Hancorp 2 nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm, công nhân phẫn nộ

Kinh tếThứ Hai, 22/04/2019 17:02:00 +07:00

Công nhân xí nghiệp gạch Tuynel K2 Đông Văn (Thanh Hóa) bị nợ tiền bảo hiểm xã hội nhiều năm nay, nhưng công ty Hancorp 2 vẫn chưa chi trả số tiền này.

Sáng 22/4, nhiều công nhân xí nghiệp gạch Tuynel K2 Đông Văn (Thanh Hóa) đã đến trước Bộ Xây dựng để yêu cầu Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) và Công ty cổ phần xây dựng Hancorp 2 trả số tiền bảo hiểm lao động của công nhân từ năm 2013 đến nay.

Theo công nhân Lê Xuân Trường, từ tháng 2/2018 Công ty Hancorp 2 đã ngừng hoạt động, gần 200 công nhân mất việc làm.

57750754_426780698108491_532592613472075776_n

 Nhiều công nhân đến trước cổng Bộ Xây dựng phản ứng. (Ảnh: Châu Anh)

Tuy công ty ngừng hoạt động, nhưng hiện không trả sổ bảo hiểm cho người lao động để họ đi tìm việc mới. Nguyên nhân là do Công ty Hancorp 2 hiện đang nợ bảo hiểm của người lao động từ năm 2013.

"Có nhiều người sau khi thất nghiệp, đã đi tìm nơi làm việc mới. Nhưng 92 người chúng tôi, 1 năm nay vẫn chưa đi làm ở đâu được vì công ty không trả sổ bảo hiểm, để người lao động đi tìm chỗ mới", anh Trường bức xúc nói.

Cũng theo anh Trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã yêu cầu Tổng công ty Hancorp và Hancorp 2 phải giải quyết cho công nhân gạch Đông Văn trong tháng 9/2018, nhưng đến nay, tổng công ty vẫn không thực hiện.

Được biết, Công ty Cổ phần xây dựng Hancorp 2 là công ty cổ phần được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nghiệp từ ngày 1/4/2004, tiền thân là Công ty xây dựng K2 trực thuộc Bộ Xây dựng được thành lập ngày 12/3/1968 theo quyết định của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng).

Đến 9/1995 Công ty là đơn vị thành viên của Tổng công ty xây dựng Hà Nội - Bộ Xây dựng. Sau đó, tháng 1/2004 được chuyển thành công Công ty cổ phẩn xây dựng K2, trực thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội theo quyết định số 1747/QĐ-BXD ngày 26/12/2003 với số vốn điều lệ là 6 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước chi phối là 61,8%, tương đương 3,7 tỷ đồng.

57398636_691475944588760_6036245847816011776_n

 Trang thiết bị nhà máy gạch Đông Văn đã bị tháo dỡ đi hết. (Ảnh công nhân cung cấp).

Từ tháng 3/2013 công ty đổi tên thành Công ty cổ phần xây dựng Hancorp 2 và tỷ lệ vốn nhà nước hiện tại chỉ còn 46,807%.

Theo báo cáo của Công ty Hancorp 2 ngày 25/9/2018, số nợ ngân hàng của công ty này là 32,8 tỷ đồng, trong đó tiền lãi là 14,1 tỷ đồng. Nợ bảo hiểm các loại của người lao động tính đến 31/8/2018 khoảng là 24,741 tỷ đồng, trong đó lãi là 8,89 tỷ đồng.

Nợ ngân sách nhà nước là 25,08 tỷ đồng, một số khoản nợ tổng Tổng công ty, đối tác tạm tính là trên 80 tỷ đồng.

Trước những bức xúc của công nhân nhà máy gạch Đông Văn, tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã yêu cầu công Công ty Hancorp 2 và tổng Tổng công ty Hancorp (hiện có 46.07% vốn tại Công ty Hancorp 2 phải "ưu tiên giải quyết chế độ ốm đau, thai sản và thanh toán trước từ 1 đến 2 tháng tiền lương cho người lao động, thực hiện các thủ tục liên quan đối với 92 công nhân có nguyện vọng kết thúc hợp đồng lao động tại Công ty cổ phần xây dựng hancorp 2. Yêu cầu Tổng công ty Hancorp chỉ đạo thực hiện trong tháng 9/2018".

Trước chỉ đạo của Bộ Xây dựng, ngày 29/11/20192018, Tổng công ty Hancorp trong buổi làm việc với 92 công nhân nhà máy gạch Đông Văn đã thống nhất: "Để có nguồn tiền nộp bảo hiểm xã hội, công ty Hancorp 2 đang triển khai các bước để bán một phần tài sản. Viếc bán tài sản phải tuân thủ quy trình của pháp luật, từ việc thuê định giá, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đến tổ chức bán đấu giá tài sản, mất nhiều thời gian. Dự kiến hoàn tất thủ tục bán tài sản và giải quyết chế độ cho người lao động trong quý I/2019, không muộn hơn quý II/2019".

Tuy nhiên, trong khi công nhân đang chờ đợi việc giải quyết này, thì ngày 10/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 1291/QĐ-UBND về việc thu hồi một phần diện tích của công ty Hancorp 2 tại xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện, các tài sản trên đất như máy móc, thiết bị công ty trong nhà xưởng cũng đã không còn.

"Công ty đã thống nhất với chúng tôi về việc sẽ bán tài sản để giải quyết nợ bảo hiểm xã hội. Nhưng vì sao, sự việc chưa được giải quyết, đất thì bị thu hồi? Còn tài sản trên đất cũng không còn?", anh Trường đặt câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hancorp - Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Công ty Hancorp 2. Ông Hồng cho rằng: "Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Thanh Hóa rất nhanh và bất ngờ. Chúng tôi đang kiến nghị".

Cũng theo ông Hồng, khu đất này hiện đang thế chấp tại ngân hàng BIDV, nên nếu thu hồi, ảnh hưởng đến tài sản ngân hàng và hiện BIDV cũng đang có ý kiến về khu đất này.

Ông Hồng cũng cho biết, lúc đầu tỉnh nói thu hồi khu đất này do sử dụng sai mục đích, họ nói chúng tôi cho thuê nhưng chúng tôi không có thuê gì trên khu đất này. Sau đó họ lại nói thu hồi do giao sai diện tích. Nhưng khu đất này được Sở Tài nguyên và Môi trường giao cách đấy mấy chục năm, Công ty Hancorp 2 cũng quản lý mấy chục năm và đều đóng tiền sử dụng đất đầy đủ.

"Khi cổ phần hóa công ty, chúng tôi cũng đã định giá tài sản khu đất này, nên chúng tôi đang kiến nghị tỉnh về việc thu hồi này", ông Hồng cho biết.

Cũng theo ông Hồng, vì khu đất này đang bị dính quyết định thu hồi, nên trước mắt, để giải quyết khó khăn cho công nhân, Tổng Công ty Hancorp2 sẽ bán nhà máy gạch Đông Quang (1 nhà máy khác của Công ty Hancorp2) trước.

Ngoài ra, với số tiền nợ BIDV họ cũng đã đồng ý miễn tiền lãi, tức là số nợ chỉ còn tiền gốc, khoảng 18 tỷ đồng.

"Công ty Han corp 2 là trường hợp đặc biệt, rất khó khăn, tồn tại nhiều từ lịch sử nhiều, nên Bộ Xây dựng, Tổng công ty Hancorp cũng đang rất quyết liệt giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định pháp luật", ông Hồng cho hay.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn