Hạn chế đăng ký xe cá nhân là ‘trái luật’

XeThứ Bảy, 08/09/2012 12:20:00 +07:00

(VTC News)– Cho rằng không nên đưa ra quy định hạn chế đăng ký quyền sở hữu vì trái luật Dân sự, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị không nên hạn chế xe gắn máy.

(VTC News) – Cho rằng không nên đưa ra quy định hạn chế đăng ký quyền sở hữu vì trái luật Dân sự, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị không nên hạn chế xe gắn máy.

Không nên tăng phí trông xe

Liên quan tới dự thảo Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn, Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa đưa ra văn bản góp ý với Bộ GTVT.

Theo đó, Hiệp hội này
kiến nghị không thu phí lưu hành phương tiện vì đã có phí bảo trì đường bộ, không tăng phí trông giữ xe vì phục vụ lợi ích của nhóm người trông giữ xe, và cũng không nên hạn chế xe gắn máy.

Theo hiệp hội này, việc hạn chế đăng ký quyền sở hữu là trái luật Dân sự còn người dân “có tiền cứ mua xe còn chạy ở đâu, chạy giờ nào do Thành phố quy định”.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng không thu phí lưu hành phương tiện vì đã có phí bảo trì đường bộ, không tăng phí trông giữ xe vì phục vụ lợi ích của nhóm người trông giữ xe, và cũng không nên hạn chế xe gắn máy. 

Hiệp hội này cũng nhận định không nên đưa ra quy định hạn chế đăng ký quyền sở hữu vì trái luật Dân sự. Quy định chứng minh có bãi đỗ xe mới được đăng ký xe là không cần thiết nếu muốn giảm thủ tục hành chính và giảm tiêu cực.


Đề xuất về niên hạn đối với xe gắn máy cũng nên bỏ vì nếu quy định ôtô chở khách có niên hạn 20 năm thì xe máy cũng phải được lưu hành ít nhất 30 năm, còn sau thời điểm đó, xe máy tự thân đã bị loại bỏ. Còn để đảm bảo chất lượng và độ an toàn, các cơ quan chức năng có thể quy định kiểm định xe gắn máy nhưng thời hạn kiểm định ít nhất 2 năm/lần.

Trên thực tế, một khi phương tiện giao thông công cộng thuận lợi thì người dân sẽ bỏ xe máy.

Các chuyên gia của Hiệp hội cũng cho rằng các giải pháp tăng thuế, phí sở hữu phương tiện cá nhân là chưa hợp lý và việc Hà Nội áp phí trước bạ lên tới 20% là đã kịch trần. Do đó, nếu tăng thêm nữa thì phải sửa "Pháp lệnh phí ".

Tuy nhiên, Hiệp hội này đồng tình với ý kiến thu phí vào trung tâm thành phố, phí lưu hành vào giờ cao điểm.

Liên quan tới lộ trình hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, Hiệp hội cũng đưa ra một số đề xuất như thời kỳ đầu nên hạn chế ôtô giờ cao điểm, vào trục đường chính, vào vành đai để ưu tiên xe buýt, cho nhập và phát triển các xe "Túc Túc" để gom khách đưa đến các điểm đỗ xe buýt. Hiệp hội đánh giá cần lựa chọn nhà nhập khẩu phương tiện để tránh việc nhập ồ ạt xe chất lượng kém...

Méo mặt với đủ loại thuế phí

Dù Việt Nam là một quốc gia còn nghèo, thu nhập bình quân thấp, người dân vẫn phải gánh đủ loại thuế phí liên quan tới ô tô, xe máy. Giá một chiếc ô tô hiện có tới 60% là các loại thuế, phí. Thuế phí ở xe máy có thấp hơn nhưng cũng cao hơn so với khu vực.

Không chỉ thế, cả ô tô và xe máy đang phải chịu cảnh thuế chồng thuế và phí chồng phí. Riêng ô tô đến nay phải chịu tới 8 loại thuế, phí. Do đó, việc ô tô, xe máy sẽ chịu thêm phí giao thông đường bộ gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhất là khi các phương tiện công cộng chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

>> Xem toàn bộ thông tin về phí lưu hành phương tiện giao thông

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc tăng thuế, phí để giảm ùn tắc giao thông và kẹt xe là không có cơ sở thực tế bởi thu phí nhiều cũng không thể làm cho phương tiện lưu thông trên đường giảm đi. Trên thực tế, không bao giờ có chuyện người dân đóng phí giao thông rồi bỏ xe ở nhà để đi lại bằng phương tiện khác.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn, với phạm vi áp dụng tại Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng trước khi trình Chính phủ vào cuối năm và triển khai từ năm 2013.

Dự thảo cho biết, tùy theo thời điểm cụ thể sẽ điều chỉnh các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện... Đồng thời sẽ cấp hạn ngạch cho các phương tiện đăng ký mới đối với từng thành phố trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển của cơ sở hạ tầng thành phố đó, các thành phố chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn/năm. Việc sở hữu phương tiện sẽ thông qua đấu giá.

Như vậy, cùng với việc phải bỏ tiền mua phương tiện với mức giá cao gấp 2-3 lần so với khu vực, chủ sở hữu phương tiện sẽ phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí và đặc biệt là phải đấu giá và nộp 1 khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Tại khu vực nội đô các thành phố lớn, điều kiện để được sở hữu ô tô là chủ phương tiện phải chứng minh được có chỗ để xe.

Khánh Hòa
Bình luận
vtcnews.vn