Hạn, mặn ở ĐBSCL: Có nơi sầu riêng chết trắng đến 20%

Đời sốngThứ Sáu, 28/02/2020 07:15:03 +07:00
(VTC News) -

Do thiếu nước ngọt, hàng nghìn ha sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, vú sữa đang bị vàng lá, cháy lá… và sẽ chết nếu nắng hạn kéo dài.

Hiện nay, vùng  Đồng bằng Sông Cửu Long có hơn 300.000 ha cây ăn quả, chiếm gần 40% diện tích cây ăn quả của cả nước. Trong thời điểm hạn mặn gay gắt như hiện nay, chính quyền, ngành nông nghiệp và nhà vườn trong khu vực đang quyết liệt ứng phó.

Hạn, mặn ở ĐBSCL: Có nơi sầu riêng chết trắng đến 20% - 1

Vườn cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang đang héo vàng vì thiếu nước ngọt.

 

Nước mặn  trên 3 phần nghìn bao phủ nhiều khu vực trồng cây đặc sản của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… Trong đó, do thiếu nước ngọt, hàng nghìn ha sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, vú sữa đã có biểu hiện vàng lá, cháy lá… và sẽ chết nếu nắng hạn kéo dài.

Thậm chí tại các xã ven sông Tiền, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có từ 10-20% cây sầu riêng bị chết trắng. Giải pháp “cứu nguy”  cho vườn cây đặc sản được nhiều nhà vườn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lựa chọn hiện nay là dùng xe thùng, xe bồn hay sà lan chuyển nước ngọt từ đầu nguồn đến bơm tưới vào vườn cây đang khát nước.

Ông Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, giải pháp đưa nước ngọt vào phun tưới cho vườn cây lúc này là cần thiết, nhưng nhà vườn phải biết tiết kiệm nước và không xử lý cho cây ra trái thời điểm này.

"Trong điều kiện khô hạn, nếu chúng ta bơm nước vô mương thì nước sẽ thấm xuống, mất đi, thành ra lượng nước mất nhiều. Vì vậy, nên trữ nước trong hệ thống túi ni-lon hoặc tấm bạc không thấm nước. Chúng ta cũng nên hạn chế tối đa bón phân hóa học vì khi bón phân cây sẽ ra tượt non, thậm chí ra  hoa, ra trái non. Như vậy, chỉ cần  bón lượng nước vừa phải để chống chịu trong giai đoạn này", ông Thoại nói.

Nhật Trường/VOV
Bình luận
vtcnews.vn