh1

TS.BS Tô Thanh Phương ( Phó Giám đốc, Trưởng Khoa cấp tính nữ - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Ảnh: Lệ Chi)

- Thưa TS.BS Tô Thanh Phương, được biết, thời gian gần đây, Bệnh viện Tâm thần TW I có tiếp nhận một nhiều trường hợp vì sử dụng facebook quá mức độ dẫn đến các vấn đề về tâm thần. Xin bác sĩ cho biết tình trạng của các bệnh nhân này khi nhập viện?

Nói về các trường hợp nhập viện gần đây, mỗi một bệnh nhân lại có một biểu hiện bệnh khác nhau.

Có bệnh nhân bị gia đình cưỡng chế đem vào, khi bệnh nhân biết thì phản ứng rất dữ dội: Tức giận, đập phá, khóc lóc,…

Có bệnh nhân bị trầm cảm rất nặng, tình trạng sử dụng điện thoại nhiều, đã điều trị ở bệnh viện Bạch Mai rất lâu với các triệu chứng như suy nhược, bỏ ăn.

Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh bình thường nhưng không chịu ăn uống bất cứ thứ gì, các bác sĩ phải cưỡng chế ăn theo đường xông, bơm qua mũi,…

Có bệnh nhân thì hằn học với gia đình, cha mẹ do nghiện điện thoại…

Nhìn chung, các bệnh nhân này đều ở mức độ trầm cảm từ trung bình cho đến nặng, có sử dụng điện thoại trong một thời gian dài.

- Vậy, đối với các bệnh nhân này, họ nghiện facebook trước, hay bị trầm cảm rồi mới nghiện facebook, thưa bác sĩ?

Chúng tôi đã điều trị cho cả 2 trường hợp bệnh nhân nói trên.

Trường hợp của bệnh nhân T. có dấu hiệu trầm cảm trước đó. Sau khi bệnh nhân được đưa đến điều trị tại bệnh viện, khi ấy bệnh nhân vẫn chưa nghiện facebook và được chẩn đoán trầm cảm.

Tuy nhiên, khi điều trị chứng trầm cảm chưa dứt, bệnh nhân vẫn còn tâm trạng buồn rầu lại tiếp tục sử dụng công nghệ để khuây khỏa; từ đó dẫn đến nghiện facebook. Đây là trường hợp nghiện facebook sau khi bị trầm cảm. Đồng thời, facebook cũng làm cho bệnh trầm cảm trở nên nặng hơn, nghiêm trọng hơn.

Trường hợp của bệnh nhân H., bệnh nhân chưa bị trầm cảm trước khi nghiện facebook. H. sử dụng facebook quá mức, thời lượng sử dụng lớn, ngày càng tăng cao, trở thành nghiện facebook không kiểm soát được. Khi bị gia đình cắt khỏi facebook thì H. phản ứng rất mãnh liệt.

Việc sử dụng, xem facebook, điện thoại quá nhiều khiến bệnh nhân bị căng thẳng về cảm xúc trong thời gian dài dẫn đến trầm cảm.

anh3 3

 Bệnh nhân trò chuyện cá nhân, dỗ dành lẫn nhau ở một góc của bệnh viện (Ảnh: Lệ Chi)

- Qua tìm hiểu, bệnh nhân nghiện facebook và bị trầm cảm thường có những hoàn cảnh, câu chuyện riêng dẫn họ tới việc sử dụng rồi mắc bệnh. Họ sử dụng facebook nhiều để xả stress, trốn tránh đời thực... bị nghiện rồi trầm cảm. Vậy, theo bác sĩ, facebook có thực sự là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trầm cảm của họ hay không?

Về mặt nguyên nhân, khi đã nghiện điện thoại và facebook, tức là bạn phải mất rất nhiều thời gian vào việc sử dụng nó. Một ngày, con người phải ngủ từ 6-8 tiếng, nhưng vì sử dụng facebook, căng thẳng tột độ, bệnh nhân không ngủ được.

Chỉ riêng việc mất ngủ nặng mà lúc nào bệnh nhân cũng căng thẳng tột độ như vậy, lại không ăn được rất dễ bị biến loạn sức khỏe tâm thần.

Có 3 tiêu chuẩn chính để chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm.

Thứ nhất là khí sắc trầm cảm: Bệnh nhân buồn rầu, chán nản, bi quan từ 2 tuần trở lên.

Thứ hai là bệnh nhân giảm sở thích, hoặc đã có sở thích lành mạnh, nhưng sau đó giảm hết đi, không còn thích làm việc đó nữa mà chỉ tập trung vào điện thoại, facebook.

Thứ ba, bệnh nhân giảm năng lượng, hay mệt mỏi suy nhược, không ăn không ngủ được.

Ngoài ra, còn có 7 tiêu chuẩn phụ để chúng tôi đánh giá như: Bệnh nhân giảm tập trung, giảm tự trọng và lòng tự tin, nhìn tương lai ảm đạm bi quan, có ý định và hành vi tự sát, rối loạn giấc ngủ và hành vi ăn uống…

Căn cứ vào các triệu chứng này mà chúng tôi xếp bệnh nhân vào các dạng trầm cảm khác nhau.

Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc họ nghiện facebook. Tuy nhiên, sử dụng facebook, điện thoại di động, chơi các trò chơi điện tử quá nhiều sẽ ảnh hưởng chủ yếu tới tâm trạng của bệnh nhân.

Với nhiều trường hợp nghiện facebook là nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm, khiến bệnh trầm cảm càng nặng hơn, biến thể khó chữa trị hơn.

anh2 4

 Hỏi chuyện bệnh nhân trước cửa phòng sinh hoạt chung (Ảnh: Lệ Chi)

- Như vậy, điều trị chứng bệnh này có khó không, thưa bác sĩ?

Nghiện facebook và trầm cảm có liên hệ với nhau. Điều trị trầm cảm chưa dứt thì dùng có thể dẫn đến nghiện công nghệ cao, mạng xã hội và ngược lại.

 
Bệnh nhân nghiện công nghệ cao, tôi nghĩ chúng ta cần sử dụng từ này, khi sử dụng đến mức nghiện thì là bệnh nặng. Việc điều trị thực sự rất khó.

TS.BS Tô Thanh Phương

Nhưng khi bệnh nhân bị nghiện rồi dẫn tới trầm cảm, bệnh nhân còn mắc hai bệnh, sẽ phải vừa điều trị nghiện lại vừa điều trị trầm cảm.

Điều trị trầm cảm xong nhưng bệnh nhân không dứt cơn nghiện, có khả năng tái nghiện cao, thì vấn đề đặt ra tiếp theo là làm thế nào để chặn tái nghiện cho bệnh nhân. Bởi vì khi bệnh nhân tái nghiện, bệnh nhân sẽ lại bị trầm cảm.

Do đó, bệnh nhân vừa nghiện facebook, nghiện công nghệ cao, nghiện dẫn tới trầm cảm, bệnh kép thì điều trị khó hơn là trầm cảm nội sinh, cần một thời gian dài và có sự phối hợp hết sức giữa bác sĩ điều trị và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

- Liệu rằng sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân có nguy cơ tái phát bệnh hay không, thưa bác sĩ?

Đối với các những người phát bệnh có nguyên nhân sâu xa từ những lý do cá nhân như hoàn cảnh gia đình, áp lực xã hội, v.v… thì phía bệnh viện rất khó can thiệp vào những nguyên nhân này.

Đôi khi cũng bởi do người nhà, người bệnh ngại chia sẻ vấn đề của mình vì tâm lý ‘vạch áo cho người xem lưng’.

Để không tái phát bệnh, người bệnh và người nhà phải tự điều chỉnh nhằm tự khắc phục những nguyên do sâu xa đó.

Đồng thời, người nhà bệnh nhân, những người xung quanh cũng cần được tư vấn tâm lý. Bởi vì họ sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm giúp bệnh nhân khỏi bệnh.

Video: Con gái nghiện facebook, bố mẹ đánh thuốc mê đưa vào viện tâm thần

- Theo bác sĩ, tỉ lệ trầm cảm ở giới trẻ liệu có tăng cao lên trong tương lai hay không? Làm cách nào để giảm thiểu tình trạng đó?

Theo tôi, bệnh trầm cảm là căn bệnh của xã hội phát triển, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều bệnh nhân trầm cảm.

Con người hàng ngày sử dụng công nghệ cao càng nhiều thì càng dễ trầm cảm, tỉ lệ này sẽ tăng cao và khó kiểm soát.

Nhất là đối với lứa tuổi học sinh cấp hai, cấp ba. Vừa qua, chúng tôi cũng có điều trị cho 2-3 bạn học sinh ở lứa tuổi này – đây là độ tuổi ham hiểu biết và dễ tổn thương. Gia đình cần phải có biện pháp kiên quyết, hiểu được tầm quan trọng của tâm sinh lý tuổi dậy thì, thì chứng trầm cảm mới có thể kiểm soát.

Có thể áp dụng một số biện pháp như: Học sinh cấp hai, cấp ba thì không cho sử dụng điện thoại thông minh. Thay vào đó, các em được sử dụng máy tính để bàn, phụ huynh có thể kiểm soát được số giờ, mức độ các em sử dụng công nghệ…

Quan tâm con, chăm sóc cho con, nếu thấy có biểu hiện bất thường thì ngay lập tức phải đưa con đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

>>> Đọc thêm: Nên bỏ thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh cho ngày Tết

Lệ Chi - Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn