Hàn Quốc đã vô tình giúp BTT phát triển hạt nhân?

Thế giớiThứ Ba, 14/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo nguồn tin từ Điện Cheon Wa Dae, chính sách "Ánh Dương" đã vô tình trở thành nguồn tài chính giúp BTT thực hiện chương trình hạt nhân của mình.

(VTC News) - Một quan chức Điện Cheon Wa Dae hôm thứ 2 tuần trước cho biết, chính sách “Ánh Dương” mà Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun dành cho Bắc Triều Tiên đã vô tình trở thành nguồn tài trợ để Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo nguồn tin trên, Bắc Triều Tiên đã gia tăng đáng kể kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình trong thời gian Hàn Quốc triển khai chính sách “Ánh Dương”, và giờ đây Bình Nhưỡng được báo cáo đang sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng cũng đã khởi động hàng trăm, thậm chí hàng ngàn máy ly tâm giúp làm giàu uranium.

Chính sách "Ánh Dương" của Hàn Quốc vô tình trở thành nguồn cung cấp tài chính cho các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên? 

Chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên chưa phải là một mối đe dọa cho tới tháng 2/1998, thời điểm chính quyền Kim Dae-jung lên nhậm chức.

Không có một vụ thử hạt nhân nào được diễn ra, cũng như không có một chương trình làm giàu uranium nào được thực hiện.


Theo Hiệp định khung năm 1994 tại Geneve, Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình nếu được cung cấp các lò phản ứng nước nhẹ, và điều này dường như được thực hiện rất tốt.

Nhưng giờ đây Bình Nhưỡng đang "có khoảng 10" quả bom hạt nhân, theo ước tính của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Bắc Triều Tiên từng phủ nhận chương trình làm giàu uranium của mình trong một thời gian dài. Những nghi ngờ về chương trình này của Bình Nhưỡng lần đầu tiên được Trợ lý ngoại trưởng Mỹ James Kelly dấy lên hồi tháng 10/2002.

Những người theo đường lối cánh tả đã đứng lên bảo vệ Bắc Triều Tiên, khi cho rằng chính những thành viên bảo thủ trong chính phủ Mỹ dựng lên nghi vấn này để làm gia tăng căng thẳng và ngăn cản việc hòa giải ở Đông Bắc Á.

Tháng 2/2007, Bộ trưởng Bộ thống nhất Lee Jae-joung cho biết “không có một thông tin tình báo” nào rằng Bình Nhưỡng có chương trình làm giàu uranium.

Tuy nhiên, thông tin gần đây nhất do chính Bắc Triều Tiên công bố, thì nước này đang sở hữu hàng ngàn máy ly tâm làm giàu uranium, đồng thời còn mời chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Mỹ Hecker tới thăm một cơ sở hạt nhân được coi là “cực kỳ tinh vi” của mình.

Khi Kim Jong-un chính thức được chỉ định sẽ thay thế vị trí lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-il trong một cuộc diễu binh quy mô lớn ngày 10/10, tại đây, Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên cho toàn thế giới thấy hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung của mình.

Được các nhà tình báo Mỹ gọi là “Musudan”, nó có tầm bắn lên tới 3.000 - 4000 km, khiến nó có khả năng vươn tới những căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ ở Guam.

Bắc Triều Tiên đã đồng thời đẩy mạnh các cơ sở hạt nhân và tên lửa của mình trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, bởi vậy “điều này sẽ đe dọa được Mỹ và Hàn Quốc một khi họ có thể tải thành công những đầu đạn hạt nhân vào những tên lửa này”, ông Baek Seung-joo thuộc Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Trong cuộc diễu binh quân sự hôm 10/10, Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên cho công bố loại tên lửa đạn đạo tầm trung hiện đại nhất của mình. 

Loại tên lửa có tên Taepodong 1 mà Bình Nhưỡng cho thử nghiệm tháng 8/1998 đã bay xa 1.600 km. Vụ thử nghiệm tên lửa này diễn ra chỉ vài ngày trước khi khai mạc kỳ họp Đại hội đồng nhân dân tối cao lần thứ 20, là thời điểm Chủ tịch Kim Jong-il chính thức đứng lên giành quyền lãnh đạo đất nước.

Tên lửa Taepodong 2 được bắn thử năm 2006 bị thất bại, nhưng tên lửa tầm xa mà nước này bắn thử tháng 4 năm 2009 đã đạt tầm với 3.200 km. Miền Bắc hiện công bố rằng họ có loại tên lửa mà tầm với lên tới 6.700 km, tức là có thể tấn công trực tiếp vào Alaska và Guam của Mỹ.

Nước này còn có 600 tên lửa Scud với tầm bắn từ 300 đến 500 km và khoảng hơn 200 tên lửa Rodong có tầm với khoảng 1.300 km.

Hữu Túc (theo Chosun Ilbo)

Bình luận
vtcnews.vn