Hàng chục vạn nhà dân, trường học bị bão số 9 tàn phá

Tin nhanh 24hThứ Tư, 28/10/2020 18:11:00 +07:00
(VTC News) -

Bão số 9 tàn phá hàng chục vạn nhà dân, trường học, công trình kinh tế; mưa lớn đe dọa gây thiệt hại nặng nề ở Tây Nguyên những ngày tới nếu không cảnh giác.

Chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 (Molave) thông tin về những thiệt hại do bão gây ra.

Đến giờ phút này, con số thiệt hại được ghi nhận ban đầu là một người chết ở Tây Nguyên, còn miền Trung chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên, 2 tàu cá của Bình Định với 26 ngư dân vẫn mất tích, các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.

Cơn bão khốc liệt cũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản, hàng chục vạn ngôi nhà của dân và hạ tầng đã hỏng hóc, công trình kinh tế cũng thiệt hại nặng nề.

Gió mạnh giật sập hoàn toàn 34 ngôi nhà. Hơn 56.000 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó Quảng Ngãi có 53.390 ngôi nhà (đang đề nghị BCH Quảng Ngãi phân loại cụ thể mức độ thiệt hại), Bình Định: 2.588, Phú Yên: 44, Gia Lai: 109, Kon Tum: 32. Có 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.

Bão khiến 1 cầu treo huyện Kon Rẫy (Kon Tum) bị cuốn trôi, chi cắt 115 hộ/680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Lưới điện 110kV bị sự cố ở 14 đường dây và 10 trạm biến áp, khiến hơn 1,7 triệu hộ ở 616 xã phường tại 10 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên bị mất điện.

Bộ trưởng cho biết, chưa cơn bão nào có thời gian lưu gió mạnh kéo dài liên tục hơn 6 giờ đồng hồ như bão số 9. Cơn bão này hoành hành ở đất liền các tình từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trọng điểm là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và một phần của Bình Định.

Hàng chục vạn nhà dân, trường học bị bão số 9 tàn phá - 1

Bão số 9 tàn phá hàng chục vạn nhà dân, trường học các tỉnh Nam Trung bộ. 

Từ 10h đến 16h hôm nay (28/10) tốc độ gió vẫn là cấp 10, giật cấp 11, 12, cho thấy sức tàn phá rất khủng khiếp. Gió lớn và đi cùng với quy mô như vậy gây mưa to suốt từ tối 27/10 đến nay, có những điểm mưa trên 200mm liên tục.

Chỉ trong 2 ngày, chúng ta phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, từ việc di dời 400.000 người dân ở vùng nguy hiểm của 6 tỉnh thành đến việc đưa 45.000 tàu thuyền của ngư dân với 300.000 lao động đến nơi an toàn. Các thiết chế hạ tầng trên bờ, các hoạt động kinh tế của 6 tỉnh tạm thời đóng cửa, một khối lượng công việc khổng lồ phải kiểm tra”, Bộ trưởng nói.

Ông Cường đánh giá, cơn bão lịch sử ập vào vùng lũ chồng lũ đã khiến toàn bộ hệ thống chính trị và người dân phải vào cuộc. Ý thức người dân rất cao, thực hiện nghiêm chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, do đó kết quả ban đầu là giảm thiểu đến mức nhất thiệt hại về người.

Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên vẫn đang mưa gió lớn, phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, nếu không thiệt hại sẽ không kém ở miền Trung.

Hàng chục vạn nhà dân, trường học bị bão số 9 tàn phá - 2

Cảnh hoang tàn ở Nam Trung bộ sau khi bão số 9 đổ bộ. 

Mặt khác, phải điều hành, vận hành các hồ chứa một cách khoa học vì 1 - 2 ngày tới vẫn còn mưa lớn, đặc biệt là Bắc Trung bộ - khu vực mà hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi đã đầy nước và tổn thương qua 3 đợt lũ vừa rồi.

Bên cạnh đó, ở Nam Trung bộ, các sông đã nhiều nước, hệ thống hồ cũng đầy, nếu xảy ra vấn đề gì nữa thì dễ gây ra hậu quả khôn lường. Chúng ta phải cảnh giác cho đến khi bão dứt hẳn, sau đó mới tái thiết phục hồi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chiều tối 28/10, đoàn công tác của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đi Quảng Ngãi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do cơn bão này gây ra.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, hồi 16h ngày 28/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Chiều tối và tối nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động; sóng biển cao từ 2-4m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-4m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.  

Trên đất liền chiều tối và tối nay, ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngoài ra do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị, có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Đêm nay, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-70mm; từ ngày mai (29/10) mưa giảm.

Cũng từ đêm nay đến ngày 31/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm; ỏ Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm.

XUÂN TIẾN - XUÂN TRƯỜNG
Bình luận
vtcnews.vn